05/12/2015 06:00 GMT+7

Gia đình văn hóa chỉ là tấm biển treo

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG

TTO - Hơn 85% gia đình VN hiện nay là gia đình văn hóa. Song Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối...

Cảnh đánh nhau tàn nhẫn xuất hiện ngoài đường và clip quay đưa lên mạng không còn là chuyện lạ - Ảnh tư liệu TT

Trong buổi họp tổng kết năm 2015 của Ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mới đây, tình trạng bệnh thành tích trong việc xét duyệt gia đình văn hóa được mang ra thảo luận.

“Chỉ là danh hiệu trên giấy tờ”

Đó là nhận định của nhiều bạn đọc về danh hiệu “gia đình văn hóa”.

Anh Công Chí (Vĩnh Long) cho biết địa phương mình có rất nhiều gia đình được công nhận gia đình văn hóa. “Cứ 5 hộ thì có 3 hộ là gia đình văn hóa. Tuy nhiên các gia đình này vẫn có nhiều trường hợp con cái quấy phá hàng xóm, ăn cắp vặt, vướng phải các tệ nạn xã hội”, anh Chí nói.

Chị Nguyễn Vũ Như Ý (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng áp lực về thành tích không chỉ đặt lên chính quyền địa phương mà còn lên cả người dân trong việc xây dựng gia đình văn hóa. “Nhiều gia đình có nếp sống và cách cư xử với mọi người xung quanh chưa hẳn là tốt và hoàn thiện vẫn được công nhận là gia đình văn hóa chỉ vì bệnh thành tích của địa phương”, chị Ý nhận xét.

Một tổ trưởng tổ dân phố ở TP.HCM cho biết tổ dân phố của mình có 100% gia đình văn hóa. Tuy nhiên vị tổ trưởng này cũng công nhận có một vài gia đình không phù hợp nhưng vẫn được xét là gia đình văn hóa bởi các tiêu chí quá chung chung.

Theo TS Lý Tùng Hiếu - giảng viên khoa văn hóa học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, đừng nên đặt áp lực thi đua lên các cán bộ phường xã, đặc biệt về các vấn đề văn hóa vì đây là việc rất khó để phán xét. “Chính áp lực thi đua là thứ dẫn đến những báo cáo láo, thành tích giả và làm vô hiệu hóa các tiêu chí gia đình văn hóa”, TS Lý Tùng Hiếu nhận xét.

Nhầm lẫn về khái niệm văn hóa

Theo anh Thành Nhân (Long An), hiện nay có sự nhầm lẫn về khái niệm văn hóa. “Ai mà không có văn hóa? Chỉ có văn hóa thấp với văn hóa cao thôi. Vậy nên danh hiệu gia đình văn hóa là mâu thuẫn”, anh Nhân nói.

GS.TS Lê Thị Quý, viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, cho rằng các tiêu chuẩn về gia đình văn hóa hiện nay quá dễ dàng, cần cụ thể hơn chứ không thể chung chung, xét sao cũng được như vậy.

Còn theo TS Lý Tùng Hiếu, các tiêu chuẩn này không phải là tiêu chuẩn của gia đình truyền thống VN. “Trên quan điểm của một người nghiên cứu về văn hóa, định nghĩa về gia đình văn hóa là gia đình có những nguyên tắc riêng, giáo dục con cái trưởng thành theo quan niệm, nghề nghiệp truyền thống của gia đình, có lề lối giáo dục gia đình”, TS Lý Tùng Hiếu nhận định.

Bàn thêm về vấn đề này, TS Lý Tùng Hiếu cho rằng tiêu chuẩn gia đình văn hóa của nước ta hiện nay đề ra chung cho mọi vùng miền, mọi văn hóa tộc người. Nhưng như vậy là không phù hợp vì mỗi vùng miền lại có một lối sống, lối quan hệ cộng đồng khác nhau. Các tiêu chí bị đánh giá còn chung chung là điều đương nhiên.

“Nên thực tế một chút, nên có nhiều loại tiêu chí khác nhau cho mỗi vùng miền. Ít nhất cũng nên phân ra giữa nông thôn và thành thị”, TS Lý Tùng Hiếu cho ý kiến.

TS Lý Tùng Hiếu cũng đề xuất nên trao lại cho cộng đồng việc quyết định một gia đình có văn hóa hay không. Theo đó mỗi địa phương sẽ tự đề ra bộ tiêu chí từ đặc điểm riêng của địa phương và thực hiện một cách tự nguyện, tự giác, vì chính lợi ích của cộng đồng mình.

“Tất cả các tiêu chí đều là áp đặt từ trên xuống. Mà khi đã áp đặt thì tất nhiên là mong có kết quả. Vậy nên mới xảy ra bệnh thành tích”, TS Lý Tùng Hiếu nói.

Việc tổ chức thực hiện gia đình văn hóa còn quá hình thức

Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi - phó viện trưởng Viện xã hội học (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), ý tưởng xây dựng gia đình văn hóa là tốt, nhưng khi thực hiện lại biến thành một phong trào mang tính hình thức. Khi thực hiện lại làm theo chỉ tiêu và các tiêu chí cứng nhắc nên mất cái hay của ý tưởng ban đầu.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi cho rằng không nên biến ý tưởng này thành phong trào người người văn hóa nhà nhà văn hóa.

Trong lĩnh vực văn hóa, không phải cái gì cũng có thể đo bằng con số. Làm sao biết được gia đình nào không có bạo lực, không có tệ nạn ở bên trong để mà định lượng?

“Nếu sử dụng danh hiệu “gia đình văn hóa” để chỉ những gia đình thật sự là tấm gương cho các gia đình khác noi theo, thì theo tôi nghĩ chỉ nên có dưới 10% trên tổng số các gia đình ở VN hiện nay. Nói cách khác, tỉ lệ thấp vậy thì các “gia đình văn hóa” mới thực sự là tấm gương. Bây giờ ai cũng văn hóa cả thì việc xét gia đình văn hóa là vô nghĩa”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi nói.

“Tôi đánh giá việc thực hiện chủ trương này là không thành công. Các tệ nạn xã hội vẫn còn đó, đạo đức xã hội vẫn không được cải thiện”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi thẳng thắn.

Tiêu chí xét duyệt gia đình văn hóa tại TP.HCM hiện nay

Theo quyết định số 2347/QĐ-UBND về ban hành các tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 của UBND TP.HCM, các tiêu chí xét duyệt gia đình văn hóa là:

1. Chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân...

2. Chuyên cần lao động, thực hành tiết kiệm tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…

3. Không sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy độc hại; không sử dụng, mua bán, tàng trữ ma túy; không cờ bạc…

4. Xây dựng gia đình hòa thuận, chăm lo phụng dưỡng người già; không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức, thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con và cho con đi học theo đúng quy định…

5. Tích cực đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn…

6. Tham gia xây dựng khu dân cư văn minh, sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh công cộng…

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Anh Công Chí (Vĩnh Long):

>> Anh Thành Nhân (Long An): 

>> GS.TS Lê Thị Quý:

>> TS Lý Tùng Hiếu:

>> Chị Nguyễn Vũ Như Ý:

>> PGS.TS Vũ Mạnh Lợi:

ĐẶNG TƯƠI - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp