02/11/2022 11:43 GMT+7

Ghi nhận đóng góp của hội quần chúng cho sự phát triển của TP.HCM

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Nhìn nhận sự phát triển khá nhanh của các tổ chức hội trong 10 năm qua, thay mặt Thành ủy TP.HCM, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải ghi nhận những đóng góp thiết thực của các hội cho sự phát triển của TP trên nhiều phương diện.

Ghi nhận đóng góp của hội quần chúng cho sự phát triển của TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 2-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 17 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng.

Tham dự hội nghị về phía trung ương có ông Cao Hùng Hưng - phó vụ trưởng cơ quan thường trực Ban Dân vận trung ương tại TP.HCM; ông Phan Thanh Tuyền - phó trưởng Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phía TP.HCM có ông Nguyễn Hồ Hải - phó bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch HĐND TP.

Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải nhận định, qua chặng đường 10 năm có thể thấy rõ sự thành lập và phát triển khá nhanh của các hội quần chúng TP. Với đặc thù TP là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, các hội quần chúng là một trong những phương thức tập hợp quần chúng của Đảng.

“Thành ủy ghi nhận những đóng góp thiết thực của các hội cho sự phát triển của TP trên nhiều phương diện, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững và ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó tạo được sự đồng thuận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”, ông Hải chia sẻ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Thành ủy, đa số các tổ chức hội quần chúng hoạt động mang tính chất tập hợp hội viên tự nguyện tham gia, một số hội chưa được cấp phép thành lập nhưng vẫn hoạt động, điều này dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, chính trị.

Phó bí thư Thành ủy đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để công tác hội quần chúng ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, bao gồm: quản lý chặt chẽ việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ hội, việc thành lập các đơn vị, pháp nhân trực thuộc theo đúng quy định. Đặc biệt cần chú ý việc quản lý, sử dụng tài chính của hội từ các nguồn viện trợ, tài trợ trong và ngoài nước.

Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; chủ động ngăn ngừa và đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.

Ghi nhận đóng góp của hội quần chúng cho sự phát triển của TP.HCM - Ảnh 2.

Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải trao hoa và bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chỉ thị số 17 - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, cho biết thêm qua 10 năm triển khai thực hiện, chỉ thị số 17 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, các tổ chức đảng, đơn vị được phân công phụ trách các hội có nhiều nỗ lực, đeo bám, theo dõi, nắm tình hình đã phát huy vai trò lãnh đạo hướng dẫn hoạt động và định hướng giải quyết kịp thời những vướng mắc, thiếu sót.

Một số hội quần chúng làm tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất cho thành phố nhiều ý kiến tích cực về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám sát phản ánh những vấn đề phát sinh ngoài xã hội.

Qua đó Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật về hội; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định thay thế nghị định số 45 về tổ chức hoạt động và quản lý hội theo tinh thần chỉ thị số 43; xem xét điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng chế độ thù lao của quyết định số 30 là lãnh đạo chuyên trách hội các cấp, không phân biệt người nghỉ hưu hay không nghỉ hưu.

Hơn 1.300 hội được thành lập trong 10 năm

Trong 10 năm từ khi ban hành chỉ thị số 17, tính đến cuối tháng 4-2022, TP.HCM có 1.350 hội được thành lập; trong đó có 199 hội hoạt động phạm vi thành phố, 173 hội hoạt động phạm vi địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức; 978 hội hoạt động phạm vi địa bàn phường, xã, thị trấn, chủ yếu thuộc lĩnh vực nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học, hữu nghị, khuyến học, từ thiện nhân đạo, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ,...

Ngoài ra, trên địa bàn có 739 quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện các hội trung ương; 129 tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cấp phép hoạt động trên địa bàn thành phố.

Hiện, thành phố có 24 hội có tính chất đặc thù, hiện tại có 6 tổ chức hội đặc thù được giao số lượng người làm việc (biên chế), 21 tổ chức hội được hỗ trợ kinh phí không giao số lượng người làm việc.

TP.HCM xin thí điểm lực lượng quần chúng tự vệ ở xã TP.HCM xin thí điểm lực lượng quần chúng tự vệ ở xã

TTO - UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo liên quan đến đề án thành lập lực lượng bảo vệ an ninh trật tự xã (tương tự lực lượng bảo vệ dân phố) tại các xã có trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp