Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Thiếu điện không thể chỉ hô khẩu hiệu
Đánh giá hồ sơ đoàn giám sát “rất đầy đặn”, song Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng hồ sơ này phù hợp hơn để phục vụ “nghiên cứu khoa học”. Do vậy, để giám sát và ban hành nghị quyết, cần phải bổ sung nhiều vấn đề, bám sát các nghị quyết về năng lượng trước đây.
Trước hết về những vấn đề liên quan tới thủy điện, vấn đề hồ đập gây ra chấn động, sụt lún, có biểu hiện động đất ở một vài nơi. Ông Phương đặt vấn đề báo cáo giám sát báo cáo về vấn đề này thế nào, khắc phục ra sao, giải pháp trọng tâm là gì, chứ không thể “nói chung chung phát triển đồng bộ”.
Thêm nữa, việc xử lý dứt điểm 13 chuỗi dự án trọng điểm về điện, than, dầu khí chậm tiến độ được nêu ra từ nghị quyết 74, ông Phương đặt câu hỏi là kết quả đã làm được gì, giải quyết ra sao?
Đặc biệt, những ách tắc vướng mắc trong điều hành giá điện, giá than, giá khí, xăng dầu, nguyên nhân, trách nhiệm thế nào? Ông Phương chỉ ra thực tế thực hiện Quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh khi để xảy ra tình trạng thừa điện nhưng không hòa được lưới điện quốc gia. Một số doanh nghiệp bất bình, không tin vào chính sách năng lượng.
“Quy hoạch thì vượt công suất truyền tải, có điện rồi không hòa lưới điện, để doanh nghiệp, người dân nói rất nhiều. Có vấn đề gì trong đó không, có lợi ích nhóm không? Đoàn giám sát phải phát hiện, nếu có thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng. Cần phải làm nghiêm túc, chứ nói chung chung thì chả bao giờ khắc phục được” - phó chủ tịch đặt vấn đề.
Về giải pháp, ông Phương cũng đề nghị cần phải có kịch bản đảm bảo an ninh năng lượng. Đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện năm 2024 rất lớn, nhưng giải pháp không rõ.
“Hô khẩu hiệu là kiên quyết không để thiếu năng lượng trong bất kỳ tình huống nào, nhưng không có giải pháp nào. Nói năm 2024 thiếu điện thì sẽ thế nào, giải pháp căn cơ là gì?” - phó chủ tịch đặt câu hỏi.
Làm rõ việc bù giá cho ngành tiêu tốn năng lượng, giá điện thấp
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2024 - 2025 đã có nhiều nhà chuyên môn đưa ra, là cảnh báo cần được quan tâm. Trong khi đó, điều kiện tiên quyết là việc hình thành thị trường điện lại chậm triển khai. Chính sách giá than, giá điện, giá khí chưa theo kịp thị trường.
"Giá điện của ta thấp có mặt tốt, nhưng có mặt không tốt khi một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách giá điện trong luyện nhôm, luyện thép và trợ giá cho doanh nghiệp, nhất là FDI. Cần hết sức lưu tâm, xem xét, chứ tình trạng bù giá, trợ giá thì nợ xấu và phá sản của EVN là hiện hữu và doanh nghiệp FDI được hưởng lợi" - tổng thư ký nêu quan điểm.
Với vai trò là cơ quan giám sát, ông Lê Quang Huy - chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng cơ chế giá điện còn hạn chế, chưa thực hiện được chủ trương về giá điện hai thành phần và còn bù chéo.
"Giá điện, tần suất điều chỉnh, thông số đầu vào đã được điều chỉnh kịp thời chưa? Vì sẽ không thu hút được đầu tư, không khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" - ông Huy nêu vấn đề để điều chỉnh giá điện, cần phải tính đến thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận