Sau nhiều đợt giãn cách xã hội là cơ hội giúp chúng ta sống bình lặng, sống chậm hơn, nhìn nhận giá trị thực tế, giá trị gia đình - Ảnh minh họa
Sáng 7-11, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức diễn đàn "Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới".
Diễn đàn với sự góp mặt của đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia tâm lý, bác sĩ đã chỉ ra được những vấn đề mà các gia đình trẻ gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội; cung cấp thêm thông tin về tình hình liên quan đến gia đình, việc làm cũng như những kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình trong trạng thái bình thường mới.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - chỉ ra bức tranh đáng lo ngại từ "thảm họa" COVID-19 là thất nghiệp, giảm việc làm, mất thu nhập. Việc giảm thu nhập đối với gia đình trẻ thực sự đáng lo ngại vì họ chưa có khoản tích lũy, đồng thời họ phải đối mặt với vấn đề lớn hơn về mặt tâm lý, tinh thần.
"Rõ ràng việc đối mặt với cú sốc tâm lý, tinh thần là rất nghiêm trọng vì khi phải ở nhà với nhau 24/24h, không thể tránh khỏi va đập. Nhưng trong đại dịch, tôi lại nhìn thấy cơ hội để vợ chồng thấu hiểu nhau hơn, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau vượt khó khăn" - bà Hồng nói.
Tại diễn đàn, một bạn trẻ gửi đến câu hỏi "gia đình trẻ có con nhỏ, sống xa nhau do giãn cách, mất việc, làm sao để giữ lửa hạnh phúc gia đình?".
Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn cho biết điều đầu tiên cần thay đổi chính là nhận thức, tư duy của mỗi người. Sau nhiều đợt giãn cách xã hội là cơ hội giúp chúng ta sống bình lặng, sống chậm hơn, nhìn nhận giá trị thực tế, giá trị gia đình.
"Ngày trước chồng nói vợ không có việc làm, suốt ngày chỉ ở nhà làm việc là nhàn hạ. Nhưng nay ở nhà nhìn thấy vợ tất bật từ sáng đến tối, chăm con mệt nhọc lại nhận ra được sự vất vả của vợ" - chuyên gia chia sẻ.
Đồng thời, trong đại dịch COVID-19, việc mỗi ngày phải nhìn thấy nhau với "hình ảnh không đẹp" cũng dễ nảy sinh sự khó chịu cho đối phương. Do đó, chuyên gia đưa ra lời khuyên vợ chồng trẻ cần tạo cho nhau không gian riêng, đừng giám sát nhau quá nhiều, thay vào đó "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
Tiến sĩ Hồng nhấn mạnh đến sự sẵn sàng của mỗi gia đình trẻ trong đại dịch là rất quan trọng. Bà đưa ra các phương án như trước kia gia đình bán hàng ăn ngoài phố, ngoài chợ, nay có thể bán hàng online để tạo thu nhập thường xuyên. Hoặc không có điều kiện kinh doanh, làm việc thì phải học, sử dụng Internet để học ngoại ngữ, kỹ năng, trau dồi kiến thức. Với bạn trẻ ở nông thôn, đừng khoanh tay chờ đợi, hãy tạo ra công việc như chăn nuôi, trồng trọt để ít nhất không bị trì trệ.
"Làm việc sẽ giúp cho chúng ta năng động, đầu óc luôn luôn phải suy nghĩ. Khi làm việc, chúng ta sẽ kết nối, tìm ra được cơ hội vượt qua COVID-19" - bà cho biết.
Ông Khuất Văn Quý - phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch - cho biết theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội đã tăng 50%.
Số lượng người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ.
Ông đề xuất một số giải pháp như tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình nhằm hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp và kiểm soát tốt nhất hành vi dẫn đến bạo lực gia đình; triển khai nhiều hơn các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, hướng dẫn rèn luyện thể dục, thể thao tại nhà nhằm hỗ trợ các gia đình giải tỏa áp lực căng thẳng do thực hiện giãn cách xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận