18/10/2024 12:30 GMT+7

Ghép được bộ gene gần như hoàn chỉnh của loài hổ đã tuyệt chủng

Với bước tiến này, các nhà khoa học hy vọng có thể hồi sinh các loài đã tuyệt chủng như voi ma mút, chim dodo...

Ghép được bộ gene gần như hoàn chỉnh của loài hổ đã tuyệt chủng - Ảnh 1.

Một con hổ Tasmanian, loài đã tuyệt chủng từ hàng chục năm nay - Ảnh: NFSA

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Melbourne (Úc) mới đây đã ghép được bộ gene từ một cái đầu của con hổ Tasmanian, hay còn gọi là thylacine, được bảo quản trong etanol trong hơn một thế kỷ, cung cấp bản thiết kế DNA đầy đủ có khả năng giúp hồi sinh loài đã tuyệt chủng này.

Theo trang IFLScience ngày 17-10, nhóm ước tính bộ gene mới ghép có độ chính xác trên 99,9%, khiến nó trở thành "bộ gene cổ xưa hoàn chỉnh và liền mạch nhất của bất kỳ loài nào tính đến nay". Chỉ còn 45 khoảng trống trong bản thiết kế DNA chứa khoảng 3 tỉ thông tin của loài vật đã tuyệt chủng này.

Dù khá thối rữa, mẫu vật chứa những vật liệu mà các nhà khoa học cho rằng không thể tìm thấy, bao gồm các phân tử RNA quan trọng để tái tạo lại bộ gene của thylacine. RNA kém ổn định hơn nhiều so với DNA. RNA thay đổi trong các loại mô khác nhau và chứa thông tin cần thiết để một mô hoạt động hiệu quả.

Điều này có nghĩa là nhờ lấy được RNA từ chiếc đầu của con thylacine, các nhà nghiên cứu có thể có được thông tin liên quan đến mắt, mũi, lưỡi và các bộ phận khác trên khuôn mặt nó. Từ đó giúp họ biết được con vật này đã nếm và ngửi những gì, thị lực ra sao và cách não bộ hoạt động.

Cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng không thể tái tạo lại toàn bộ bộ gene từ các mẫu vật lịch sử. Tuy nhiên, bộ gene mới ghép của con thylacine cho thấy "chúng ta hoàn toàn có thể có được một bộ gene phi thường từ các mẫu vật cũ", ông Andrew Pask, giáo sư về di truyền học và sinh học phát triển tại Đại học Melbourne (Úc), cho biết.

Hổ Tasmanian, hay thylacine, là loài thú có túi ăn thịt ở Úc, chính thức được tuyên bố tuyệt chủng vào những năm 1980 sau nhiều thập kỷ bị con người săn bắt. Có vẻ ngoài giống chó và có sọc trên lưng, cá thể cuối cùng được biết đến của loài này đã chết trong điều kiện nuôi nhốt vào năm 1936, theo báo Guardian.

Colossal, công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Mỹ, đã hợp tác cùng Đại học Melbourne trong nỗ lực hồi sinh loài thylacine. Công ty này cũng đang hướng tới mục tiêu tái tạo lại loài voi ma mút và chim dodo bằng các kỹ thuật di truyền.

Colossal nói họ cũng đã phát triển công nghệ sinh sản nhân tạo đầu tiên có khả năng kích thích rụng trứng ở động vật có túi, một bước tiến có thể hỗ trợ chương trình nhân giống nuôi nhốt các loài đang bị đe dọa, cũng như thụ tinh phôi đơn bào và nuôi cấy chúng hơn một nửa thời gian mang thai trong tử cung nhân tạo.

Ông Pask mong đợi một "con vật trông giống thylacine" đầu tiên sẽ ra đời trong khoảng 3 - 5 năm tới nhờ công nghệ nói trên. Tuy nhiên, ông Pask sẽ không gọi nó là thylacine và cho rằng vẫn còn nhiều thứ phải làm để hiểu hơn về loài thú có túi này.

Ghép được bộ gene gần như hoàn chỉnh của loài hổ đã tuyệt chủng - Ảnh 2.Các nhà khoa học Nhật Bản lo ngại ốc sên tuyệt chủng

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà khoa học Nhật Bản vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng ngày càng ít ốc sên xuất hiện vào mùa mưa ở nước này khi diện tích các khu vực khô hạn và đô thị tăng lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp