Cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang hiện có trên 250ha lúa sản xuất theo mô hình lúa sạch, mang lại thu nhập cao - Ảnh: NVCC
Theo các chuyên gia, đây cũng là thời điểm có thể thúc đẩy bà con thay đổi thói quen canh tác lạm dụng phân bón vô cơ và vật tư đầu vào khác.
Thay đổi vì "choáng" với giá phân, thuốc
Những năm trước, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên anh Nguyễn Văn Mi Lê (38 tuổi, tỉnh Bến Tre) không dám cho sầu riêng đậu trái. Năm nay, anh "chơi lớn" khi đầu tư khoảng 40 triệu đồng tiền phân thuốc vào 5 công sầu riêng.
"Cùng diện tích này, những năm trước tôi chỉ bỏ ra 20 triệu đồng nhưng năm nay mọi thứ đều tăng giá gấp đôi. Một bao phân DAP 50kg mới năm rồi giá 700.000 đồng, nay đã lên gấp đôi. Phân NPK loại 25kg cũng tăng từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng/bao", anh Lê cho biết.
Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Sô (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) cho biết trong gần 40 năm gắn bó với cây lúa, ông chưa bao giờ chứng kiến giá vật tư, phân bón, thuê nhân công... lại đắt đỏ vậy. "Có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới chỉ trong một tháng mà giá phân urê từ 390.000 đồng/bao đã nhảy lên gần 1 triệu đồng, thật kinh khủng", ông Sô nói.
Theo ông Sô, vào những mùa vụ trước, chi phí sản xuất lúa cao nhất chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giờ chi phí đã đội lên thành 40 - 45 triệu đồng/ha. Để tự cứu mình, ông Sô cho biết từ vụ lúa tới ông sẽ giảm lượng lúa giống. Thay vì gieo sạ trên 20kg/công như trước nay vẫn làm, ông bớt xuống còn khoảng 13 - 14kg. Bằng cách này vừa tiết kiệm tiền mua lúa giống vừa giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu do sạ dày.
Ngoài ra, ông Sô còn cho biết thêm thay vì làm 3 vụ/năm thì nay ông chuyển sang làm 2 vụ/năm. "Để đất có thời gian nghỉ ngơi, ít sâu bệnh, phù sa bồi đắp. Chắc chắn tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu nhưng năng suất, chất lượng đảm bảo", ông Sô kỳ vọng.
Sản xuất theo hướng "lúa sạch" tiết kiệm lớn
Hơn 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Thao (ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang) sản xuất lúa không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đã mang lại lợi nhuận khá cao. Đến nay, nhiều nông dân trong vùng đã học và làm theo ông. Năm 2022, trước tình trạng phân DAP có giá gần 1,4 triệu đồng/bao nên ông Thao đã không sử dụng mà chuyển sang dùng phân super lân với giá rẻ, khoảng 270.000 đồng/bao và dùng phân urê.
Ông Thao cho rằng bà con khu vực này xuống giống sạ thưa, bón phân cân đối và chỉ phun thuốc tối đa 2 lần/vụ, vì vậy giá thành sản xuất luôn thấp hơn người sản xuất lúa bình thường là 1.000 đồng/kg lúa. Cái chính vẫn là vừa bảo vệ môi trường vừa giảm giá thành sản xuất.
"Lúa giống của mô hình tôi chỉ cần khoảng 100kg/ha, còn sản xuất bình thường thì xuống giống khoảng 200kg/ha. Hiện chi phí sản xuất của tôi chỉ trên 20 triệu đồng/ha, còn sản xuất truyền thống hiện tốn trên 30 triệu đồng/ha" - ông Thao nói.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú - cho hay đến thời điểm này toàn huyện An Phú có gần 400ha sản xuất lúa theo mô hình "không phun thuốc trừ sâu, trừ rầy" của ông Thao, tiết kiệm được 300.000 đồng/công lúa. Dù không phun thuốc trừ sâu nhưng năng suất vẫn như bình thường, chất lượng gạo dĩ nhiên ngon hơn.
Tập thói quen sản xuất hữu cơ
Ông Huỳnh Quang Đức - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre - cho rằng giai đoạn hiện nay là cơ hội để tăng cường sử dụng phân hữu cơ. "Bến Tre có hơn 400.000 con heo, 200.000 con bò và trên 5 triệu gia súc gia cầm. Thời gian qua và tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng phân hưu cơ một cách hiệu quả nhất", ông Đức nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phước - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - cũng khuyến cáo nông dân cần giãn cách mùa vụ, nên sản xuất 2 vụ/năm để đất nghỉ ngơi; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, tăng thiên địch trong tự nhiên. Theo ông Phước, nếu bà con thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ giảm được chi phí đáng kể.
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng cái khó hiện nay là cần có cơ chế khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất "sạch". Đặc biệt, nếu "lúa sạch" có giá bán khác so với sản xuất bình thường thì sẽ thu hút người dân làm theo.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng muốn tổ chức tốt mô hình sản xuất sạch, giảm phân thuốc thì cần bàn tay tổ chức tốt, trong đó vai trò chính quyền cơ sở rất quan trọng.
Có giảm nhưng vẫn lạm dụng
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2017 - 2020 cả nước sử dụng bình quân 10,3 triệu tấn/năm, trong đó phân bón hóa học sử dụng 7,6 triệu tấn, còn lại là phân bón hữu cơ. Lượng phân bón sử dụng trung bình cả nước khoảng 753kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.
Đáng lo ngại hơn, tại các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Trong đó, lượng sử dụng phân bón vô cơ cao hơn 35% (754kg/ha), trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27% (392kg/ha) so với cả nước.
Đối với thuốc bảo vệ thực vật, năm 2020 cả nước sử dụng gần 52.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, trung bình 3,81kg/ha gieo trồng (tương đương khoảng 1,58kg hoạt chất (a.i)/ha gieo trồng). So với kết quả công bố của FAO hồi năm 1996, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại Việt Nam đã giảm từ 4.68kg a.i/ha xuống còn 1.58kg a.i/ha năm 2020.
CHÍ TUỆ
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):
Cơ hội trong giá tăng
Giá phân bón, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao đã khiến nông dân gặp nhiều thách thức, sản xuất không có lời hoặc lời ít. Đây là thời điểm buộc phải cắt giảm chi phí. Phải áp dụng triệt để quy trình 1 phải (phải sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch). Nếu áp dụng được cái này thì sẽ giảm được cái thứ 6 (giảm phát thải khí nhà kính).
Trước đây, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu sản xuất 6 vụ lúa cho thấy nếu áp dụng đúng "1 phải, 5 giảm" kết hợp với kỹ thuật ngập khô xen kẽ thì chi phí sản xuất giảm 25% so với sản xuất theo cách thông thường, đặc biệt năng suất sẽ tăng, chất lượng gạo ổn định và giá bán cũng tăng. Tuy nhiên, để làm tốt mô hình này, chính quyền các địa phương cần tổ chức tốt mô hình hợp tác xã thay vì để bà con sản xuất riêng lẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận