Giá dầu thế giới đang phụ thuộc vào tình hình ở Trung Đông. Trong ảnh: một trạm xăng ở Dubai ngày 16-9 - Ảnh: Reuters
Hai nhà máy lọc dầu Aramco bị tấn công đóng góp khoảng 5% tổng nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Hôm 16-9, giá dầu Brent đã tăng khoảng 20% vì vụ tấn công.
Theo Reuters, tính tới 16h30 ngày 17-9, giá dầu thô Brent chỉ mới giảm nhỏ giọt hơn 0,5%, xuống còn 68,66 USD/thùng; trong khi giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giảm nhẹ 0,9%, còn 62,33 USD/thùng.
Washington và Riyadh có càng nhiều phát ngôn ám chỉ Iran đứng sau vụ tấn công thì càng thêm áp lực buộc Washington phải dùng hành động chứng minh cho lời nói.
Bà Helima Croft (người đứng đầu phòng chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Markets) nhận định.
Thị trường biến động
Hãng tin của Anh cũng nhận định diễn biến tại thị trường châu Á hiện rất đa dạng. Đây là khu vực nhập khẩu dầu thô của Saudi Arabia nhiều nhất. Một số công ty lọc dầu tại châu Á dự tính sẽ nhận được lượng dầu đặt hàng trong tháng 10, trong khi số khác nhận thông tin trì hoãn hoặc đề nghị thay đổi loại dầu.
Các nhà đầu tư cho rằng giá dầu thế giới tăng hay giảm và diễn biến như thế nào sẽ phụ thuộc vào khả năng hồi phục của cơ sở lọc dầu Abqaiq của Aramco, cũng như cách Washington và Riyadh phản ứng.
"Trong khi tác động cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tổng hòa của mức thiệt hại, phản ứng từ Mỹ và Saudi, cũng như các cuộc tấn công sắp tới, sự thiếu hụt nguồn cung hiện nay sẽ càng khiến thị trường dầu "thắt lưng buộc bụng" thêm.
Đây là điều vốn đang diễn ra và có thể tăng thêm áp lực bảo hiểm nguy cơ địa chính trị trong giá dầu" - ông Greg Sharenow, nhà quản lý danh mục đầu tư của Pimco, cảnh báo.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã tuyên bố cuộc điều tra về vụ tấn công cho thấy sự xuất hiện của vũ khí của Iran. Các nguồn tin của NBC News cũng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở cuộc họp an ninh quốc gia tại Nhà Trắng hôm 16-9 về vấn đề Iran.
Sau cuộc họp, ông Trump tuyên bố trước báo giới rằng ông sẽ không vội phản ứng nhưng cảnh báo "tuy đây là một cuộc tấn công lớn nhưng có thể đáp trả bởi một cuộc tấn công lớn hơn".
Không chỉ Washington, cả thái tử Saudi Mohammed bin Salman cũng gặp áp lực phải hành động. Vị thái tử này hiện đang chịu trách nhiệm đối với quân đội của Saudi và cuộc chiến tại Yemen. Ông là người chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế của Saudi để giảm lệ thuộc vào dầu mỏ.
Nỗ lực lớn nhất cho tham vọng này chính là việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của Aramco. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng kế hoạch IPO đó sẽ phải hoãn lại vì vụ tấn công.
Bảo đảm nguồn cung
Trước tình hình giá dầu biến động và lo ngại về căng thẳng Trung Đông tăng cao, Mỹ đang tiếp tục chờ đợi để xem có nên mở nguồn cung từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) để ổn định thị trường hay không - Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho biết ngày 17-9.
Trước đó, Washington từng tuyên bố sẽ sử dụng SPR nếu cần thiết nhưng vẫn chưa có động thái chính thức.
"Về thị trường năng lượng, tổng thống đã trực tiếp chỉ đạo tôi lấy dầu từ SPR nếu cần phải giải quyết bất cứ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nào" - ông Perry trả lời phóng viên trong chuyến công tác tới Vienna (Áo).
Tuy nhiên, vị bộ trưởng này cũng nhận định rằng nếu nhìn vào nguồn cung hiện tại, ông "hoàn toàn chắc chắn là các thị trường vẫn sẽ đáp ứng đủ nguồn cung dầu".
Aramco ngày 17-9 thông báo hoãn đợt chuyển dầu thô nhẹ tháng 10 cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc PetroChina, hoãn 10 ngày so với kế hoạch. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters tiết lộ Aramco sẽ vẫn cung cấp đủ lượng dầu đã được đặt hàng.
Cũng theo hãng tin này, PetroChina đã thông báo về việc đơn hàng dầu thô nhẹ trong tháng 9 cũng được thay đổi bằng dầu nặng với cùng khối lượng hàng.
"Các chuyến hàng trong tháng 9 đã quá cận để có thể thay đổi, trong khi Aramco vẫn phải giải quyết các thiệt hại tại những cơ sở của họ", nguồn tin được cho là một quan chức cấp cao của PetroChina nói.
Theo 2 nguồn tin khác của Reuters đến từ Aramco, Saudi sẽ phải mất nhiều tháng để khôi phục hoạt động sản xuất dầu của mình như cũ. Các dự đoán được đưa ra trước đó cũng cho rằng thời gian phải tính bằng tuần.
Cú sốc dầu mỏ có thể đẩy lạm phát tăng
Nhà hoạch định chính sách Francois Villeroy de Galhau của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 17-9 cảnh báo tăng trưởng kinh tế sẽ gặp phải tổn thất lớn và lạm phát cũng có thể tăng cao trong trường hợp giá dầu thật sự tăng về lâu dài chứ không đơn thuần là biến động ở hiện tại.
Phát biểu tại một hội thảo ở London (Anh), ông de Galhau cảnh báo giá dầu hiện trở thành một vấn đề mới đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa ngã ngũ. "Nếu kéo dài, cú sốc dầu mỏ mới nhất này có thể khiến lạm phát tăng cao và ảnh hưởng đến tăng trưởng" - ông de Galhau cho biết.
Ngoài ra, nhật báo Gulf News (UAE) cảnh báo giá cả trên toàn cầu sẽ tăng mạnh từ xăng, dầu diesel cho tới chi phí sưởi và các chi phí liên quan đến năng lượng khác. Ngoài ra, chi phí đi lại, vận chuyển tăng cũng sẽ kéo theo giá hàng hóa, trong đó có lương thực thực phẩm, tăng theo trong vòng những tháng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận