09/01/2024 16:12 GMT+7

Giá gạo 600 USD hay 1.000 USD/tấn đều là công sức chính của nông dân

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu vấn đề xoay quanh gạo Việt xuất khẩu và đặt ra giải pháp lâu dài trong tương quan lợi ích của nông dân.

Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nêu giải pháp đi liền với lợi ích nông dân xoay quanh gạo xuất khẩu - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nêu giải pháp đi liền với lợi ích nông dân xoay quanh gạo xuất khẩu - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Ngày 9-1, tại tọa đàm Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo do báo Người Lao Động tổ chức, có nhiều giải pháp được đặt ra, đặc biệt giải pháp thực tế đi liền với lợi ích bà con trồng lúa.

Đánh giá tổng quan, ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt - cho rằng Việt Nam đã cải thiện bộ giống rất tốt và giống ST25 là một kỳ tích ngàn năm. Và đề án 1 triệu ha chuyên canh chất lượng cao, cơ giới hóa, bộ giống tốt, quy trình sản xuất từ hữu cơ, GlobalGAP, VietGAP; vấn đề về liên kết… là những giải pháp cho gạo chất lượng.

Trong bối cảnh các nước thiếu gạo, Việt Nam sẵn sàng cung cấp với giá thị trường, nhưng ông Tùng lưu ý: "Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang sản xuất lúa gạo với nhiều yêu cầu, đảm bảo an ninh lương thực nhưng chưa đảm bảo an ninh thu nhập.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng nói giá lúa lên cao, có lợi thì nông dân sẵn sàng ra đồng nằm canh lúa. Vấn đề phải chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Ví dụ cánh đồng liên kết, nếu lúa chín gặp mưa không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng phải lo lắng, không chỉ trách nhiệm của riêng ai".

Đặt câu chuyện xuất khẩu gạo, vấn đề chính vẫn là người nông dân, ông Tùng nói: "Dù Việt Nam xuất khẩu gạo 600 USD hay 1.000 USD/tấn, công sức chính vẫn của người nông dân. Ngoài ra, có công sức của doanh nghiệp và cả tài nguyên, cơ sở hạ tầng…".

Trong khi đó, ông Võ Tòng Xuân, chuyên gia về nông nghiệp Việt Nam, cho rằng cần sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, như từ việc chọn giống, sản xuất, trồng thêm, đến chế biến, thương hiệu...

Theo ông, không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất làm bún, hủ tiếu…

"Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi nơi có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững", chuyên gia này nhấn mạnh.

Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan: Không phải ăn may

Ông Phạm Thái Bình - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) - cho rằng giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan không phải ăn may.

"Năm 2024, giá gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, ta cũng bị biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, có thể tăng sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội trời cho, mà cả sức mạnh nội tại.

Giá gạo Việt cao hơn Thái Lan không phải ăn may, mà có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao", ông Bình nói.

Giải pháp đường dài, ông Bình nêu ra chính là cánh đồng lớn, tức liên kết doanh nghiệp và nông dân - đôi bên cùng có lợi; đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, triển khai thành công nông dân sẽ có lãi, doanh nghiệp có lời.

Xuất khẩu gạo thuận lợi nhưng cần nâng chất lượngXuất khẩu gạo thuận lợi nhưng cần nâng chất lượng

Dự báo nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục thuận lợi nhưng cần nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp