Phóng to |
Theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, giá gas ở VN dù tăng hay giảm, doanh nghiệp luôn điều chỉnh có lợi cho họ - Ảnh: Thuận Thắng |
"Không nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thị trường gas lại lộn xộn như VN, doanh nghiệp bán gas thành lập quá dễ dàng, chỉ xin giấy phép một ngày là xong. Trong khi đây là mặt hàng có thể ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng, chi phí đầu tư quá lớn, dễ phát sinh gian lận..." ông Trần Trọng Hữu (phó tổng thư ký Hiệp hội Gas VN) |
Tại buổi tọa đàm “Hướng tới thị trường gas minh bạch và an toàn” do báo Công Thương tổ chức ngày 19-9, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN - cho hay so với giá thế giới, giá gas ở VN dù tăng hay giảm, các doanh nghiệp luôn chủ động và điều chỉnh có lợi cho mình. Ông Hùng dẫn chứng tháng 1-2012, giá thế giới tăng 85 USD/tấn (tương đương tăng gần 1.800 đồng/kg), giá trong nước đã tăng 2.000 đồng/kg. Tháng 2-2012, giá thế giới tăng khoảng 3.000 đồng/kg thì giá trong nước tăng 3.500 đồng/kg. Tháng 3-2012, giá thế giới tăng 180 USD/tấn, tương đương tăng gần 3.800 đồng/kg thì giá trong nước tăng tới 4.300 đồng/kg.
Trong quý 2-2012 giá gas thế giới đảo chiều, ông Nguyễn Mạnh Hùng đưa thống kê cho thấy khi giá thế giới giảm, giá trong nước lại giảm nhỏ giọt. Cụ thể, tháng 4-2012 giá thế giới giảm 17,6%, giá trong nước giảm 15%. Liên tục điệp khúc như thế, tháng 5-2012 giá thế giới giảm 14%, giá trong nước giảm chỉ 8,6%. Tháng 6-2012, giá thế giới giảm 15%, giá trong nước chỉ giảm 8%...
Trong khi đó, ông Trần Trọng Hữu - phó tổng thư ký Hiệp hội Gas VN - cho rằng kinh doanh gas rất vất vả. Hiện mỗi tháng giá gas điều chỉnh một lần theo giá thế giới và luôn được dự báo, công khai trên Internet. “Chỉ cần giá thế giới giảm 50 USD/tấn, doanh nghiệp nào tồn 1.000 tấn là đã có thể lỗ tới 50.000 USD. Vì vậy họ sẽ giảm giá để bán nhanh, giảm tồn kho. Trường hợp này người tiêu dùng được lợi”, ông Hữu nói. Tuy nhiên, ông Hữu thừa nhận khi có dự báo giá gas tháng sau tăng, có thể có doanh nghiệp không muốn bán hết hàng hoặc lợi dụng điều chỉnh tăng giá. Về tổng thể, ông Hữu khẳng định “kinh doanh gas lợi nhuận rất thấp, chỉ 0,5% doanh thu, không được như xăng dầu có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít”...
Không chỉ là vấn đề giá, chất lượng cung ứng gas hiện cũng có vấn đề. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết có trường hợp dân dùng ba tháng mới hết một bình gas nhưng có lần chỉ được bảy ngày. Thậm chí, có một chung cư bị cắt hết gas, ảnh hưởng an toàn cháy nổ vì người dân không đồng tình với cách tính tỉ trọng kg/m3 mà nhà cung cấp đưa ra. Đó là chưa kể nhiệt lượng một số loại gas khác nhau mà người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được. Để tránh khâu trung gian nâng khống giá gas, ông Hùng đề nghị Hiệp hội Gas nên có cách dán niêm yết giá trên bình gas để minh bạch, tránh người tiêu dùng bị thiệt hại.
Ông Đỗ Thanh Lam, cục phó Cục Quản lý thị trường, nêu tình trạng sang chiết gas trái phép, một số cơ sở mua lại vỏ bình trôi nổi hoặc chiếm dụng vỏ bình rồi cắt quai, mài chữ... khiến người tiêu dùng có thể bị thiệt hại về chất lượng gas, Nhà nước thất thu thuế, đặc biệt có thể gây mất an toàn. Trước câu hỏi nhiều cơ sở sang chiết gas trái phép bị bắt nhưng chỉ bị xử hành chính, ông Lam cho rằng hành lang pháp lý cần đủ mạnh.
Ông Nguyễn Lộc An - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết hiện mỗi năm VN tiêu thụ hơn 1,2 triệu tấn gas, trong đó gần 50% từ nguồn trong nước, khoảng 50% phải nhập khẩu. Theo ông An, nghị định 107/2009 về kinh doanh gas sau gần bốn năm áp dụng đã nảy sinh nhiều bất cập cần xem xét, đánh giá và sửa đổi. Hiện cơ quan này đang chuẩn bị sơ kết việc thực hiện nghị định 107 và hướng sẽ sửa đổi để siết chặt hơn trong việc kinh doanh gas, đảm bảo an toàn, quyền lợi người tiêu dùng.
Định hướng, theo ông An, các thương nhân đầu mối nhập khẩu, kinh doanh gas sẽ phải chịu trách nhiệm về giá, chất lượng cả chuỗi cung ứng của mình, sẽ không để tình trạng có nhiều mức giá trong cùng một hệ thống...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận