Ngày 3-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết giá cà phê hôm nay giảm mạnh hơn 6% trên sàn giao dịch London và 2,9% trên sàn New York, còn trong nước giảm gần 5.000 đồng/kg.
Ông Hải liệt kê ở các vùng trọng điểm Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, giá cà phê hôm nay được ghi nhận dao động mức 117.000 đồng/kg, trong khi hôm qua (ngày 2-10) mức giá dao động 121.000-122.000 đồng/kg.
Lý do giá cà phê hôm nay giảm mạnh, theo ông Hải, do Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất hoãn thời gian thi hành quy định mới về việc nhập khẩu hàng hóa thêm 12 tháng.
"Đây chính là mấu chốt khiến giá cà phê giảm mạnh nhất tính từ năm 2023 đến nay. Hoãn quy định, các nhà nhập khẩu cà phê từ châu Âu tạm thời ngừng việc ồ ạt nhập hàng. Còn trước đây họ mua ồ ạt khiến cà phê tăng giá, bởi các nước họ cần đảm bảo đủ nguồn cung trước khi không thể nhập cà phê nếu quy định có hiệu lực", ông Hải nói.
Lãnh đạo hiệp hội này nói thêm theo dự báo thời tiết ở nước ngoài, khoảng 15 ngày nữa tại quốc gia có sản lượng cà phê lớn là Brazil sẽ đón thời tiết không khí lạnh, thuận lợi để mùa vụ cà phê tại Brazil có thể phục hồi thời gian khô hạn kỷ lục kéo dài. Kéo theo thế giới sẽ có nguồn cung ổn định hơn trước.
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Nam (sống ở TP.HCM) đánh giá tình hình, giá cà phê sẽ bắt đầu giảm do nhiều tác động, trong đó có thêm nguyên do đến từ câu chuyện cuộc đình công của công nhân tại các cảng ở Bờ Đông và vịnh Mexico của Mỹ hôm 1-10.
"Việc này làm ngưng trệ 50% hoạt động vận chuyển đường biển, container không thể vận chuyển qua 36 cảng từ bang này sang bang khác ở Mỹ. Nhiều hàng hóa, thực phẩm, cà phê, gạo, hoa quả tươi… ngừng giao dịch để quan sát thêm cuộc đình công và chưa biết khi nào kết thúc", ông Nam nói.
Xuất khẩu cà phê, gỗ, cao su... phải có chứng nhận không phá rừng
Trước đó EU đã ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR), ban đầu dự kiến có hiệu lực vào ngày 30-12-2024.
Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng, bao gồm: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất diện tích rừng. Để bảo vệ rừng, yêu cầu các nhà cung cấp phải chứng nhận 7 nhóm mặt hàng không có nguồn gốc từ những khu vực vừa bị phá rừng để nhường chỗ cho các trang trại và đồn điền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận