Nhiều chuyên gia ủng hộ việc điều chỉnh giá điện bán lẻ theo tín hiệu thị trường nhưng phải đảm bảo giá có tăng có giảm, đặc biệt là ngành điện phải minh bạch các thông tin, đảm bảo các cơ quan chức năng cũng như người dân có thể giám sát.
Biên độ điều chỉnh rút ngắn hơn?
Trong dự thảo sửa đổi quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lần này, nhiều nội dung được đề xuất có nhiều thay đổi so với dự thảo trước và quy định hiện hành, đặc biệt là biên độ điều chỉnh tăng/giảm được quy định rõ ràng hơn, thời gian điều chỉnh giá điện cũng được rút ngắn.
Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm.
Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Khác với quy định hiện hành, thời gian điều chỉnh giá điện thực hiện trong 6 tháng/lần, dự thảo quy định thời gian điều chỉnh tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Để kiểm tra, giám sát các chi phí, EVN có trách nhiệm gửi Bộ Công Thương báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán do đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện.
Cũng theo dự thảo, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ thực hiện kiểm tra việc điều chỉnh tăng/giảm giá điện. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.
Giá điện cần theo thị trường?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Long - Hội Điện lực Việt Nam - cho rằng việc quy định cụ thể biên độ tăng/giảm giá bán lẻ điện và thẩm quyền điều chỉnh sẽ làm căn cứ để giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá đầu vào của ngành điện. Thời gian điều chỉnh là 3 tháng thay vì 6 tháng như trước là phù hợp với sự biến động liên tục của thị trường điện cạnh tranh đang được vận hành.
Thực tế vừa qua cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng liên tục, đặc biệt là giá than, giá khí, xăng dầu... Nếu không kịp thời cập nhật các chi phí, sẽ không đảm bảo được chi phí sản xuất, giá thành đầu vào cho ngành điện.
"Cần thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm", ông Long nói.
Theo ông Bùi Xuân Hồi - hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện lực Hà Nội, dù quyết định 24/2017 của Thủ tướng ban hành từ năm 2017 nhưng việc thực thi lại không theo các quy định. Dẫn chứng là đợt điều chỉnh gần nhất là tháng 5-2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% so với mức giá năm 2019. Như vậy, trong 4 năm trước đó, giá bán điện bình quân không được điều chỉnh, không được điều tiết theo tín hiệu thị trường.
Một chuyên gia ngành điện cũng cho rằng kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ năm 2013 đến nay, tần suất điều chỉnh giá bán lẻ điện ít hơn và không còn theo tín hiệu thị trường.
Điển hình năm 2022, mặc dù nguồn điện phải chịu các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhưng giá điện bán lẻ không được điều chỉnh tăng mà phải chờ đến tháng 5-2023 mới điều chỉnh tăng 3%.
"Việc sửa đổi quyết định 24 cần phải đảm bảo điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh một cách sát thực nhất với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường phát điện cạnh tranh tức là các tín hiệu của thị trường, đồng thời hạn chế các rủi ro trong việc ra các quyết định điều chỉnh giá của EVN và các cấp có thẩm quyền khác" - vị này nói.
Ngành điện phải minh bạch thông tin
Theo TS Phạm Quang Anh - chuyên gia năng lượng độc lập, cần cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện linh hoạt để ngành điện chủ động bù đắp chi phí, tiếp tục hoạt động với tài chính lành mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Anh, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch kịp thời bằng nhiều hình thức như báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện... để các bên liên quan, người dân tiếp cận dễ dàng và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận