TAND TP.HCM một ngày giữa tháng 6, người đàn ông mái tóc hoa râm lê những bước chân khó nhọc rời phòng xử.
Ông ngồi phịch xuống ghế đá sân tòa than thở: "Tòa tuyên tui phải bồi thường cho bả hơn 2 tỉ đồng. Tui nghe như sét đánh ngang tai. Tiền đâu mà đền, chắc tui chết...".
Anh em ly tán
Cách đây 25 năm, người đàn ông ấy đã được UBND huyện Hóc Môn cấp cho 1.000m2 đất (nay thuộc phường Tân Chánh Hiệp, quận 12).
Sau khi được cấp đất, vợ chồng ông cất nhà ngói, vách ván, nền gạch để ở. Thấy anh trai, chị dâu mình không có nhà cửa, ông liền bán cho anh trai mảnh đất gần 300m2 kèm căn nhà gỗ trên đất với giá 2 lượng vàng 24K. Anh em tin tưởng nhau nên việc mua bán chẳng lập giấy tờ gì. Mua đất xong, vợ chồng người anh đã dỡ bỏ căn nhà vách ván để xây thành căn nhà tường gạch, mái tôn rộng 90m2.
Anh em họ đã có những ngày sống êm đềm bên nhau, dùng chung cái đồng hồ điện cũng chẳng tính toán gì. Đến năm 2003, người anh trai qua đời do bệnh. Người em vẫn lập giấy tờ với nội dung chuyển nhượng cho chị dâu phần đất đã bán cho anh chị trước đó. Người chị dâu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời gian trôi qua, giá đất lên cao. Chị dâu vì kinh tế khó khăn nên bán căn nhà cho người khác với giá gần 1 tỉ đồng để đổi lấy căn nhà nhỏ hơn. Khi đó, vợ chồng người em bỗng thay đổi ý kiến, cho rằng họ chỉ cho vợ chồng anh trai ở nhờ chứ không bán đất, rồi khởi kiện ra tòa.
"Vợ chồng anh trai sống chung với mẹ nhưng không thuận thảo nên tui cho anh chị ở nhờ căn nhà nói trên. Vì vừa muốn ảnh có nhà ở, vừa không muốn vợ thắc mắc về tiền bạc nên tui nói dối vợ là bán căn nhà gỗ cho ảnh với giá 1 lượng vàng. Thực tế tui đâu có nhận vàng của ảnh..." - người em trai trình bày trước tòa.
Ông lý giải việc lập các giấy chuyển nhượng đất cho anh là "tạo điều kiện cho vợ chồng ảnh xin số nhà và tách hộ khẩu, chứ không phải bán đất". Ông cũng đề nghị tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng đất giữa mình và anh trai vô hiệu, đồng thời đề nghị UBND quận 12 thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đứng tên vợ chồng người anh.
Dựa trên lời trình bày của ông, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng không có căn cứ gì chứng minh việc hai anh em có giao dịch mua bán đất. Cả hai cấp tòa đều tuyên người chị dâu sử dụng đất trái thực tế, trái với quy định pháp luật nên phải trả lại đất cho em chồng. Người em có trách nhiệm phải trả lại cho chị dâu tiền xây dựng, sửa chữa căn nhà hơn 100 triệu đồng.
Bản án có hiệu lực thi hành. Từ chỗ có nhà ở, người chị dâu và con gái bị cưỡng chế, phải đi thuê nhà. Người em lấy lại được nhà đất liền bán đi một nửa, còn một nửa nhập vào khối tài sản chung rồi tặng cho hết 3 đứa con.
Vụ việc không dừng lại ở đó khi người chị dâu đi cầu cứu khắp nơi. Vợ chồng người em cũng không thể ngờ khi họ đã đòi lại được tài sản xong xuôi thì bản án bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy.
Hàng loạt sai sót của các cấp tòa được cấp giám đốc thẩm chỉ ra: người em đã hai lần lập "giấy xác nhận" và "giấy chuyển nhượng" nhà cho anh trai chị dâu; vợ chồng anh đã dỡ nhà cũ, xây nhà mới ngay bên cạnh, được cấp sổ đỏ nhưng vợ chồng em không có ý kiến gì; việc mua bán nhà đất đã hoàn thành nhưng hai cấp tòa lại tuyên buộc người chị dâu phải trả lại nhà cho em chồng là sai trái...
Bản án bị tuyên hủy để xét xử lại. Năm 2014, khi TAND quận 12 thụ lý lại án, do đã đòi được tài sản nên vợ người em rút đơn khởi kiện. Người chị dâu buộc phải đứng đơn khởi kiện trở lại đối với em chồng để đòi nhà. Lần này, cấp sơ thẩm tuyên hợp đồng mua nhà giữa anh em họ là hợp pháp.
Thế nhưng, hậu quả sai sót do các phiên tòa trước để lại là người em đã lấy lại nhà của người anh, đã sang nhượng và tặng cho 3 người con. Vì vậy, tòa tuyên buộc 3 đứa con của người em có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn số tiền giá trị nhà là hơn 2,3 tỉ đồng. Cả người em và 3 đứa con của ông đều kháng cáo...
Thắng kiện mà "thua trắng"
Khi xét xử sơ thẩm lại, TAND quận 12 nhận định sau khi lấy lại nhà của anh chị, người em đã bán một phần và tặng cho 3 đứa con một phần. Vì vậy, 3 đứa con của ông phải có nghĩa vụ phải thanh toán cho người chị dâu số tiền 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên buộc chính người em phải trả tiền cho chị dâu chứ không thể bắt các con thay ông phải trả.
"Tui nghe tòa tuyên án mà buồn thúi ruột! Tòa tuyên cho ổng phải trả tiền là chúng tôi thua trắng. Thắng kiện mà khác nào thua kiện, vì ổng đâu còn tài sản gì" - vị nữ luật sư của người chị dâu nói. Sau phiên tòa, người chị dâu đã làm đơn ra thi hành án để đòi tiền em chồng. Cơ quan thi hành án đã tiếp nhận đơn của bà nhưng chẳng biết đến bao giờ bà mới đòi được tiền để mua nhà như mong ước.
13 năm, được gì?
Tính đến tháng 6-2019, khi TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần 3, vụ kiện giữa gia đình họ đã kéo dài đến năm thứ 13. Vợ chồng người em từ nguyên đơn trở thành bị đơn, phiên tòa trước thắng kiện đến phiên tòa sau đã thành người thua kiện.
Tình nghĩa chị dâu, em chồng đều không còn, chú cháu cũng chẳng nhìn mặt nhau. Nén tiếng thở dài bên hành lang phòng xử, người em bảo: "Nói cho ngay, nếu như ảnh (anh trai) không chết thì có lẽ không đến cớ sự này. Khi ảnh chết, đàn heo ảnh nuôi dở bị bỏ bê. Tui còn phụ nuôi đàn heo cho đến khi chúng xuất chuồng. Chỉ tại chị dâu sống bạc bẽo quá nên tui mới phải kiện đòi lại nhà"...
Mâu thuẫn nảy sinh vì người anh mới mất được một năm nhưng vợ ông lại rao bán nhà. Lý do vì khi ông mất có để lại đứa con trai của người vợ trước. Mẹ kế - con chồng sống chung không được. Bà nói con riêng "quậy" quá, bà không được yên ổn nên phải bán nhà, chia cho con chồng ít tiền rồi đổi căn nhà khác nhỏ hơn để ở.
Trong khi đó, người em lại bảo "chị dâu tham lam, bán nhà để hưởng tài sản một mình". Vì suy nghĩ ấy mà vợ chồng ông đã đeo đuổi vụ kiện đòi lại nhà của anh trai - chị dâu suốt 13 năm qua. 13 năm, bây giờ ông đứng giữa sân tòa mà thốt lên: "Tiền luật sư, tiền án phí, tiền thi hành án, tui ngán quá trời luôn, đúng là vô phúc đáo tụng đình...".
Ông nói câu ấy khi tòa đang nghỉ nghị án. Đến khi nghe tuyên án thì ông không đứng nổi mà ngồi phịch trên ghế đá. Tòa vừa tuyên ông phải hoàn trả lại cho chị dâu và các đồng thừa kế của người anh trai đã mất số tiền gần 2,3 tỉ đồng.
Ông bảo nghe tòa tuyên án mà như "sét đánh ngang tai". Rồi ông quay qua người đại diện ủy quyền của chị dâu (vốn là luật sư) đang ngồi ghế đá bên cạnh, trách móc: "Tiền đâu mà bắt tui đền 2,3 tỉ đồng. Chắc tui chết. Mà tui có chết tui cũng lôi cô đi cùng, cũng tại cô hết...". Vị luật sư ngắt lời: "Tiền ông bán nhà của họ, phải trả lại cho họ chớ".
Người chị dâu thắng kiện mà không thể cười nổi. Bà ngồi đan đôi tay trắng bệch, lở lói vì ngâm nước bán rau ngoài chợ, hỏi nữ luật sư: "Liệu tui có lấy được số tiền mà tòa tuyên không cô?". Vị luật sư chẳng dám trả lời, bởi toàn bộ tài sản đã được người em chuyển nhượng và tặng cho hết thì lấy gì để thi hành án!
Đến nay, vụ kiện giữa gia đình họ đã kéo dài đến năm thứ 13. Vợ chồng người em từ nguyên đơn trở thành bị đơn, phiên tòa trước thắng kiện đến phiên tòa sau đã thành người thua kiện. Tình nghĩa chị dâu, em chồng đều không còn, chú cháu cũng chẳng nhìn mặt nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận