Vậy việc này có hợp lý?
Phát sinh nhiều vấn đề
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến nhân dân đến hết ngày 15-3. Dự thảo luật có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Theo đó, hộ gia đình có quyền sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) ghi tên tất cả các thành viên của hộ vào.
Góp ý về nội dung trên của dự thảo luật, công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng, trưởng Phòng công chứng số 7, cho rằng thực tiễn cho thấy việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và ảnh hưởng đến việc giao dịch định đoạt quyền sử dụng đất.
Theo ông Thắng, hộ gia đình là đối tượng sử dụng đất đã tồn tại lịch sử và được ghi nhận trong cả Luật đất đai 2003 và 2013.
Tại các Luật đất đai trên, hộ gia đình sử dụng đất đảm bảo năm yếu tố: có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm Nhà nước giao, cho thuê, công nhận, nhận chuyển quyền.
Tuy nhiên, luật không quy định căn cứ nào để xác nhận đủ các thành viên của hộ gia đình. Thông thường để xác định hộ gia đình trước đây thường căn cứ vào sổ hộ khẩu.
Mà các nhân khẩu trong hộ khẩu thì thường có biến động tách, nhập khẩu, ở nhờ... làm tăng, giảm nhân khẩu. Hoặc các thành viên hộ gia đình sống chung nhưng không cùng hộ khẩu hoặc cùng hộ khẩu nhưng không sống chung, không cùng canh tác, sử dụng đất...
"Quy định để giúp xác định chính xác thành viên hộ gia đình sử dụng đất đến nay vẫn chưa đầy đủ nên rất cần được bổ sung, làm rõ.
Hiện nay sổ hộ khẩu đã bỏ, cùng với việc tự do di chuyển, cư trú của dân cư, nếu dữ liệu dân cư (hộ gia đình) đang do cơ quan công an nắm giữ không cập nhật đủ thì còn rắc rối nhiều trong việc xác định thành viên trong gia đình để ghi vào sổ", ông Thắng nói thêm.
Không cần thiết ghi tên tất cả thành viên
Đồng tình với ý kiến của công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng, tiến sĩ luật Ninh Thị Hiền cho rằng dự thảo Luật đất đai cần thống nhất căn cứ xác định thành viên hộ cho thuận tiện trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Theo quan điểm của tiến sĩ Hiền, việc xác định thành viên hộ gia đình sử dụng đất theo dự thảo Luật đất đai nên do cơ quan cấp sổ và cơ quan công an quản lý về cư trú họp bàn thống nhất cách thức xác định thành viên hộ gia đình đối với những sổ đã được cấp.
Tiến sĩ Hiền phân tích thêm dự thảo Luật đất đai sửa đổi theo hướng bỏ đối tượng sử dụng đất hộ gia đình là phù hợp. Luật đất đai sửa đổi quy định chuyển tiếp đối với hộ gia đình có sổ trước ngày luật này có hiệu lực thì sẽ được cấp đổi ghi tên tất cả các thành viên hộ vào sổ nếu có nhu cầu.
Theo dự thảo, việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên sổ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Cơ quan nhà nước bằng việc ghi nhận tên của các thành viên là xác định chỉ những thành viên này mới có quyền đối với đất hộ gia đình. Việc ghi tên các thành viên nếu không chính xác sẽ dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho thành viên khác, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện và các rắc rối về thủ tục pháp lý khác...".
Dẫn chiếu từ hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao (ngày 7-4-2017), bà Hiền chỉ ra rằng ngay cả khi xử tranh chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, tòa án cũng rất chú trọng việc xác định thành viên hộ gia đình.
Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn rằng: Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp sổ. Trường hợp cần thiết, tòa án có thể yêu cầu UBND có thẩm quyền cấp sổ xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...
Chỉ ghi tên tất cả các thành viên hộ gia đình đối với giấy chứng nhận cấp cho hộ
Theo khoản 5, điều 143 dự thảo Luật đất đai sửa đổi, việc ghi tất cả các thành viên của hộ gia đình sử dụng đất vào giấy chứng nhận áp dụng đối với các trường hợp sau:
* Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
* Đối với trường hợp giấy chứng nhận đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi giấy và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất.
* Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình và trao cho người đại diện hộ gia đình.
Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên giấy chứng nhận do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đây là nội dung mới, so với Luật đất đai 2013 và 2003 thì không có quy định ghi tên tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình sử dụng đất trên giấy chứng nhận cấp cho hộ.
Thăm dò ý kiến
Theo dự thảo Luật đất đai sửa đổi, liên quan hộ gia đình sử dụng đất theo hướng ghi tên tất cả các thành viên của hộ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ý kiến của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận