Người dân đến UBND phường thực hiện dịch vụ công trực tuyến sau khi 'khai tử' sổ hộ khẩu giấy - Ảnh: DANH TRỌNG
Theo quy định tại điều 38 của Luật cư trú năm 2020 (có hiệu lực từ 1-7-2021), sổ hộ khẩu chính thức hết giá trị sử dụng từ ngày 1-1.
"Khai tử" sổ hộ khẩu giấy, quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử
Với việc "khai tử" sổ hộ khẩu, các cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin công dân bằng dữ liệu điện tử trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tích hợp trên căn cước công dân gắn chip.
Bộ Công an cũng đã hướng dẫn cơ quan chức năng bảy phương thức khai thác thông tin cư trú. Trong đó có việc xuất trình thẻ căn cước công dân để thiết bị đọc chip trên thẻ, hoặc sử dụng giấy xác nhận cư trú.
Ngày 3-1, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại trụ sở các phường trên địa bàn Hà Nội, nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Ông Đặng Tuấn Hải (50 tuổi, tạm trú tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đến trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) từ 14h chiều cùng ngày để làm thủ tục khai tử cho người thân.
Ông Hải cho biết dù nắm được quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng hôm nay ông vẫn mang theo sổ hộ khẩu để đi làm thủ tục "cho chắc ăn".
Khi đến phòng giao dịch một cửa, ông Hải vẫn còn loay hoay, gặp khó khăn khi lần đầu tiếp cận thủ tục trực tuyến.
Ông Hải sau đó được cán bộ phường hướng dẫn sang trụ sở Công an phường Dịch Vọng Hậu để xin cấp giấy xác nhận cư trú, nhằm thay thế cho sổ hộ khẩu đã hết giá trị sử dụng. Sau khi khai báo và được cấp giấy xác nhận, ông Hải hoàn thành thủ tục và chờ trả kết quả.
Ông Đặng Tuấn Hải đến trụ sở phường Dịch Vọng Hậu làm thủ tục khai tử cho người thân - Ảnh: DANH TRỌNG
Tại phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), anh Trần Xuân Việt (22 tuổi) và bạn gái sắp cưới 18 tuổi có mặt để nhận kết quả đăng ký kết hôn.
Theo anh Việt, quy trình đăng ký thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến hiện tại khá đơn giản. Anh chỉ cần nhập thông tin trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, sau đó gắn các giấy tờ (đã chụp) liên quan vào phần khai và nhập thông tin đầy đủ, rồi nộp tại nhà.
Khi có kết quả từ cơ quan chức năng, anh Việt nhận được thông báo qua số điện thoại, email rồi ra đơn vị tiếp nhận hồ sơ để nhận.
Theo anh Việt, bây giờ chỉ cần mang căn cước công dân là hoàn thiện hết các thủ tục, không còn cần hộ khẩu giấy nữa. Việc này đỡ mất thời gian và công sức đi lại.
Người dân được cán bộ phường hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: DANH TRỌNG
Ngày đầu triển khai bỏ sổ hộ khẩu giấy, chưa ghi nhận nhiều vướng mắc
Ông Nguyễn Anh Khôi - trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Khôi (Hà Nội) - cho hay trong ngày hôm nay, có khoảng 20 người đến làm dịch vụ công chứng về đất đai và một số dịch vụ khác.
"Khi đến làm thủ tục công chứng, người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu. Việc giải quyết cho khách hàng khá thuận lợi, nhanh chóng. Cán bộ văn phòng căn cứ vào căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục", ông Khôi nói. Ông cho hay với những khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip, cán bộ văn phòng sẽ đề nghị họ phải có giấy xác nhận thông tin cư trú để thực hiện giao dịch.
Lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết trong ngày đầu tiên triển khai bỏ sổ hộ khẩu, chưa ghi nhận nhiều vướng mắc và phải chờ phản ánh trong những ngày tới.
Về việc các phường chưa được trang bị hệ thống máy đọc chip trên căn cước công dân, dẫn tới không thể khai thác thông tin trên thẻ, cán bộ tiếp dân hoàn toàn có thể khai thác thông tin của công dân trên mặt thẻ (đọc thủ công).
Lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư cũng cho biết cán bộ tiếp dân không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú.
Cán bộ tiếp dân có thể sử dụng một trong bảy phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn, trong đó có khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc chính cán bộ tiếp dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận