28/12/2018 07:42 GMT+7

Ghép phổi từ người hiến chết não - thành tựu y tế năm 2018

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Hiến/ghép tạng, chế văcxin, đấu thầu tập trung để giảm giá thuốc, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, khánh thành nhiều bệnh viện mới… là những điều ngành y tế khiến người dân ‘ưng bụng’ trong năm 2018.

Ghép phổi từ người hiến chết não - thành tựu y tế năm 2018 - Ảnh 1.

Anh T.N.H ở ngày thứ 16 sau ghép. Trước ca ghép anh mắc chứng phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối - Ảnh: BVCC

1. Lần đầu tiên Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não

Ca ghép được thực hiện hồi tháng 4-2018 cho một bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Nam Định tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.

Mặc dù người được ghép phổi đã qua đời sau đó khoảng hai tháng, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện ghép phổi từ người hiến tạng đã chết não. Trước đó, năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi từ người hiến còn sống.

Ca ghép này cũng là tiền đề để cách đây khoảng 2 tuần, lần đầu tiên ê kíp hoàn toàn là các bác sĩ Việt Nam thực hiện ghép phổi từ người hiến chết não.

Người hiến tạng trong ca ghép này là anh Dương Hồng Quý, 43 tuổi ở Ninh Bình. Anh Quý đã hiến tim, gan, hai lá phổi, hai quả thận để cứu năm người bệnh nặng trước khi qua đời, khiến cộng đồng xúc động về nghĩa cử của một người chồng, người cha trụ cột gia đình đã ra đi ở độ tuổi tráng niên và dành một phần thân thể của mình để cứu người.

Ghép phổi từ người hiến chết não - thành tựu y tế năm 2018 - Ảnh 2.

Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư Nguyễn Hữu Hoàng nhận giác mạc Hải An hiến tặng hôm 22-2. Đây là lần anh Hoàng xúc động nhất trong nhiều năm làm việc ở Ngân hàng Mắt - Ảnh: BVCC

2. Nhiều người đăng ký và hiến tặng mô tạng để cứu người

Năm 2018 là năm có số người đăng ký và hiến tặng mô tạng cứu người lớn nhất kể từ khi Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng được thành lập.

Khởi đầu là tháng 2-2018, bé Nguyễn Hải An, hơn 7 tuổi đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vì ung thư não thể hiếm gặp.

Câu chuyện của Hải An đã làm mọi người quan tâm đến việc đăng ký hiến tặng mô tạng, số người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời trong năm 2018 đã cao hơn tổng số người đăng ký trong bốn năm trước đó.

Năm 2018 cũng là năm có nhiều người đã hiến đa tạng để cứu người sau khi qua đời. Trong số này có thiếu tá Lê Hải Ninh ở Ninh Bình và Nguyễn Ngọc Khiêm ở Thái Bình hiến gan, tim, thận, phổi, hai giác mạc để cứu tám người và hai người có ánh sáng.

Ghép phổi từ người hiến chết não - thành tựu y tế năm 2018 - Ảnh 3.

Vắcxin MR do POLYVAC sản xuất - Ảnh: Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cung cấp

3. Việt Nam sản xuất văcxin cúm mùa "3 trong 1", văcxin sởi do Việt Nam sản xuất được trao giải thưởng quốc tế

Ngày 25-9-2018, Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế) công bố thử nghiệm thành công văcxin cúm mùa "3 trong 1" gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và văcxin cúm tiền đại dịch A/H5N1.

Đây là loại văcxin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí tiêm chủng ngừa cúm.

Nối tiếp thành công này, ngày 13-12-2018, dự án sản xuất văcxin sởi của Trung tâm nghiên cứu sản xuất văcxin và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện đã hoàn thiện quy trình sản xuất văcxin sởi, văcxin phối hợp sởi - rubella, đồng thời sản xuất thành công văcxin chất lượng cao đạt tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt- GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

4. Việt Nam loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết

Tại kỳ họp lần thứ 69 khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (tháng 10-2018), tổng giám đốc WHO tại Geneva, TS. Tedros Adhanom Dhebreyesus và Trưởng đại diện WHO khu vực Tây Thái Bình Dương TS. Shin Young-Soo đã trao chứng nhận công nhận Việt Nam loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết, nâng tổng số quốc gia đã công bố loại trừ bệnh này trong khu vực lên 11 nước.

Tại Việt Nam, bệnh giun chỉ bạch huyết đã được biết đến từ lâu và đã từng là một trong những bệnh gây tàn phế hàng đầu cho người mắc.

Bệnh do một số loại giun chỉ bạch huyết gây nên và được muỗi lây truyền.

Từ năm 2002, chương trình loại trừ giun chỉ bạch huyết tại Việt Nam đã được triển khai và thực hiện trên toàn quốc theo hướng dẫn của WHO.

Năm 2018, Bộ Y tế khẳng định Việt Nam đã loại trừ giun chỉ bạch huyết đạt tiêu chuẩn của WHO.

Ghép phổi từ người hiến chết não - thành tựu y tế năm 2018 - Ảnh 4.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

5. 100% các tỉnh, thành triển khai ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc

Tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã tham gia ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, nhằm giám sát việc bán thuốc theo đơn, chất lượng và giá thuốc.

Cho đến nay, hệ thống đã cấp tài khoản cho gần 15.200 cơ sở bán lẻ thuốc; đã có gần 2.800 cơ sở kết nối liên thông với cơ quan quản lý, chuẩn hóa được 55.000/ 60.000 danh mục thuốc y tế.

6. Cắt giảm trên 70% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và 98% các lô hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý không phải qua kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu

Tháng 11-2018, Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó: cắt giảm 1363/1871 điều kiện đầu tư kinh doanh (gần 73%), cắt giảm 169/234 thủ tục hành chính (trên 72%).

Tháng 2-2018, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó khoảng 98% các lô hàng thuộc 5 mặt hàng, 815 dòng hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Tổng ước tính sau khi cắt giảm điều điện kinh doanh, thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế  tiết kiệm hơn 8,5 triệu ngày công và trên 3.300 tỷ đồng/ năm (chưa tính các lợi ích khác từ cơ hội kinh doanh).

7. Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đàm phán giá thuốc, với 4 thuốc điều trị ung thư đang bị độc quyền, giá cao

Kết quả sau đàm phán, giá mua bốn thuốc này giảm 18% so với giá năm liền kề trước đó. Đây là bốn loại thuốc điều trị ung thư có số lượng sử dụng lớn, nhờ đàm phán giá thuốc, người dân và Quỹ Bảo hiểm sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng khi mua thuốc này trong kỳ điều trị sắp tới.

Khánh thành Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố - Video: QUANG ĐỊNH - HẠNH NGUYỄN

8. Khánh thành nhiều cơ sở y tế mới hiện đại

Năm 2018 là năm có nhiều cơ sở y tế mới, hiện đại được đưa vào sử dụng. Nổi bật trong số này là Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và toàn nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 ở Hà Nội.

Ngoài ra, Khu khám bệnh của hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức 2 tại tỉnh Hà Nam cũng được khánh thành. Mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, nhưng hai khu khám bệnh này cũng hứa hẹn sẽ "chia lửa" để giảm quá tải tại cơ sở 1 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nội.

9. Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt gần 88%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao

Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có trên 82 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt gần 88% dân số, vượt 2,3% so với chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao (theo quyết định số 1167 năm 2016, đến năm 2018 số người tham gia bảo hiểm  đạt 85,2% dân số). Như vậy, kết quả năm 2018 vượt chi tiêu Quốc hội giao.

Tiếng dương cầm xoa dịu nỗi đau ở bệnh viện trẻ thơ

TTO - Đều đặn hàng ngày, góc nhỏ ở sảnh Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (huyện Bình Chánh, TP.HCM) lại vang lên tiếng nhạc dương cầm bay bổng.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp