Giá bán lẻ gas trong nước đã liên tục tăng trong những ngày qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau đợt điều chỉnh vào đầu tháng 3-2022, giá gas đang được sử dụng phổ biến trong các hộ dân đã vượt mức 500.000 đồng/bình 12kg và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm 19.000 đồng/bình 12kg vào đầu tháng 4-2022, theo dữ liệu ghi nhận vào ngày 3-3.
Người lao động nghèo gặp khó
Vừa bật bếp gas chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình, chị Nguyễn Thị Bích Liên (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, nay giá gas tăng mạnh khiến việc nấu nướng của chị cũng rất dè chừng.
Cả gia đình thuê trọ ở TP.HCM đã chục năm nay, thu nhập bấp bênh lại đang nuôi hai con nhỏ nên các khoản chi phí cho cuộc sống như tiền trọ, tiền điện, tiền nước, xăng xe, học phí cho con và cả tiền gas tăng phi mã khiến chị rất áp lực.
Vì có con nhỏ nên việc nấu nướng rất mất thời gian, mỗi tháng gia đình chị Liên dùng hết hơn một bình gas (loại 12kg).
Dù muốn chuyển sang dùng bếp điện để tiết kiệm chi phí, nhưng việc bỏ ra khoản tiền vài triệu đồng để mua mới một chiếc bếp điện là chuyện khó với vợ chồng chị Liên.
"Nhiều người bảo tăng có vài chục ngàn, gì mà quá lên nhưng gia đình tui nghèo, ăn uống phải tính từng bữa thì khác", chị Liên nói.
Từ ngày giá gas leo thang, mỗi lần đi chợ chị Liên phải "vắt óc" để tìm mua những loại thực phẩm dễ chế biến, nhanh chín nhất.
"Cứ kiểu này chắc không ổn, trước mắt hai vợ chồng phải dè sẻn hơn, con cái đôi khi cũng ít uống sữa lại may ra đỡ chạy vạy vay mượn bà con", chị Liên kể.
Trong khi đó, đã ba ngày qua bà Lê Thị Thắm (47 tuổi, trọ ở quận Bình Tân) không nấu ăn vì nhà vừa hết... gas. Do chỉ có một mình, bà Thắm ăn tạm qua bữa bằng mì gói, bánh mì, bún...
"Vét sạch trên người cũng chẳng đủ đổi bình gas mới", bà Thắm vừa nói, vừa móc đống tiền lẻ trong túi ra đếm cả thảy được chưa đến 200.000 đồng.
Theo bà Thắm, khi đang đi nhặt ve chai ở quận Tân Phú, bà được một hộ dân tặng chiếc bếp gas cũ cùng 300.000 đồng hỗ trợ mua bình gas mới.
Ở một mình, nếu nấu ăn phải tiết kiệm, một bình gas được bà Thắm dùng đến ba tháng liền mới hết. "Bữa tôi bù đâu đó có mấy chục ngàn là mua được bình lớn rồi, chứ đâu như nay mà đắt dữ vậy", bà Thắm chia sẻ.
Đồ hoạ: TUẤN ANH
Chi phí nhiên liệu tăng mạnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Thanh Hải - chủ quán bún bò Yến Hương Giang (đường Võ Văn Tần, quận 3) - cho biết giá gas tăng quá mạnh khiến chi phí "đỏ bếp" của quán đội lên cao.
Ông Hải nhẩm tính trung bình mỗi tháng quán bún này dùng khoảng 60 bình gas loại 50kg, tháng trước chỉ khoảng 2 triệu đồng/bình, đến tháng 3 đã tăng thêm 175.000 đồng/bình.
Tính ra, riêng chi phí gas cũng đã đội lên trên 10 triệu đồng/tháng. "Chưa hết, giá các nguyên vật liệu, thịt, rau... cũng đã tăng ăn theo giá xăng, trong khi quán không thể tăng giá bán trong thời điểm khó khăn này, quán chấp nhận lợi nhuận giảm sâu để giữ khách dù thời gian qua lượng khách đã sụt giảm mạnh", ông Hải than.
Tương tự, bà Dương Mỹ Liên - chủ nhà hàng Hạnh Dung (đường Âu Cơ, quận 11) - cũng cho hay giá gas tăng đã tác động ngay đến bếp ăn của nhà hàng này khi mỗi tuần dùng đến 8 bình gas loại 45kg, nên phải bỏ thêm hơn 1,2 triệu đồng tiền mua gas, mỗi tháng cũng tăng gần 5 triệu đồng.
Không chỉ giá gas tăng, các mặt hàng liên quan đến vận chuyển đều tăng, rau củ tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, cá biệt có bông cải tăng gấp đôi từ 30.000 đồng/kg lên 60.000 đồng/kg, còn các mặt hàng khác đều tăng từ 10-15%.
"Giá khí đốt tăng nhưng nhà hàng cũng không thể thay đổi giá trên thực đơn, chấp nhận lời ít, thậm chí huề vốn để cầm cự thời điểm này", bà Liên cho biết.
Đại diện một nhà hàng tiệc cưới tại TP Thủ Đức cho hay mỗi tháng dùng hơn 200 bình gas loại 50kg, với mức tăng giá gas hiện nay, chi phí mua gas của nhà hàng này đã đội lên 35 triệu đồng/tháng.
Theo ông Lê Quang Tuấn - phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương, các nhà hàng lớn thường lấy từ 150 - 400 bình gas loại 50kg mỗi tháng, chi phí nhiên liệu bị đội lên khoảng 26 - 70 triệu đồng/tháng.
"Đối với gas công nghiệp, nhiều ngành sử dụng lượng lớn gas chịu tác động như ngành gốm sứ, mạ kẽm, nấu nhôm, sản xuất thép... Tuy vậy, do nhu cầu sử dụng cho sản xuất nên dù giá khí đốt tăng, các doanh nghiệp vẫn nhập", ông Tuấn nói, đồng thời đề nghị Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu nếu giá gas tiếp tục tăng cao cũng như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.
Khi giá gas tăng mạnh, người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng bếp điện để giảm chi phí - Ảnh: T.ĐẠM
Ông Nguyễn Hải Long (phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam):
Xem xét giảm thuế hỗ trợ người tiêu dùng
Nhu cầu sử dụng gas trong nước tại thời điểm này thấp hơn tháng 1 và trước Tết. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị giữa Ukraine - Nga đã tác động đến nguồn cung khí đốt trên toàn cầu, trong đó có giá gas.
Trong thời gian tới, giá gas thế giới dự báo vẫn còn tăng cao và nếu giá gas còn tăng cao trong thời gian tới, Nhà nước cần sử dụng công cụ thuế để kiềm chế đà tăng giá gas.
Trước đây mỗi bình gas chỉ trên 300.000 đồng, nhưng nay đã vượt mức 500.000 đồng/bình, nên sẽ tác động đến giá cả của nhiều mặt hàng hóa và đời sống người dân.
Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng khí đốt cũng chịu tác động mạnh, giá thành sản xuất của doanh nghiệp bị đội lên.
Gas đang chịu thuế nhập khẩu 5%. Nếu giá gas vẫn tăng, Nhà nước có thể giảm xuống 3%, thậm chí đưa mức thuế này tạm thời về 0% để giảm áp lực cho người tiêu dùng.
Ông Bùi Trung Kiên (phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM):
Cần sử dụng bếp điện hợp lý
Giá gas tăng quá cao sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí nhiên liệu của người dân, sẽ có một bộ phận người dân có xu hướng chuyển sang dùng các năng lượng khác, trong đó có bếp điện thay vì dùng gas.
Tuy vậy, nếu người dân chuyển sang dùng điện nhiều, chỉ số tiêu thụ điện tăng cao, đặc biệt là hiện khu vực TP.HCM đang bắt đầu chuyển sang mùa nắng nóng, có nguy cơ cao hóa đơn tiền điện của người dân trong các tháng tới sẽ tăng cao.
Chẳng hạn, một gia đình có 4 thành viên dùng gas liên tục, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 1 bình gas loại 12kg với giá 500.000 đồng. Khi chuyển sang dùng bếp điện ít nhất cũng phải nấu từ 2 - 3 tiếng/ngày, ước khoảng 3kWh điện.
Do đây là lượng điện tiêu thụ phát sinh thêm, nên sẽ rơi vào thang giá điện bậc cao (từ 2.834 - 2.927 đồng/kWh), tiền điện phát sinh thêm sẽ rơi vào mức gần 300.000 đồng, rẻ hơn dùng gas.
Có thể một bộ phận người dân sẽ chuyển sang dùng bếp điện, mức tiêu thụ điện của TP sẽ tăng lên trong thời gian tới, nhất là mùa nắng nóng.
Do đó, ngành điện khuyến cáo người dân tính toán chi phí và sử dụng bếp hợp lý bởi chỉ số tiêu thụ sẽ rơi vào bậc thang giá cao sẽ khiến tiền điện tăng nhiều vào cuối tháng.
Giá gas vẫn có xu hướng tăng mạnh
Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Hiệp hội Khí Việt Nam, cho biết xung đột giữa Nga và Ukraine làm nguồn cung khí đốt bị gián đoạn, giá tăng mạnh.
Vào tháng 10-2021, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) ở mức 600 USD/tấn, nay đã lên tới gần 1.000 USD/tấn. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu khoảng 60% sản lượng gas từ nước ngoài, nên giá gas trong nước chịu ảnh hưởng theo giá thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Loan, mức tăng của giá gas trong nước vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí giá thành đối với mặt hàng này. Bởi trong cơ cấu giá thành mặt hàng gas, giá CP chiếm chỉ từ 40-60% (tùy thời điểm), còn lại sẽ là các chi phí khác.
Trong đó có chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức dao động từ 80 - 100 USD/tấn; chi phí tồn trữ ở kho 15 USD/tấn; chi phí vận chuyển 40 USD/tấn; chi phí chiết nạp là 30 USD/tấn, chi phí vỏ bình gas từ 40 USD/tấn; chi phí bán lẻ cuối cùng dao động gần 80 - 100 USD/tấn...
Giá gas tăng khiến chi phí của người bán quán thêm phần khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Giá gas trong nước tăng mạnh chủ yếu do giá thế giới, nhưng mức tăng này chưa phản ánh hết chi phí giá thành bởi các chi phí khác không được tăng theo như nhân công, vận chuyển, khâu bán lẻ...
Với mức giá như hiện nay, doanh nghiệp chỉ có lợi nhuận ít hoặc hòa vốn, không có lời. Trong khi cơ chế kinh doanh gas qua nhiều tầng lớp, từ tổng đại lý, rồi đại lý... cũng không tránh khỏi vấn đề tiêu cực của thị trường", ông Loan nói.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong năm 2021, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,291 triệu tấn. Trong đó, nguồn cung trong nước đạt trên 898.000 tấn, chiếm 40%, chủ yếu cung cấp từ các nhà máy GPP Dinh Cố, nhà máy GPP Khí Cà Mau, nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và nhà máy của Công ty CP dầu khí Đông Phương. Nguồn còn lại được nhập khẩu thông qua các thương nhân xuất nhập khẩu LPG, với trên 1,3 triệu tấn chủ yếu từ thị trường 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Qatar, Thái Lan, UAE, Úc, Saudi Arabia, Malaysia và Kuwait.
N.AN
Chưa tăng giá những mặt hàng do Nhà nước định giá
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều tối 3-3, trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về giải pháp kiểm soát giá cả các mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu đầu vào và kiểm soát lạm phát, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay Ban chỉ đạo điều hành giá đã họp bàn để đưa ra các biện pháp kiểm soát giá.
Theo đó, với mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, chưa xem xét điều chỉnh đến hết quý 2-2022, nhưng sẽ chuẩn bị đầy đủ điều kiện và chính sách để khi có điều kiện, có dư địa sẽ chủ động điều hành giá linh hoạt. Trong đó, với mặt hàng xăng dầu, sẽ cập nhật thường xuyên diễn biến giá thế giới, chủ động trong cung ứng và đảm bảo nguồn cung, quản lý giá...
Đối với phương án đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu ở mức 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu, ông Chi cho hay: "Đây mới là dự thảo đề án đang lấy ý kiến bộ ngành và cơ quan liên quan, mong nhận được nhiều đóng góp, ý kiến để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp".
Giá xăng tăng đã vượt ngưỡng 27.000 đồng/lít ngay đầu tháng 3-2022 - Ảnh: T.T.D.
Riêng với cơ chế điều hành giá xăng dầu, trả lời câu hỏi liệu có điều chỉnh sớm hơn là 2 ngày/lần khi giá có biến động mạnh, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết theo quy định của nghị định 95, giá xăng dầu được điều chỉnh là 10 ngày/lần.
Tuy nhiên, nghị định 95 cũng quy định trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh.
"Theo đó, 2 ngày/lần tổ công tác liên bộ sẽ bàn để xem có cần thiết báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh khác so với quy định là 10 ngày/lần hay không. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, ví dụ như giao cho doanh nghiệp tăng nhập khẩu thì nguồn vốn nhập khẩu như thế nào, thủ tục để nhập nhanh nhất, hiệu quả nhất", ông Thắng Hải nói.
N.AN - T.CHUNG - D.LIỄU
OPEC: Giá dầu tăng nóng là tạm thời?
Theo báo New York Times, trong cuộc họp định kỳ hằng tháng vào ngày 2-3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ chối can thiệp hạ nhiệt giá dầu thô với giải thích rằng giá dầu tăng nóng chỉ do "diễn biến địa chính trị", tức cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Đại gia dầu mỏ hưởng lợi
Ngay sau cuộc họp OPEC, thị trường lập tức phản ứng: giá dầu đã tăng vọt. Trong ngày 3-3 có lúc tăng lên gần 120 USD/thùng, cao nhất trong nhiều năm.
Liên minh OPEC+ (bao gồm Nga) tuyên bố sẽ duy trì chiến lược đã thỏa thuận từ trước, chỉ tăng sản lượng một cách khiêm tốn thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 4-2022. Các nhà phân tích cho rằng mức tăng này còn lâu mới đủ hạ nhiệt giá.
Thậm chí trước khi nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, nhiều nước OPEC+ đã bơm dầu ít hơn mục tiêu đề ra, nên chẳng ai nói trước được con số thực tế họ sẽ cung cấp ra thị trường trong những tuần tới.
Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính OPEC+ giảm 900.000 thùng dầu/ngày trong tháng 1-2022, tương đương 1% tổng sản lượng. Trong khi đó, dù giá dầu tăng, các hãng dầu của Mỹ vẫn chưa muốn tăng sản lượng nhiều, với lý do để tránh cung vượt quá cầu thị trường.
Tuyên bố hôm 1-3 của Mỹ và Cơ quan Năng lượng quốc tế về việc xả kho dự trữ khẩn cấp 60 triệu thùng dầu cũng không thể làm nguội thị trường như mong đợi.
Mỹ không ngăn Nga xuất khẩu năng lượng
Ngày 2-3, vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm vận xuất khẩu dầu của Nga là một khả năng, Nhà Trắng chuyển giọng nhẹ nhàng hơn, mô tả rằng phương án này không nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ.
"Cấm vận kiểu đó chỉ làm tăng giá nhiên liệu, đánh vào túi tiền người Mỹ", bà Karine Jean-Pierre, phó thư ký báo chí, trao đổi với phóng viên.
Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba và sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới. Và theo công ty nghiên cứu đầu tư BCA Research đánh giá: "Mỹ và EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt sâu rộng, nhưng sẽ không ngăn cản xuất khẩu năng lượng của Nga, vì điều đó sẽ gây ra suy thoái ở châu Âu".
Theo tờ Politico, nếu Mỹ tăng lượng khí đốt đến châu Âu có thể giúp bù đắp nguồn cung của Nga trong dài hạn, nhưng vẫn quá muộn để tác động đến tình hình hiện nay.
Cuộc chiến ở Ukraine chưa thấy hồi kết, giá dầu thô dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian tới một phần do các nhà sản xuất không mặn mà tăng sản lượng.
Đề xuất giảm thuế 1.000 đồng/lít xăng
Ngày 3-3, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý các bộ ngành, cơ quan trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Trong dự án nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm thuế BVMT với xăng là 1.000 đồng, từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít. Các mặt hàng dầu được đề nghị có chung mức giảm là 500 đồng/lít, ký. Dự kiến tới đây, thuế diesel là 1.500 đồng/lít, dầu hỏa: 500 đồng/lít, dầu mazut: 1.500 đồng/lít, dầu nhờn: 1.500 đồng/lít, mỡ nhờn: 1.500 đồng/kg. Thời gian áp dụng từ khi nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31-12 năm nay.
Nếu đề xuất trên được áp dụng từ ngày 1-4, Bộ Tài chính ước tính nếu sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương năm 2019, số thu ngân sách gồm cả thuế BVMT, thuế VAT ước giảm 11.982 tỉ đồng. Theo bộ này, trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, việc giảm thuế BVMT sẽ góp phần làm giảm giá trực tiếp các mặt hàng này, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
L.THANH
MINH TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận