Giá xăng, dầu trong nước đã giảm liên tục theo giá dầu thô thế giới. Trong ảnh: các nhân viên bán dầu hỏa tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Dầu West Texas Intermediate (WTI) giảm xuống 15,57 USD/thùng, giảm 14,83% so với phiên giao dịch trước đó và giảm đến 76,13% vào cùng kỳ năm ngoái.
Có thời điểm, giá dầu đã giảm xuống dưới 15 USD/thùng, xuống còn 14,47 USD/thùng.
Đây là mức giảm kỷ lục đánh dấu một chuỗi ngày giá dầu rớt thê thảm kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt là thời điểm dịch tràn sang các nước châu Âu khiến cả nền sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm đều đình đốn.
Mức giảm này được ghi nhận là thấp nhất trong hơn hai thập niên năm qua, kể từ lần giá dầu chạm đáy vào cuối năm 1999.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm nhẹ, dao động ở mức 27.90 USD/thùng, giảm chưa đến 1% so với phiên trước đó.
Thị trường dầu mỏ thế giới hiện đang chịu áp lực về mất cân đối cung - cầu khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Ngay cả khi khối OPEC và các nước đồng minh đã đồng ý cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay với thỏa thuận lịch sử là giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5, song giá dầu vẫn tiếp tục trượt giá.
Theo Hãng tin Bloomberg, giá dầu thô Mỹ (WTI) giảm do các kho chứa hiện đầy quá nhanh và hợp đồng dầu thô Mỹ giao tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 21-4.
Tại Việt Nam, những tác động của giá dầu thế giới đã kéo giá xăng liên tiếp giảm mạnh chưa từng có, giá xăng RON95 hiện chỉ còn gần 12.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 tối đa bán trên thị trường là 11.343 đồng/lít và xăng RON95-III bán trên thị trường không cao hơn 11.939 đồng/lít kể từ ngày 13-4.
Theo các nhà nhập khẩu xăng dầu, nếu dầu thô thế giới vẫn duy trì mức giám kỷ lục như hiện nay, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ chạm đáy vào phiên điều hành giá của Liên bộ Tài chính - Công thương vào cuối tháng 4 này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận