15/07/2022 20:53 GMT+7

Giá euro rớt mạnh nhưng không có để mua

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Giá EUR rớt mạnh đã kích thích nhu cầu mua tích trữ của một số người dân. Nhưng theo phản ánh, dù giá EUR giảm nhưng khó mua do khan hàng vì người giữ EUR không bán ra. Trong khi đó một số người giữ USD tranh thủ bán ra để chốt lời.

Giá euro rớt mạnh nhưng không có để mua - Ảnh 1.

Giá EUR rớt mạnh nhưng khó mua - Ảnh: T.THƯƠNG

Nhiều quầy thu đổi ngoại tệ (theo quy định chỉ được mua chứ không được bán ngoại tệ với người dân) ngày thường vẫn giao dịch bình thường, thì nay thông báo không có hàng.

Trưa nay, 15-7, chị T.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay đã ghé vào một quầy thu đổi ngoại tệ trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) nhưng được thông báo không có hàng vì giá rớt quá, người giữ EUR lỗ nên không bán ra, dẫn đến tiệm không có nguồn để bán lại cho khách. Trường hợp có EUR muốn bán ra thì họ thu vào với giá 24.300 đồng/EUR.

Chủ tiệm cũng hẹn 15h nếu muốn mua thì điện thoại lại nhưng khi chị T.T. gọi điện thoại thì vẫn được báo là không có hàng.

Trước đó, anh Đ. (ngụ quận Bình Thạnh) sắp đi du lịch châu Âu cũng tranh thủ mua EUR nhưng chủ tiệm vàng gần nhà báo là phải hẹn trước chứ đột xuất không có hàng.

Cuối ngày hôm nay, giá EUR bán ra tại thị trường tự do ở mức 24.600 đồng/EUR, dù giá bán ra niêm yết tại ngân hàng chỉ ở mức 23.764 đồng/EUR, tức chênh đến 836 đồng/EUR. Ở chiều mua vào, giá thu mua tại thị trường tự do cũng lên đến 24.300 đồng/EUR dù ngân hàng bán ra ở mức 23.252 đồng/EUR.

Tuy nhiên theo quy định hiện nay, ngân hàng chỉ bán ngoại tệ cho khách hàng trong trường hợp khách hàng đi du lịch, khám chữa bệnh, du học… theo đồng ngoại tệ tại nơi đến với mức tối đa là 5.000 USD quy đổi với điều kiện phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh, nên những người có nhu cầu mua tích trữ không thể mua tại ngân hàng mà phải mua tại thị trường tự do.

Chuyên gia Trần Duy Phương cho rằng tại Việt Nam ngoài ngoại tệ phổ biến nhất là USD, nhiều người còn giữ EUR (đồng euro), CAD (đôla Canada), AUD (đôla Úc). Trước đây EUR luôn cao hơn USD từ 4.000 - 5.000 đồng, do vậy khi giá EUR giảm nhiều người tranh thủ mua vì kỳ vọng giá lên sẽ bán ra để hưởng chênh lệch.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại thì người giữ EUR bị lỗ khi giá đồng tiền này bất ngờ giảm mạnh, do vậy họ vẫn tiếp tục "ôm" chứ không bán ra. "Người đi du lịch nên mang giấy tờ vào ngân hàng đổi ngoại tệ để có thể mua với giá rẻ hơn. Trường hợp có USD vẫn có thể đổi tại châu Âu để chi tiêu", ông Phương hướng dẫn.

Đầu năm 2021, giá bán EUR tại các ngân hàng lên đến 28.140 đồng/EUR, trong khi giá bán USD chỉ 23.138 đồng/USD, tức chênh đến 5.002 đồng. Còn hôm nay, 15-7-2022, EUR chỉ còn 23.764 đồng/EUR. Như vậy tính chung trong vòng một năm rưỡi qua, người nắm giữ EUR đã lỗ gần 16%.

Euro - USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15% Euro - USD ngang giá: Giúp giảm lạm phát ở Mỹ, khách du lịch được ‘giảm giá’ 15%

TTO - Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, đồng euro và USD có tỉ giá gần tương đương. Việc hai đồng tiền giá trị bậc nhất thế giới ngang giá nhau mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp