29/11/2014 13:31 GMT+7

Giá dầu hết thời nhảy múa

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Giá dầu thô thế giới đang lao dốc không phanh sau khi Hiệp hội Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác trong cuộc họp ở Vienna (Áo) ngày 28-11.

Giá xăng ở Mỹ tính theo tiền Việt Nam chỉ chưa tới 16.000 đồng/lít - Ảnh: Reuters

Theo AFP, trong phiên giao dịch hôm qua giá dầu thô giao tháng 1-2015 trên thị trường Mỹ sụt gần 5 USD xuống 68,63 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2010. Giá dầu Brent biển Bắc trên thị trường Anh cũng giảm hơn 5 USD xuống còn 71,92 USD/thùng, thấp nhất từ tháng 7-2010.

Nguyên nhân do trước đó OPEC tuyên bố không cắt giảm sản lượng khai thác.

“Đúng là giá dầu giảm nhưng không có nghĩa chúng tôi phải vội vã hành động. Chúng tôi quyết định sẽ duy trì sản lượng 30 triệu thùng/ngày trong vòng sáu tháng tới và theo dõi phản ứng của thị trường” - tổng thư ký OPEC Abdalla El-Badri tuyên bố.

Bộ trưởng Dầu khí Kuwait Ali Omar cho rằng OPEC “không chấp nhận chịu gánh nặng giảm sản lượng khi các nước khác tăng”.

Cuộc chiến vì thị phần

Các quan chức OPEC nhấn mạnh sẽ để thị trường định đoạt giá dầu. Kể từ tháng 6 đến nay, giá dầu thô đã giảm 35% do sản lượng khai thác dầu đá phiến ở Bắc Mỹ tăng vọt, vượt nhu cầu của nền kinh tế thế giới.

“Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của giá dầu, nơi mà thị trường sẽ điều tiết nguồn cung chứ không phải Saudi Arabia hay OPEC” - Bloomberg dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu giá dầu thuộc Ngân hàng Societe Generale SA.

Giới phân tích cho rằng OPEC quyết bảo vệ thị phần trước các nhà sản xuất dầu đá phiến từ Bắc Mỹ. Việc OPEC từ bỏ quyền định đoạt giá dầu là một thách thức lớn đối với đối thủ cạnh tranh này. Sản lượng dầu đá phiến tại Bắc Mỹ hiện khoảng 9 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 1983.

Dự báo con số này sẽ đạt 9,4 triệu thùng vào năm 2015. Nhưng việc giá dầu giảm mạnh có thể khiến các doanh nghiệp không còn hứng thú đầu tư vào dầu đá phiến.

“Vấn đề bây giờ là ai sẽ chớp mắt trước” - chuyên gia Carsten Fritsch thuộc Ngân hàng Commerzbank AG (Đức) đánh giá. Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh với nguồn tài chính dồi dào có thể chịu đựng mức giá thấp thêm một thời gian nữa.

Tuy nhiên OPEC cũng chịu sức ép lớn khi một số nước thành viên lo ngại giá dầu thấp có thể ảnh hưởng đến ngân sách. Thu nhập từ dầu thô Venezuela giảm tới 35%, trong khi Nigeria chuẩn bị cắt giảm chi tiêu công.

Nga mới đây cũng thừa nhận thiệt hại khoảng 100 tỉ USD/năm do giá dầu sụt giảm. Phó chủ tịch Leonid Fedun của Tập đoàn OAO Lukoil, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga, dự báo chiến lược “chịu đựng” của OPEC sẽ phá hủy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

“Năm 2016, khi OPEC hoàn thành mục tiêu dọn dẹp thị trường Mỹ, giá dầu sẽ bắt đầu tăng trở lại” - ông Fedun khẳng định.

Có thể xuống dưới 60 USD/thùng

Trong thời gian trước mắt, giá dầu có thể tiếp tục giảm mạnh. Chuyên gia Tariq Zahir thuộc Hãng Tyche Capital Advisors (Mỹ) dự báo giá dầu Mỹ có thể hạ xuống dưới 65 USD/thùng trong vài tuần tới.

“Giá dầu có thể giảm còn 60 USD/thùng hoặc thấp hơn trong nửa đầu năm sau” - ông Igor Sechin, giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Rosneft lớn nhất nước Nga, bi quan.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng xác nhận chính quyền Matxcơva sẽ giảm dự báo giá dầu của năm 2015. Báo cáo của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs đánh giá nửa đầu năm 2015, nguồn cung dầu thế giới sẽ tiếp tục vượt cầu và giá dầu khó tăng trở lại quá mức 75 USD/thùng.

Giá dầu giảm đang đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu khi chi phí sản xuất, vận chuyển giảm đi.

“Lợi ích đối với kinh tế rất đáng kể. Nó sẽ gia tăng trong một hai tuần khi bạn ra trạm bơm xăng” - nhà kinh tế Joseph Carson nhận định. Giá xăng tại Mỹ hôm 27-11 đã tuột xuống chỉ còn 2,8 USD/gallon (khoảng 15.873 đồng/lít), mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua. Châu Á cũng là một trong những khu vực hưởng lợi từ giá dầu giảm.

Tại Nhật, nước chủ yếu dựa vào nhập khẩu xăng dầu, giá xăng ngày 28-11 khoảng 1,25 USD/lít (tương đương 26.700 đồng), thấp hơn so với mức 1,4 USD/lít hồi giữa năm. Tại một số nước Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia, giá xăng dao động tính theo tiền Việt Nam trong khoảng 15.000 đồng/lít.

Giá xăng trong nước sẽ giảm

Giá xăng A92 các doanh nghiệp đầu mối VN nhập từ Singapore chốt ngày 27-11 là 84,53 USD/thùng, tương đương 11.295 đồng/lít. Cùng thời điểm này tại VN, giá cơ sở đang ở mức 20.068 đồng/lít, trong khi giá bán lẻ sau lần hạ gần nhất ngày 22-11 là 20.850 đồng/lít. Như vậy, doanh nghiệp đang lãi 782 đồng/lít từ chênh lệch giá bán so với giá cơ sở. Cộng thêm lãi định mức 300 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối lãi khoảng 1.082 đồng/lít.

Theo ông Phạm Mạnh Cường - phó chánh văn phòng Tổng công ty Dầu VN (PV Oil), với việc giá xăng dầu thế giới giảm, khả năng xăng dầu trong nước cũng sẽ sớm giảm tiếp theo xu thế chung.

HỒNG QUÝ

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp