14/09/2012 05:55 GMT+7

Giá cám tăng, ngành chăn nuôi điêu đứng

T.MẠNH - NGỌC TÀI - V.TR.
T.MẠNH - NGỌC TÀI - V.TR.

TT - Trong khi vẫn đang thua lỗ do giá bán các sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành, nông dân lại càng gặp khó khi giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng liên tục thời gian qua.

Q3OpbU95.jpgPhóng to
Thức ăn chăn nuôi tăng giá, gà không bán được, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng - Ảnh: Ngọc Tài

Hàng loạt chủ trại nuôi đang treo chuồng trại, bỏ bè cá do giá cám tăng 2-3 lần chỉ trong vòng hai tháng qua, giá bán sản phẩm không những không tăng mà còn giảm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất TACN cho biết đang bán lỗ và “hăm he” tiếp tục tăng giá bán.

Lỗ chồng lỗ

Xuất khẩu cá tra cũng phải đầu tư nhà máy TACN

Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết do giá TACN tăng liên tục nên công ty phải tự xây dựng nhà máy chế biến thức ăn nuôi cá tra nguyên liệu 200ha của mình. Ông Đạo nói: “Nếu phải đi mua thức ăn bên ngoài chúng tôi không thể duy trì được vùng nuôi, khi đó hoạt động chế biến, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.

Theo nhiều nông dân nuôi cá tra, giá TACN hiện nay khoảng 11.500 đồng/kg (loại 26 độ đạm). Tính ra giá thành nuôi 1kg cá tra hiện đã 24.000-25.000 đồng, nhưng giá cá chỉ ở mức 23.000 đồng/kg.

Vừa bán lứa gà công nghiệp gần 4.500 con với giá 23.000 đồng/kg, anh Nguyễn Tuấn Sơn (Thống Nhất, Đồng Nai) nhận hai tin xấu từ đại lý cung cấp cám: Thứ nhất, phải thanh toán ngay số tiền cám còn nợ, nếu không sẽ không bán cám tiếp. Thứ hai, giá cám tăng thêm 200 đồng/kg với cám hỗn hợp và 400 đồng/kg với cám đậm đặc.

“Lần thứ hai chỉ trong hơn một tháng qua đại lý tăng giá cám đấy. Cộng cả hai lần là 400 đồng/kg với cám hỗn hợp và 800 đồng/kg với cám đậm đặc. Bán xong chuồng vừa rồi là tôi tạm ngưng luôn, giá cám thế này cầm chắc lỗ nên tôi tập trung vào mấy chuồng còn lại rồi tính tiếp” - anh Sơn cho biết.

Theo anh Sơn, khi giá cám chưa tăng thì giá thành gà đã lên đến 30.000 đồng/kg, tức lứa gà vừa bán anh đã bị lỗ 7.000 đồng/kg. Với giá cám tăng lên nữa, giá thành sẽ tăng khoảng 700 đồng/kg mà không biết giá bán gà thịt sẽ như thế nào. “Với giá cám tăng mà giá gà như hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ càng thêm lỗ. Từ đầu năm đến nay tôi bán được đúng một lứa gà giá trên 30.000 đồng/kg hồi tháng 3, còn lại bán dưới giá thành, có lúc giá gà giảm còn 15.000 đồng/kg” - anh Sơn nói.

Không chỉ người nuôi gà mà toàn bộ người chăn nuôi heo, cá điêu hồng, cá tra... đều đang gặp khó do giá bán thấp trong khi giá TACN liên tục tăng.

Anh Quang Trung (Long Khánh, Đồng Nai) cho biết lúc giá cám chưa tăng, người nuôi heo đã lỗ 200.000 đồng/con (100kg), giờ TACN tăng giá thì lỗ lên đến 400.000 đồng/con. “Tôi đã tìm mọi cách giảm giá thành rồi, giờ chỉ còn cách giảm lượng cám, nhưng giảm cám thì heo sao lớn được nên đành chịu lỗ thôi” - anh Trung than thở.

Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết TACN cho heo tăng tới 10.000 đồng/bao. Bà vừa xuất chuồng bán được 20 tạ heo hơi với giá 3,7 triệu đồng/tạ. Tính ra bà Hà bị lỗ tới 20 triệu đồng sau mấy đợt tăng giá TACN. Do giá TACN cứ tăng nên hiện bà Hà chưa dám mua heo con về nuôi tiếp vì sợ tiếp tục thua lỗ.

Nhiều người nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp cũng “choáng váng” với các đợt tăng giá TACN vừa qua. Bà Nguyễn Thu Loan (thị trấn Mỹ Thọ, Cao Lãnh, Đồng Tháp) có chín bè cá điêu hồng, hiện chỉ còn hai bè có cá, số còn lại đã “treo” vì không còn vốn nuôi tiếp.

Bà Loan cho biết chỉ hơn nửa tháng mà TACN cho cá tăng hai lần, từ 13 triệu đồng lên 13,5 triệu đồng/tấn. Hiện giá mua tại bè là 38.000 đồng/kg, tính ra không còn lỗ nhưng cũng không có lãi. “Nếu giá TACN tăng nữa, chắc chắn phải treo bè thôi chứ giá cá lên xuống thất thường lắm. Nếu giá cá 30.000 đồng/kg như mấy tuần trước, người nuôi đều phải ôm nợ” - bà Loan nói.

Nhà máy cám cũng kêu lỗ

Trong khi người dân đang “méo mặt” vì giá TACN tăng nhanh, bản thân các công ty sản xuất TACN cũng kêu đang phải bán lỗ và sẽ tăng giá lên trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Đức Bình - phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN, các nhà máy cám hiện tại rất bi đát. “Ế ẩm vô cùng, nhiều nhà máy giảm doanh số 20-50%. Lẽ ra trong trường hợp này phải giảm giá để bán được hàng nhưng sức mua yếu quá, giảm giá cũng không bán được mà nguyên liệu thì tăng chóng mặt” - ông Bình cho biết.

Theo ông Bình, tăng mạnh nhất là khô dầu đậu nành từ khoảng 9.000 đồng/kg hồi tháng 4-2012 đã lên trên 16.000 đồng/kg, giá cám gạo cũng từ 6.000 đồng lên 6.800 đồng/kg, lúa mì từ 7.000 đồng lên 7.800 đồng/kg, bắp từ 6.000 đồng lên 7.200 đồng/kg,... “Với giá nguyên liệu này, chỉ những nhà máy lớn có hàng dự trữ mới huề vốn, còn nhà máy nhỏ sản xuất kiểu ăn đong lỗ khoảng 5%” - ông Bình nói. Theo một số doanh nghiệp sản xuất TACN, do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao nên từ nay đến quý 1-2013 giá thức ăn thành phẩm trong nước sẽ còn tăng nữa.

Theo ông Dương Ngọc Minh - tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Việt Thắng (thuộc Hùng Vương) hiện bán lỗ khoảng 800 đồng/kg cám. Theo kế hoạch, từ nay đến quý 1-2013 Việt Thắng sẽ bán ra thị trường 180.000 tấn thức ăn thủy sản. Tuy nhiên trong tình hình giá cá tra quá thấp như hiện nay, nhà máy không thể tăng giá thức ăn và đã dự trù khoản lỗ lên tới 150 tỉ đồng. “Chúng tôi sẽ lấy khoản chế biến, xuất khẩu bù qua cho nhà máy TACN” - ông Minh nói.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngành chăn nuôi đang đối diện với nhiều khó khăn khi giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành kéo dài và gần đây là giá TACN tăng nhanh. Hiện đã có tình trạng một số chủ trại chăn nuôi lỗ vốn không thể trả tiền TACN cho đại lý, đến lượt mình các đại lý mất khả năng thanh toán cho nhà máy, còn nhà máy lại “xù” nợ của nhà cung cấp nguyên liệu.

TACN tăng vì phụ thuộc nhập khẩu

Theo Hiệp hội TACN VN, do sản xuất TACN công nghiệp của VN phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài như khô dầu đậu tương, bắp, lúa mì, bột cá... nên khi giá thế giới tăng, trong nước lập tức bị ảnh hưởng theo.

Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), cho biết do tình hình hạn hán tại nhiều nước khiến sản lượng đậu tương (Mỹ), bắp và lúa mì (Nga) giảm mạnh đã đẩy giá các loại nguyên liệu này lên cao, các nguyên liệu thay thế như bột cá, bắp... cũng tăng theo.

Trong tám tháng đầu năm nay, VN đã nhập khẩu gần 2 triệu tấn lúa mì, trên 1 triệu tấn bắp, gần 1 triệu tấn đậu tương, chưa kể các loại TACN thành phẩm mà các công ty nhập khẩu trực tiếp về bán. Còn trong nước, giá cám gạo tăng do giá lúa gạo xuất khẩu tăng khá mạnh, khoảng 40-50 USD/tấn trong gần hai tháng qua.

T.MẠNH

T.MẠNH - NGỌC TÀI - V.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp