Giá cà phê đạt đỉnh ở ngưỡng 105.000 đồng/kg, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trước thực trạng trên, nhiều quán cà phê vỉa hè đã rục rịch tăng giá bán, trong khi đó nhiều chuỗi lớn vẫn "gồng" giá giữ chân khách hàng.
Giá cà phê nguyên liệu đua tăng theo giá vàng
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 9-4 tại hàng loạt quán cà phê ven đường ở quận 1, quận 5, quận Tân Bình… không ít chủ kinh doanh cà phê đã bắt đầu rục rịch sửa biển tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Mai Thảo - chủ một xe đẩy cà phê nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) - tăng giá các loại cà phê lên 1.000 đồng/ly.
Bà Thảo cho biết trước Tết, bà mua cà phê hạt giá gần 170.000 đồng/ký, đến nay đã tăng 190 đồng/ký. Bởi xe nước chỉ bán duy nhất cà phê nên giá nguyên liệu đầu vào với bà là cả một vấn đề.
"Tôi bắt đầu kinh doanh cà phê khoảng nửa năm nay, nghe nói xu hướng giờ chuộng cà phê hạt pha máy nên tôi cũng quyết đầu tư chiếc máy pha giá 20 triệu.
Cũng kể từ đó, giá cà phê nguyên liệu chưa bao giờ đứng yên. Tôi và chủ quán khác hay đùa nhau rằng giờ giá cà phê tăng không khác gì giá vàng nhưng người bán vàng có lời, còn bán cà phê chỉ thấy lỗ", bà Thảo tâm sự.
Nhìn chiếc máy pha cà phê 20 triệu, bà Thảo thở dài nói: "Cứ kéo dài tình trạng này lời chả thấy mà vốn mãi chẳng thu về được".
Tương tự, ông Vũ Văn Hùng (64 tuổi, ngụ quận 9) - chủ một xe đẩy cà phê trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) - cũng quyết định tăng giá bán 2.000 đồng mỗi ly cà phê khoảng một tuần trở lại đây.
Ông Hùng tâm sự vợ chồng con gái ông đều làm ngành bất động sản, suốt 2 năm qua cả gia đình khó khăn vì thị trường chung. Để phụ giúp con tiền chợ, 6 tháng trước ông quyết định đầu tư một quầy cà phê mang đi.
"Ai ngờ đâu từ ngày bán mỗi lần nhập cà phê nguyên liệu lại có giá mới. Đắn đo lắm tôi mới tăng giá bù lỗ bởi cà phê mang đi chủ yếu bán cho khách bình dân, chỉ cần chênh lệch 1.000 - 2.000 đồng cũng đủ để mất khách", ông nói.
Trong khi đó, ông Trương Quân Hạo - chủ một xe đẩy cà phê nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 1) - chia sẻ để có được giá nguyên liệu tốt, ông đã tìm mối tận vườn ở Buôn Ma Thuột.
Ông Hạo cho hay đầu mối bán cũng rất hỗ trợ vì ông Hạo là mối lâu năm. Tuy nhiên giá cà phê đã tăng hơn 100% so với năm ngoái, mối sỉ buộc phải tăng giá.
"Tôi có người quen ở Buôn Ma Thuột, cũng muốn tìm một mối khác để mong giảm chút chi phí đầu vào. Nhưng nghĩ khách cũng đã quen uống vị cà phê lâu nay, đổi vị sợ mất khách cũ. Nên mặc dù buộc phải tăng giá 2.000 đồng/ly tôi phải đích thân ra đưa cho khách để xin lỗi và mong khách thông cảm, ủng hộ", ông Hạo chia sẻ.
Chuỗi cà phê lớn giữ giá giữ chân khách
Trong khi không ít các quán cà phê mang đi buộc phải tăng giá thì nhiều quán cà phê, thương hiệu lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House… vẫn đang giữ giá bán các loại thức uống.
Không những thế, các chuỗi cà phê còn liên tục dùng nhiều chương trình giảm giá, ưu đãi cho khách khi mua combo, đặt hàng trên app kích cầu mùa nắng nóng.
Ông Nguyễn Quốc Minh - chủ quán cà phê An Yên nằm trên đường Hòa Hưng (quận 10) - cho hay dù giá nguyên liệu tăng phi mã nhưng tỉ lệ cà phê trong menu quán chỉ chiếm khoảng 10% nên tác động không quá lớn.
"Ngoài cà phê, quán còn bán nhiều loại nước khác như nước ép, sinn tố, đồ ăn như bánh mì chảo, quà vặt… món nọ bù vào nên tạm thời quán chưa có ý định tăng giá", ông Minh cho hay.
Trước thực trạng giá cà phê nguyên liệu leo thang, trên nhiều diễn đàn cộng đồng mạng đã xuất hiện nhiều chủ đề liên quan đến việc giá cà phê tăng như "có nên tăng giá 1 ly cà phê hay không", "làm sao để giữ giá"…
Ở các diễn đàn này đã xuất hiện luồng ý kiến trái chiều khác nhau, có nhiều người cho rằng cần tăng giá mới có thể duy trì kinh doanh. Nhưng cũng nhiều người cho rằng tăng giá thì sẽ mất khách, mà không tăng giá thì "quá đuối".
"Giá cà phê hạt tăng 20.000 đồng là chuyện bình thường, còn ly cà phê tăng 2.000 đồng là cả vấn đề đấy ạ", Nguyễn Vững - thành viên nhóm "Chủ quán cà phê" - bình luận.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, giá cà phê Việt Nam tăng cao ngoài xu hướng thế giới còn do nguồn cung hạn chế. Do những năm gần đây giá cà phê thấp, nhiều nhà vườn chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là sầu riêng.
Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp, giá cà phê vẫn còn có khả năng tăng tiếp do thị trường thế giới "khát" nguồn cung, Việt Nam vẫn "một mình một chợ" vì ảnh hưởng El Nino nên cà phê Indonesia giảm sâu sản lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận