29/12/2017 16:52 GMT+7

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Lần đầu tiên ghép tim cho trẻ em, lần đầu tiên ghép thận trao đổi chéo, cả những sự cố chạy thận khiến 8 người chết, nhiễm khuẩn bệnh viện khiến 4 trẻ sơ sinh sinh non chết...có thể nói là những sự kiện y tế đậm nét trong năm 2017.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 1.

Các bệnh nhân bị sốc phản vệ tại khoa điều trị tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tháng 5-2017 - Ảnh: Vũ Hà

Sự cố chạy thận khiến 8 người tử vong, 10 người bị tai biến nặng tại Hòa Bình

Sự cố này được xem là nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành thận nhân tạo thế giới và lịch sử hơn 40 năm lọc máu chu kỳ cho người bệnh suy thận mạn ở VN.

Sau sự cố này, giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố, đã bị cách chức; bác sĩ Hoàng Công Lương, bác sĩ trực trong ca lọc máu gặp sự cố, đã bị bắt tạm giam nhưng rồi được cho tại ngoại nhờ sự vận động của cộng đồng và Bộ Y tế.

Tuy nhiên, cho đến nay, thân nhân của 8 người tử vong vẫn chưa được đền bù do tranh cãi về mức đền bù. Bệnh viện và người thân bệnh nhân dự kiến sẽ phải gặp nhau ở tòa án.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 2.

Chăm sóc cho trẻ chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: L.ANH

4 trẻ sơ sinh sinh non tử vong chỉ trong một buổi sáng do nhiễm khuẩn bệnh viện tại Bắc Ninh

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế xác nhận có một chùm ca tử vong liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện và quá tải bệnh nhi.

Bệnh viện sản nhi Bắc Ninh đã buộc phải chuyển toàn bộ trẻ sơ sinh tại đơn nguyên sơ sinh 24 giường sang Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Bệnh viện cũng buộc phải tạm đình chỉ hoạt động của đơn nguyên này nhằm thực hiện lại quy trình tiệt khuẩn trước khi tiếp nhận bệnh nhi trở lại.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 3.

Bé Thành Đạt ngày ra viện. Bé đã tăng 6kg so với cách đây 2 tháng, trước khi được ghép tim - Ảnh: Thuý Anh

Lần đầu tiên ghép tim cho trẻ em

Bé Đạt (10 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) bị giãn cơ tim nặng đã được ghép tim từ người hiến 19 tuổi tại Bệnh viện Việt Đức.

Trong ca ghép, các bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn khi phải "lắp" trái tim của một người trưởng thành nặng khoảng 60 kg vào lồng ngực bé trai nặng chỉ hơn 20 kg.

Nhưng ca ghép đã thành công và bé Đạt đã trở lại trường học.

Lần đầu tiên ghép thận trao đổi chéo

Ca ghép chéo thận được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cứu hai cô gái mà người hiến thận trao đổi chéo là mẹ và bố dượng của hai người.

Hiện cả hai cô gái đã khỏe mạnh.

Trên thế giới, Hàn Quốc là nơi đầu tiên thực hiện ghép thận trao đổi chéo từ 1991 và sau này nhiều nước đã áp dụng cách làm này.

Lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người hiến còn sống

Ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện 103 và Học viện Quân y với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản, cho một cháu bé 7 tuổi ở Hà Giang được bố đẻ và bác ruột tặng phổi.

Trước đó, Bệnh viện T.Ư Huế cũng đã ghép tim phổi từ người hiến tặng đã chết não, nhưng chỉ 5 ngày sau ghép thì người được ghép qua đời.

Lần đầu tiên ghép tế bào gốc xuyên biên giới

Một thanh niên 25 VN tuổi được chẩn đoán mắc bạch cầu mạn dòng tủy đã được ghép tế bào gốc từ người hiến từ Đài Loan.

Đây là ca ghép tế bào gốc ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại VN, mở ra cơ hội hợp tác với các ngân hàng tế bào gốc VN và thế giới để cứu sống người bệnh.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 4.

Nhân viên phòng khám Đại Đông (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM) tới kiểm tra sức khỏe bệnh nhân vào tháng 10-2017 - Ảnh: ĐỨC PHÚ (cắt từ clip tư liệu điều tra của Tuổi Trẻ)

Tước giấy phép hoạt động của hàng loạt phòng khám Trung Quốc

Hàng chục năm hoành hành ở VN, làm nhiều ca tử vong (ca tử vong ở Phòng khám Maria, Hà Nội năm 2012, ca tử vong tại Phòng khám 168 Hà Nội ở Thanh Trì, Hà Nội năm 2017…) và thu phí quá cao.

Sở Y tế TP.HCM đã ra tay chấn chỉnh. Từ 17 phòng khám Trung Quốc, TP.HCM hiện còn 9 phòng khám đang hoạt động.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 5.

Giờ ra chơi tại căngtin một trường học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cấm quảng cáo, kinh doanh nước có gas trong trường học

Sau gần một năm chuẩn bị, cuối tháng 12 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị không quảng cáo, kinh doanh nước uống có gas và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.

Đây là một trong những giải pháp để dự phòng thừa cân béo phì và rối loạn chuyển hóa cho trẻ tuổi học đường.

Hiện tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đang gia tăng rất mạnh ở các thành phố lớn, trong khi VN vẫn còn khoảng 24% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi và trên 14% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 6.

Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh phát biểu tại phiên đối thoại giữa hai ngành bảo hiểm xã hội và y tế sáng 19-10 về BHYT. Cuộc đối thoại có cả Bộ trưởng và hai thứ trưởng Bộ Y tế, phía Bảo hiểm có cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc - Ảnh: L.ANH

Hai ngành bảo hiểm và y tế tranh cãi không dứt xung quanh những yêu cầu của bảo hiểm

Mới nhất là hồi tháng 11-2017, Bảo hiểm xã hội VN yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải có quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật mới ký tiếp hợp đồng khám chữa bệnh.

Đại diện Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng Bảo hiểm lạm quyền, "dọa" sẽ đưa 3-4 văn bản Bảo hiểm ký trong năm 2016-2017 sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Còn Bảo hiểm lại cho là Bộ Y tế chậm trễ, đọc không kỹ văn bản…

Tuy nhiên, tạm thời Bảo hiểm đã tháo "ngòi nổ" bằng cách vẫn tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh chưa được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Cuộc chia tay hiếm có khi bác sĩ Nguyễn Anh Trí về hưu 

Hàng trăm bệnh nhân đã chờ kết thúc buổi chào cờ sáng thứ 2, 2-10 để chia tay một người đặc biệt: cựu Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư Nguyễn Anh Trí, ông Trí chính thức nghỉ hưu từ ngày 1-10. 

Là một người miền Trung, đồng nghiệp và bệnh nhân đánh giá ông Trí đã mang nhiều tính cách của 'người miền Trung" khi làm Viện trưởng.

Tuy nhiên trong khoảng 10 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư, ông Trí và các cộng sự đã làm thay đổi bệnh viện này với nhiều cải cách hiếm bệnh viện làm được, như: 

- Nâng số giường bệnh lên gấp 3 lần

- Đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu

- Thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ... 

Từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành huyết học truyền máu đặc biệt là ở khu vực miền Bắc, nâng tỷ lệ máu hiến tặng từ người tình nguyện lên chiếm đa số trong tổng số máu sử dụng trong điều trị cho người bệnh.

Buổi chia tay đặc biệt cảm động và có nhiều giọt nước mắt khi giáo sư Trí đã đến từng phòng ban chia tay cán bộ nhân viện.

Rời nhiệm sở, ông Trí có thời gian chuyên tâm làm nhiệm vụ của một đại biểu Quốc hội, trước đó trong kỳ bầu cử Quốc hội 2016 ông là người tự ứng cử duy nhất trúng cử.

Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 7.
Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 8.
Ghép tế bào gốc xuyên biên giới - sự kiện y tế đáng nhớ năm 2017 - Ảnh 9.
LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp