>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
>> Kỳ 3:
>> Kỳ 4:
Anh Hwang, chị Thùy và hai con - Ảnh: Q.TR. |
Mỗi dịp quây quần bên nhau cuối tuần, tất cả thành viên đều nói chuyện bằng... tiếng Anh. Đó là gia đình đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc của chị Đỗ Bích Thùy và anh Hwang Gun Il cùng hai con ở quận 9, TP.HCM.
Sự chân thành của chàng trai xứ Hàn và trái tim nhân ái của cô gái Việt đã gắn kết họ với nhau bằng câu chuyện tình lãng mạn bắt đầu từ 18 năm về trước.
Chuyện tình lãng mạn
Năm 1996, anh Hwang Gun Il đến VN làm việc tại một công ty giày da của Hàn Quốc. Với mong muốn ổn định chỗ ở, anh Hwang đến gõ cửa nhà ông Đỗ Văn Phúc, cựu tùy viên quân sự của Đại sứ quán VN tại Liên Xô, ở đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) để đại diện công ty hỏi thuê một căn nhà gần đó của ông.
Ông Phúc bảo con gái Đỗ Bích Thùy, khi ấy mới trở về VN sau khi tốt nghiệp ĐH ở Matxcơva, xuống nhà để hỗ trợ phiên dịch tiếng Anh.
Đáp lại lời căn dặn của cha vợ, anh Hwang đã có những việc làm và hành động hết sức thiết thực, cụ thể. Thỉnh thoảng, anh cùng chị Thùy giúp kết nối những đoàn bác sĩ từ thiện từ Hàn Quốc sang khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các miền quê VN. Vợ chồng anh cũng thường dẫn hai bé Bảo Long và Hwang Ly đi thăm các trại trẻ mồ côi. “Tôi muốn gieo vào lòng hai con tôi sự cảm thông dành cho người có hoàn cảnh không may. Đó là cách giáo dục tốt nhất” - anh Hwang chia sẻ. Rồi người đàn ông Hàn Quốc ở tuổi ngũ tuần tự hào nhìn cậu con trai Jun Won, bảo: “Thằng bé có khiếu bơi lội. Cháu là thành viên đội bơi trẻ của Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 và đạt một số giải thưởng. Cháu còn có ước mơ đại diện VN tham gia SEA Games nữa”. |
Sau đó biết chị Thùy đang tìm việc, anh Hwang đề nghị giới thiệu chị làm chung công ty với mình và chị đồng ý. Anh Hwang cho biết thời gian đầu hai người làm việc chung như những đồng nghiệp bình thường, nhưng dần dần anh cảm thấy rung động bởi trái tim nhân ái của cô gái Việt.
“Cô ấy không những làm việc chăm chỉ mà còn rất hay giúp đỡ người khác. Khi các nhân viên Hàn Quốc trong công ty bị bệnh, cô ấy rất nhiệt tình mua thuốc cho họ uống và đưa họ đi bệnh viện” - anh Hwang nhớ lại.
Dựa vào vai chồng, chị Thùy mỉm cười kể: “Ấn tượng ban đầu của tôi là sao anh ấy... đẹp trai quá vậy! Nhưng tôi chỉ chấp nhận hẹn hò sau khi nhận thấy rất nhiều điểm tốt của anh trong thời gian làm việc chung”.
Thế là chuyện tình của họ bắt đầu bằng những ngày chị Thùy ngồi sau xe máy của anh Hwang đi dạo vòng vòng thành phố. Tuy nhiên, do mẹ chị Thùy vốn là cô giáo dạy văn, rất khó tính nên bà yêu cầu chị không được đi chơi quá 7g tối với lời căn dặn: “Con gái hay ho gì cái trò đi ra ngoài đường mỗi đêm”.
Nhưng không vì thế mà anh Hwang nản chí. Để thỏa nỗi nhớ nhung, chàng trai Hàn có tâm hồn lãng mạn gọi điện thoại hát những bài tình ca tiếng Anh tặng chị mỗi đêm. Chị Thùy cho biết giọng hát của anh Hwang rất hay và tình cảm nên chị vô cùng cảm động.
Thế là một hôm anh Hwang bất ngờ cầu hôn chị Thùy. “Sau khi nghe lời cầu hôn của anh ấy, tôi thích lắm. Anh ấy rất chịu khó hòa nhập với gia đình tôi nên tôi thấy đủ tin tưởng giao cuộc đời mình cho anh ấy rồi. Nhưng tôi cũng hơi lo về quyết định của mẹ mình và bảo anh ấy sang xin phép mẹ” - chị Thùy thẹn thùng kể lại.
Cuối cùng anh Hwang cũng thuyết phục được người mẹ vợ tương lai khó tính sau khi đồng ý không đưa chị Thùy sang sinh sống ở Hàn Quốc. Hai người kết hôn năm 1999 và lần lượt bé trai Jun Won (có tên tiếng Việt là Đỗ Hoàng Bảo Long, 14 tuổi) và bé gái Hwang Ly (10 tuổi) ra đời.
Chị Thùy nói cả hai hiện đang học trường quốc tế và có thể nói trôi chảy ba thứ tiếng Anh, Hàn, Việt. “Các cháu mỗi tuần học một buổi tiếng Việt và hai buổi tiếng Hàn. Về tiếng Việt, các cháu học từ nhỏ nên không có khó khăn gì” - chị cho biết.
Sau đó cha mẹ của anh Hwang chuyển từ Hàn Quốc sang VN chung sống với gia đình chị Thùy tại ngôi nhà mới khang trang của họ ở quận 9, TP.HCM trong hơn năm năm, cho đến khi ba anh Hwang qua đời vì tuổi cao sức yếu ngay tại VN và mẹ anh phải quay về Hàn Quốc để chữa trị căn bệnh thấp khớp.
Chị Thùy cho biết hai thông gia sống rất hòa hợp và vui vẻ dù bất đồng ngôn ngữ.
“Các cụ thường nói chuyện về món ăn và sức khỏe. Ba mẹ anh Hwang cũng học một số từ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt để lúc ở nhà có thể nói chuyện được. Nói chung là các cụ giao tiếp theo ngôn ngữ của người già và đều hiểu nhau” - chị kể.
Gia đình anh Hwang Gun Il - Ảnh: Q.TR. |
“If mommy’s happy, my family’s happy”
Khi tôi hỏi anh Hwang và chị Thùy về bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình suốt 15 năm qua thì bé Hwang Ly hồn nhiên nói: “If mommy’s happy, my family’s happy” (mẹ hạnh phúc thì gia đình hạnh phúc).
Chị Thùy, nay 42 tuổi, bảo ba cha con thường “nịnh yêu” chị bằng cách nói như vậy. Chị chia sẻ rằng gia đình chị luôn coi hạnh phúc của các thành viên là quan trọng, do vậy mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, người này thường đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để hóa giải.
“Tôi nghĩ cặp vợ chồng nào cũng có những bất đồng. Do vậy, tôi thường xem phim Hàn Quốc để hiểu hơn về phong tục tập quán của đất nước anh. Còn về bất đồng ngôn ngữ, tôi và anh Hwang dùng tình cảm để hóa giải những mâu thuẫn” - chị bộc bạch.
Còn anh Hwang kể một, hai năm sau khi kết hôn, vợ chồng anh cũng có nhiều lần hiểu lầm do khác biệt văn hóa. Chẳng hạn như chuyện mời khách đến nhà ăn cơm, người Hàn thường gắp đồ ăn cho khách trước trong khi chị Thùy ưu tiên gắp cho chồng trước.
“Sau đó chúng tôi thống nhất với nhau rằng: nếu là khách Hàn Quốc thì gắp đồ ăn cho khách trước, còn nếu là khách Việt đến nhà thì cô ấy gắp cho tôi trước” - anh Hwang nói và cười giòn.
Chị Thùy còn hạnh phúc chia sẻ thêm rằng anh Hwang luôn chăm sóc chị như hồi mới yêu. Chị kể cách đây ba năm, chị bị bệnh và bác sĩ yêu cầu phải mổ. Sau đó, anh Hwang quyết định đưa chị sang Hàn Quốc mổ. Trong thời gian khoảng một tháng ở bệnh viện, anh Hwang luôn túc trực bên chị để chăm sóc và làm phiên dịch cho chị, khiến chị vô cùng cảm động.
Nhận xét về vợ, anh Hwang mãn nguyện nói chị Thùy là một người rất quan trọng trong gia đình, chăm sóc gia đình tận tâm, có trái tim nhân ái vì hay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là nấu ăn rất ngon. “Kim chi cô ấy làm ngon không chỗ chê” - anh Hwang cười tươi bảo.
Lời căn dặn ý nghĩa từ cha vợ
Anh Hwang kể sau khi kết hôn với chị Thùy, anh cảm thấy rất sốc khi nhận được lời căn dặn từ cha vợ là thiếu tướng Đỗ Văn Phúc, rằng: “VN là một đất nước còn rất nghèo. VN cần phải phát triển kinh tế. Con là người nước ngoài đến đây kinh doanh, con phải hiểu rõ người Việt, giúp đỡ họ và cùng chung sống với họ”.
Nhưng sau một thời gian chứng kiến những hành động của cha vợ đối với người nghèo, anh dần nhận ra rằng những gì ông nói là đúng. Anh Hwang kể có lần anh cảm thấy rất xúc động khi cha vợ anh lấy những quần áo đắt tiền mà anh tặng ông để tặng người nghèo.
“Lúc đó, tôi mới hiểu cách ông nghĩ về VN. Tôi hứa với ông sẽ cố gắng hòa nhập với văn hóa Việt và tìm hiểu về người Việt. Giờ tôi nhận thấy nơi mình đã có 50% là người Việt và cảm thấy biết ơn đất nước này vì ở đây tôi gặp được vợ tôi, có hai con xinh xắn và một công việc tốt” - anh Hwang bày tỏ.
____________
Kỳ tới: Hàng Việt ở phố Hàn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận