06/10/2016 14:39 GMT+7

Giả chết trước họng súng "biệt đội tử thần" ở Philippines

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Nằm giả chết cả tiếng đồng hồ là trường hợp của Francisco Santiago, 21 tuổi, một trong những nhân chứng hiếm hoi sống sót sau khi bị cảnh sát chống ma túy Philippines bắn. Tuy nhiên câu chuyện có phiên bản khác từ phía cảnh sát.

Francisco Santiago trong phòng giam của Sở cảnh sát Manila - Ảnh: The Washington Post

Theo bài viết "Ở Philippines của Duterte, đây là cách mà một người sống sót khi bị biệt đội tử thần truy đuổi" trên báo The Washington Post, Santiago bị cảnh sát bắn vào ngực và hai cánh tay tối 13-9 ở trung tâm thành phố Manila.

Phía cảnh sát Philippines tuyên bố vụ nổ súng là kết quả của hoạt động bắt giữ tội phạm ma túy nhưng Santiago khẳng định đó là một vụ dàn dựng.

Khi bị trúng đạn, anh đã giả chết, nằm yên cả giờ đồng hồ cho đến khi giới truyền thông xuất hiện tại hiện trường.

Lúc đó, thấy có camera đang quay mình, anh mới giơ cánh tay đầy máu lên đầu hàng và sống sót cho đến thời điểm này.

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố quyết sạch tội phạm ma túy ra khỏi đất nước này hồi tháng 6, có hơn 3.300 người bị bắn chết, theo số liệu của cảnh sát quốc gia Philippines.

Trong số đó có 1.239 người bị bắn trong các cuộc truy bắt của cảnh sát, số còn lại bị bắn bởi những người không rõ danh tính.

Nạn nhân là những người bị nghi buôn bán và sử dụng ma túy, kể cả những người bị xác định nhầm. Thậm chí có 2 trẻ em 4 và 5 tuổi cũng thiệt mạng do trúng đạn của cảnh sát bắn những kẻ tình nghi.

Theo báo Washington Post, thi thể những người này thường được nhanh chóng kéo ra khỏi hiện trường hoặc thả xuống mương, kèm theo tấm biển ghi “kẻ buôn ma túy”.

Bất chấp dư luận trong nước và thế giới phản đối, Tổng thống Duterte phủ nhận cáo buộc rằng đó là các vụ phạm tội được chính quyền “bảo kê”. Theo ông, cảnh sát Philippines chỉ hành động trên tinh thần tự vệ và làm điều tốt cho xã hội.

Thế nhưng lời khai của những người sống sót như Santiago và các bằng chứng khác chỉ ra rằng chiến dịch của tổng thống Duterte là một mô hình bạo lực mà trong đó cảnh sát cứ giết tội phạm và không phải chịu hậu quả gì cả.

Cảnh sát điều tra hiện trường hai kẻ tình nghi buôn ma túy bị bắn chết ở thành phố Pasig - Ảnh: Reuters

Tội phạm thật hay dàn dựng?

“Cảnh sát sẽ che đậy sự việc thôi. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào các phương tiện truyền thông để làm sáng tỏ chuyện này”, bà Ligaya Santiago, mẹ Francisco Santiago, kể lể.

Theo báo Washington Post, sau khi Tổng thống Duterte cho phép cảnh sát chủ động tiêu diệt kẻ tình nghi buôn ma túy, mỗi đêm cảnh sát lại tiến hành các cuộc truy lùng, và đến sáng đưa ra báo cáo về các vụ nổ súng, trong đó “những kẻ tình nghi là tội phạm ma túy” bị bắn chết.

Trường hợp của Santiago cũng vậy, báo cáo của cảnh sát tường thuật một môtíp quen thuộc rằng đó là một vụ cảnh sát giả làm người mua ma túy và bắt kẻ bán, rồi sau đó vụ việc biến thành một vụ nổ súng.

Sau khi bán một túi ma túy đá cho một cảnh sát chìm, Santiago và một nghi phạm khác, được nhận dạng là George Huggins y Javellana, sinh nghi và bắn vào cảnh sát.

Cảnh sát nổ súng đáp trả, giết chết Javellana và làm Santiago bị thương, ngoài ra còn phát hiện được một vài khẩu súng cùng 3 túi ma túy đá tại hiện trường.

Santiago sau đó được đưa vào bệnh viện.

Đó là chuyện cảnh sát kể.

Cảnh sát điều tra hiện trường một người nghi nghiện ma túy bị một người không rõ danh tính bắn chết ở thành phố Quezon - Ảnh: The Washington Post

Trong bệnh viện, Santiago lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác.

Khoảng trưa 12-9, một viên cảnh sát mặc thường phục giả làm khách hàng dẫn anh lên tầng 2 của sở cảnh sát, và buộc Santiago phải nhận tội buôn ma túy.

Đêm hôm đó, dưới trời nóng 30 độ C, Santiago được bảo phải mặc một chiếc áo khoác màu đen.

Sau nửa đêm, Santiago và Javellana bị chở tới một con đường tối và bị bắn tại đó, anh kể.

Khi anh nằm giả chết, cảnh sát gí súng vào sau lưng anh. Santiago cho biết họ cũng không kiểm tra túi xách của anh.

Báo The Washington Post cũng cho hay đoạn phim quay từ camera an ninh cho thấy buổi chiều Santiago đến đồn cảnh sát, anh mặc một chiếc áo thun trắng, trong khi đó, trong ảnh chụp hiện trường vụ nổ súng, anh mặc một chiếc áo khoác đen không phù hợp với thời tiết nóng bức.

Cảnh sát trưởng Manila Joel Coronel nói với tờ Philippines Inquirer rằng Santiago là một "mục tiêu chính trong danh sách theo dõi tội phạm ma túy", nhưng báo cáo của cảnh sát lại không đề cập đến chuyện đó.

Thêm vào đó, một quan chức có nhiệm vụ xác định nghi phạm trong khu vực Santiago sống cũng nói rằng anh chưa bao giờ nằm trong danh sách đó.

Tuy nhiên, anh cho biết những mâu thuẫn trên cũng không giúp anh tránh khỏi việc bị thuyên chuyển từ bệnh viện sang chỗ lực lượng cảnh sát đã bắn anh để quản thúc.

Cuộc chiến khốc liệt chống ma túy ở Philippines vẫn gây tranh cãi đến nay về cách thức thực hiện, tùy theo góc nhìn của phương tây hay của người Philippines. Chính quyền Manila vẫn cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Philippines và phải được hành xử theo cách thức cũng như quan điểm của Philippines.
NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp