13/12/2015 08:15 GMT+7

Gia đình văn hóa: Trách sao người dân vô cảm!

  DẠ NGÂN
DẠ NGÂN

TT - Chừng như phong trào “Gia đình văn hóa” có từ thập niên 1990. Phải nói thật, thời chiến thì cần phong trào: miền Bắc hậu phương có phong trào tòng quân, phong trào thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang; miền Nam kháng chiến thì phong trào thi đua giết giặc, phong trào lúa đảm phụ nuôi quân...

Nhưng thời bình mà vẫn kiến tạo xã hội bằng tư duy phong trào hình thức thì tránh sao khỏi bất cập, hời hợt.

Năm 1990 ở Cần Thơ, cán bộ phường đến vận động đăng ký gia đình văn hóa. Mẹ vắng nhà, con gái thiếu nữ chưa biết gì, thấy hàng xóm tham gia, nhà mình cũng không thể đứng ngoài, ký thay. Khi người ta mang đến một tấm biển nhỏ nền xanh đòi đóng lên cổng nhà và “xin” 50.000 đồng tiền phí, mẹ thất thanh phản đối.

Tôi không tự nguyện, đừng có mà đè nhà dân và đám thấp cổ bé họng ra để đóng biển đồng phục, cần tiền thì đây nộp tiền nhưng không đóng biển! Nhà mình thoát nhưng nhà hai bên không thoát.

Năm 1993 ra Hà Nội. Vẫn bị cảnh cán bộ phường đến phát bản đăng ký gia đình văn hóa. Đọc kỹ mươi tiêu chuẩn, thấy nhiều ràng buộc nhưng lại quá đại khái, ví như cam đoan phải tham gia quét dọn vệ sinh công cộng.

Nhà mình hun hút ngõ cụt, ngày thường đi làm sớm, ngày nghỉ lo vệ sinh cầu thang chung cư phần mình là đủ, vả lại còn đội quân vệ sinh môi trường của thành phố để làm chi?

Chỏi lỏi phản đối, nếu bị xếp gia đình thứ hạng cũng không sao cả nhưng các vị đừng có ép chúng tôi! Một lần nữa căn hộ tum húm của mình thoát đeo biển, thoát đóng phí 50.000 đồng nhưng các căn hộ khác thì không.

Chân cầu thang hai căn hộ hàng xóm đeo biển, đi từ đầu ngõ vào thì la liệt biển “Gia đình văn hóa” trên những bức tường rào lởm chởm mảnh thủy tinh như thể nhà tù.

Tường cao vút, các bức tường đeo biển giống hệt nhau và bên trong thì đủ thứ tệ nạn và bạo lực: vợ chồng đánh nhau, con hư con nghiện, hàng xóm mắng chửi nhau vì từng xăng-ti-met đất công, tiếng khạc nhổ, tiếng chửi thề và cả tiếng chó hung tợn.

Khi có khách Tây đến tìm nhà thì đúng là nỗi xấu hổ. Bạn nào cũng thắc mắc về tấm biển “Gia đình văn hóa”, nói xã hội chịu đựng đồng phục họ hiểu ngay nhưng nội hàm văn hóa thì càng giải thích họ càng lắc đầu, đó là cam kết lối sống chứ đâu phải là văn hóa.

Văn hóa sâu xa hơn nhiều chứ, không sâu xa thì sao dân tộc các bạn lại thoát hàng ngàn năm Bắc thuộc và trường tồn hàng ngàn năm sau?

Mười lăm năm sau về ở hẳn Sài Gòn. Ít thấy nhà đeo biển “Gia đình văn hóa” nhưng “Khu phố văn hóa” thì la liệt, tấm biển nào cũng to vật vã. Bạn bè Tây đi tìm nhà lại thắc mắc, sao nhiều khu phố trùng tên quá vậy?

Thưa, không phải trùng tên, đó là tấm biển chứng minh thành tích. Lần này các bạn phương xa ấy đã hiểu VN hơn, họ tranh luận ầm ĩ với chủ nhà và với nhau. Khu phố văn hóa là không có người nghiện ư, không có rác thải bậy ư, không có tiểu bậy ngoài đường ư, không có cướp giật ư? Vậy thì Paris hôm nay cũng không có văn hóa!

Đã gọi là phong trào thì sẽ có lúc phải kết thúc. Chừng như ai cũng thấy nó hình thức, thậm chí phản tác dụng. Để làm gì, thùng rỗng kêu to rồi, bệnh thành tích lộ liễu lắm rồi, vô nghĩa lắm rồi mà vẫn tổng kết để “tiến lên” nữa sao?

Ngõ hẻm gắn bó với cư dân bằng những tên gọi dậy lên kỷ niệm với họ, ngõ Cây Đa, ngõ Lò Rèn, hẻm Tàu Hủ, hẻm Vịt Quay... hãy trân trọng lưu giữ cùng họ. Muốn tiện quản lý thì đánh số ngõ hẻm có hơn không?

Nói mãi rồi, người nói cũng chán mà người nghe cũng chán. Như là đấm vào khoảng không, việc rành rành mà không ai thấy cần phải dừng và phải sửa cả. Trách sao người dân vô cảm!

DẠ NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp