Tuyến đường nối Nguyễn Xiển (Q.Thanh Xuân) với Xa La (Q.Hà Đông) là một trong nhiều dự án theo hình thức BT - Ảnh: NAM TRẦN
Đồng thời chỉ áp dụng giao đất có thu hoặc cho thuê đất trả tiền một lần mà không áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hằng năm.
Giá đất xác định tại thời điểm thanh toán
"Việc dùng quỹ đất để thanh toán theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc giao đất trả tiền một lần thì Nhà nước mới thu được một khoản tiền, cân đối với giá trị (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh).
Trường hợp thanh toán theo cách trả tiền hằng năm thì mỗi năm nhận được con số rất nhỏ" - ông Thịnh nói thêm.
Thời điểm xác định giá đất là khi nào, khi đất đồng không mông quạnh hay khi đã thành dự án? Trả lời báo giới, ông Thịnh cho hay là thời điểm thanh toán.
Cụ thể, theo Luật đất đai, thời điểm thanh toán là tại thời điểm Nhà nước ra quyết định giao đất và cho thuê đất.
Theo quy định hiện nay, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính thu tiền sử dụng đất, thuê đất là theo mục đích sử dụng mới. Có thể trước đó đất để thanh toán là đất nông nghiệp nhưng quy hoạch là khu đô thị thì chúng ta xác định giá đất theo đất khu đô thị chứ không phải giá đất nông nghiệp.
Bốn tuyến đường ở khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM là dự án theo hình thức BT - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chống thất thu cho ngân sách và sử dụng hiệu quả đất đai
Thời gian qua, việc triển khai dự án BT đều là chỉ định thầu nhà đầu tư thực hiện và giá đất công để thanh toán cho nhà đầu tư hầu như không qua đấu giá, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách. Sắp tới việc bịt lỗ hổng này như thế nào?
Về câu hỏi này, ông Thịnh cho hay chính sách lâu nay là Nhà nước dùng đất, nhà đất, công trình kết cấu hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT nhằm thực hiện dự án khác.
Để ngăn chặn thất thoát, trong kết luận mới đây, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát, đánh giá việc thực hiện dự án BT trong thời gian qua, trên cơ sở đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan, đặc biệt là khâu lựa chọn nhà đầu tư, khâu giao đất, cho thuê đất.
Chính phủ cũng nhấn mạnh cần phân định rõ trường hợp thực hiện dự án BT thông qua đấu thầu hoặc đấu giá đảm bảo chống thất thu cho ngân sách nhà nước và sử dụng hiệu quả đất đai của Nhà nước.
Dự án The Manor Central Park của Tập đoàn Bitexco đang được triển khai nằm trên diện tích đất được UBND TP Hà Nội đối ứng cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An - Ảnh: NAM TRẦN
Thuê đơn vị thẩm định giá để định giá đất thanh toán
Về thanh toán cho chủ đầu tư dự án BT, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn việc thanh toán tài sản cho nhà đầu tư thì phải xác định theo giá thị trường.
Theo quy định hiện nay, việc xác định giá đất theo nhiều phương pháp khác nhau như so sánh, thặng dư, thu nhập...
Căn cứ vào từng loại đất và phương pháp xác định, các sở tài nguyên và môi trường sẽ thuê đơn vị thẩm định giá để định giá đất thanh toán. Sau đó, trên cơ sở này, lãnh đạo UBND cấp tỉnh sẽ quyết định giá tính toán cho nhà đầu tư.
Theo ông Thịnh, từ đầu năm đến nay chưa có dự án BT nào được Nhà nước thanh toán bởi đang chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn dù luật đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Để xử lý khoảng trống pháp lý này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Hướng xử lý là đối với các dự án BT được ký kết trước năm nay mà được thanh toán bằng đất, nhà để thực hiện dự án khác thì được thanh toán theo hợp đồng ký kết và theo nguyên tắc ngang giá.
Chấm dứt tình trạng chỉ định nhà đầu tư BT
Để ngăn chặn thất thoát đất công khi thực hiện dự án BT, chỉ có cách là địa phương bán đất lấy tiền để trả cho doanh nghiệp làm dự án hạ tầng. Và muốn bán quỹ đất đó đúng giá trị của nó thì phải đấu giá.
Ai trả cao sẽ được quyền sử dụng tài sản đất đó. Khi có tiền cũng đấu thầu chọn nhà đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nhằm đảm bảo dự án đúng tiến độ, chất lượng.
Cần chấm dứt tình trạng chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án BT như lâu nay và để nhà đầu tư chọn quỹ đất để thanh toán.
Tiến sĩ kinh tế VŨ ĐÌNH ÁNH
Quy định rõ các điều khoản của hợp đồng
Hợp đồng BT ký giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải có những điều khoản cụ thể do hợp đồng này là thỏa thuận cao nhất mà cơ quan nhà nước và chủ đầu tư phải tuân thủ trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Dù vậy, gần như từ trước đến nay Nhà nước phó mặc cho hai bên soạn thảo chứ không có một quy định pháp luật chặt chẽ về các điều khoản của hợp đồng.
Chính phủ cần có một nghị định hướng dẫn cụ thể về nội dung của hợp đồng BT trong hai trường hợp: giao công trình qua đấu thầu hay giao công trình chỉ định (nếu đấu thầu không thành công).
Như vậy mới có thể cắt bỏ được cái mà người dân vẫn hay cho là lợi ích nhóm.
TS ĐẶNG HÙNG VÕ
(nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT)
Cần có quỹ riêng để xây dựng hạ tầng
Việc bán đấu giá đất lấy tiền để đầu tư cho các dự án hạ tầng, và các dự án hạ tầng được giao qua đấu thầu là minh bạch, rạch ròi nhất để tránh tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong việc đầu tư công.
Theo tôi, cần có quỹ riêng để đầu tư cho các dự án về hạ tầng bởi hạ tầng luôn có quy hoạch và có tầm nhìn chung, đầu tư cho hạ tầng là một chiến lược dài hạn chứ không phải từng năm.
Chuyên gia chính sách công NGUYỄN QUANG ĐỒNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận