09/08/2023 19:02 GMT+7

Ghé những điểm du lịch thú vị, hóng gió sông Sài Gòn

Du ngoạn trên sông Sài Gòn, bạn có thể ghé thăm nhiều điểm tham quan, vừa ngoạn cảnh hai bên bờ sông, vừa thưởng thức ẩm thực lại tận hưởng làn gió sông mát rượi.

Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận 1) bên sông Sài Gòn

Công trình mang ý nghĩa lịch sử, một trong những biểu tượng của thành phố mang tên Bác - Ảnh: TỰ TRUNG

Công trình mang ý nghĩa lịch sử, một trong những biểu tượng của thành phố mang tên Bác - Ảnh: TỰ TRUNG

Là một công trình mang giá trị lịch sử, Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến tọa lạc ngay trung tâm thành phố mang tên Bác, hướng thẳng ra vị trí đẹp nhất của sông Sài Gòn. Chính tại bến cảng này, ngày 5-6-1911, chàng trai Nguyễn Ái Quốc rời Việt Nam sang Pháp, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.

Ngoài việc ngắm nhìn công trình kiến trúc mang vẻ đẹp Á - Âu kết hợp hài hòa, bảo tàng còn là hành trình ngược dòng lịch sử để du khách tìm hiểu trọn vẹn về cuộc đời của một vị lãnh tụ đáng kính. Nơi này có 9 phòng trưng bày với nhiều bức ảnh và hiện vật gắn liền với các giai đoạn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công viên và ga tàu thủy Bạch Đằng (quận 1)

Xuôi dòng một đoạn không xa, công viên và ga tàu thủy Bạch Đằng luôn nhộn nhịp khách mua vé tàu thủy để tham quan du lịch trên sông. Chính từ bến tàu này, hành trình khám phá trung tâm thành phố bắt đầu tại quận 1.

Công viên Bạch Đằng với thảm cỏ xanh, ánh đèn lung linh thu hút khách du lịch đi dạo, vui chơi, chụp ảnh ở bờ sông hoặc picnic cho cả gia đình vào dịp cuối tuần - Ảnh: MINH HUYỀN

Công viên Bạch Đằng với thảm cỏ xanh, ánh đèn lung linh thu hút khách du lịch đi dạo, vui chơi, chụp ảnh ở bờ sông hoặc picnic cho cả gia đình vào dịp cuối tuần - Ảnh: MINH HUYỀN

Ủy ban nhân dân quận 1 hướng ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và sông Sài Gòn - Ảnh: MINH HUYỀN

Ủy ban nhân dân quận 1 hướng ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và sông Sài Gòn - Ảnh: MINH HUYỀN

Quận 1 có rất nhiều điểm tham quan mang giá trị biểu tượng, như dinh Độc Lập, Bưu điện trung tâm, nhà thờ Đức Bà, Thảo cầm viên, chợ Bến Thành, Ủy ban nhân dân quận 1, Nhà hát thành phố và Bảo tàng Mỹ thuật…

Nhiều trung tâm thương mại đông đúc phải kể đến Vincom Đồng Khởi, Saigon Center, tòa nhà Bitexco và phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn sôi động với các quán cà phê, nhà hàng, cửa hiệu thời trang, mỹ phẩm và phòng triển lãm nghệ thuật.

Cầu Ba Son (Thủ Đức)

Đây chính là điểm hóng gió và ngắm nhìn thành phố lên đèn đẹp lung linh, hiện đại và năng động - Ảnh: MINH KHANG

Đây chính là điểm hóng gió và ngắm nhìn thành phố lên đèn đẹp lung linh, hiện đại và năng động - Ảnh: MINH KHANG

Nối liền trung tâm quận 1 và thành phố Thủ Đức, cầu Ba Son là công trình mới khánh thành cuối tháng 4-2022. Ngoài tạo ra sự thuận lợi trong giao thông, cây cầu còn dần trở thành một biểu tượng tuyệt đẹp làm thay đổi diện mạo của thành phố.

Cầu Ba Son có lối dành riêng cho người đi bộ. Ai lên cầu cũng mong muốn có một bức ảnh thật đẹp làm kỷ niệm.

Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Pháp Hoa, chùa Chantarangsay (quận 3)

Chùa Vĩnh Nghiêm rực rỡ trong những ngày lễ lớn - Ảnh: MINH HUYỀN

Chùa Vĩnh Nghiêm rực rỡ trong những ngày lễ lớn - Ảnh: MINH HUYỀN

Đây là ba ngôi chùa rất đẹp ở quận 3 và có một mặt hướng ra kênh Nhiêu Lộc. Những ngày rằm, ngày lễ lớn của Phật giáo, cả ba ngôi chùa đều đẹp lung linh trong ánh đèn hoa đăng và thu hút đông đảo người dân địa phương tới thành tâm bái Phật.

Bên cạnh Việt Nam Quốc tự, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng năm 1964 cũng là một trong những nơi thường diễn ra những sự kiện quan trọng của Phật giáo tại TP.HCM. Ngôi chùa trang nghiêm, thanh tịnh giữa lòng thành phố vừa là điểm tựa tâm linh của người dân, vừa là điểm tham quan nằm trong bản đồ của du khách trong lẫn ngoài nước.

Ngôi chùa Chantarangsay rực sáng trong ánh vàng kim và kiến trúc độc đáo được chạm khắc tinh xảo tới từng chi tiết - Ảnh: MINH HUYỀN

Ngôi chùa Chantarangsay rực sáng trong ánh vàng kim và kiến trúc độc đáo được chạm khắc tinh xảo tới từng chi tiết - Ảnh: MINH HUYỀN

Chantarangsay là ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Sài Gòn. Nằm ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ngôi chùa rực rỡ trong ánh vàng kim với nhiều ngọn tháp nhỏ được chạm khắc tinh xảo này được xây dựng từ năm 1946.

Không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, ngôi chùa còn là nơi gìn giữ văn hóa và là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư Khmer ở TP.HCM.

Nếu có một nơi thả đèn hoa đăng đẹp và lung linh nhất, người Sài Gòn sẽ nghĩ ngay đến chùa Pháp Hoa. Nằm ngay bên kênh Nhiêu Lộc, ngôi chùa được thành lập năm 1928 và được trùng tu nhiều lần để có được vẻ đẹp thanh tịnh, hiền hòa bên dòng kênh. Vào những ngày lễ lớn, ngôi chùa tỏa sáng trong dải đèn lồng treo dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, thu hút ánh nhìn của bất kỳ ai đi ngang qua.

Cầu Khánh Hội - phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4)

Những món ăn đặc sắc của TP.HCM đều có thể tìm thấy ở đây, đặc biệt là ốc - Ảnh: MINH HUYỀN

Những món ăn đặc sắc của TP.HCM đều có thể tìm thấy ở đây, đặc biệt là ốc - Ảnh: MINH HUYỀN

Sầm uất, nhộn nhịp mang phong cách đường phố của người Sài Gòn phải kể đến khu ẩm thực Vĩnh Khánh. Nơi này được quy hoạch thành khu phố ẩm thực với một loạt quán ăn sôi động từ hải sản, lẩu, nướng cho đến các món ăn vặt được giới trẻ yêu thích.

Giáo xứ Fatima Bình Triệu (Thủ Đức)

Fatima Bình Triệu là một nhà thờ xinh đẹp, duyên dáng nằm ở ven sông Sài Gòn - Ảnh: VÕ LINH

Fatima Bình Triệu là một nhà thờ xinh đẹp, duyên dáng nằm ở ven sông Sài Gòn - Ảnh: VÕ LINH

Mang đậm phong cách Gothic, nhà thờ Công giáo xinh đẹp này còn tọa lạc ở vị trí bờ sông thơ mộng, nhìn ra xa là cầu Bình Triệu rực rỡ. Vào các dịp lễ lớn, nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, sáng cả một góc bờ sông.

Làng du lịch Thanh Đa, Bình Quới (Bình Thạnh)

Khung cảnh sông nước lãng mạn tại các khu du lịch, nhà hàng tại Bình Quới, Thanh Đa - Ảnh: MINH HUYỀN

Khung cảnh sông nước lãng mạn tại các khu du lịch, nhà hàng tại Bình Quới, Thanh Đa - Ảnh: MINH HUYỀN

Một trong những điểm đến cuối tuần được các gia đình, hội nhóm yêu thích nhất phải kể đến các làng du lịch Thanh Đa, Bình Quới.

Tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn, gió sông mát rượi, ánh nắng chan hòa, thảm cỏ xanh tươi, người dân thường tổ chức tiệc gia đình, đầy tháng, sinh nhật, hội thao công ty với các hoạt động cắm trại, thưởng thức ẩm thực sông nước, chèo thuyền, chơi các môn thể thao, đi dạo hoặc câu cá… tận hưởng sự yên bình, dân dã trong những ngày cuối tuần.

Nhiều mảng xanh lớn tạo không gian miệt vườn ở bán đảo Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh: MINH HUYỀN

Nhiều mảng xanh lớn tạo không gian miệt vườn ở bán đảo Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn - Ảnh: MINH HUYỀN

Bảo tàng nghệ thuật Quang San (Thủ Đức)

Bảo tàng này nằm ở bờ sông Sài Gòn, trong khu Thảo Điền sầm uất - Ảnh: Quangsanartmuseum

Bảo tàng này nằm ở bờ sông Sài Gòn, trong khu Thảo Điền sầm uất - Ảnh: Quangsanartmuseum

Không gian triển lãm này giúp bạn có một phút tĩnh lặng để đắm mình vào hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn và thẩm mỹ. Bảo tàng nghệ thuật Quang San cũng liên tục ra mắt các buổi triển lãm với nhiều chủ đề để tôn vinh tài hoa của các nghệ sĩ và tạo ra không gian trò chuyện chuyên sâu cho những tâm hồn đồng điệu.

Thưởng thức tranh xong, bạn có thể ghé vào các quán xá tấp nập để thưởng thức ẩm thực từ nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Ấn, Hàn, Trung, Thái, Nhật… và tận hưởng gió sông.

Miếu nổi Phù Châu (Gò Vấp)

Bốn bề sông nước vây quanh miếu nổi Phù Châu - Ảnh: T.T.D

Bốn bề sông nước vây quanh miếu nổi Phù Châu - Ảnh: T.T.D

Suốt 300 năm ngự giữa dòng Vàm Thuật, bốn bề sông nước vây quanh, miếu nổi Phù Châu được bao bọc trong nhiều câu chuyện tương truyền bí ẩn đến nay vẫn được nhắc lại. Người ta truyền tai nhau về sự linh thiêng, cầu được ước thấy tại ngôi miếu này, vì thế mà du khách khắp nơi mách nhau về chiêm bái, cầu xin an lành.

Người dân rủ nhau tới miếu chiêm bái, cầu xin an lành - Ảnh: T.T.D

Người dân rủ nhau tới miếu chiêm bái, cầu xin an lành - Ảnh: T.T.D

Miếu nổi là ngôi miếu nhỏ có kiến trúc khá độc đáo. Mái ngói tráng men xanh ngọc có bộ tứ linh. Khuôn viên có ba tòa nhà nối liền nhau, trên nóc có tượng rồng chầu ngọc, chầu tháp Cửu phẩm, chầu cuốn thư và ấp sen tinh tế. Bên cạnh thờ Phật, miếu còn thờ nhiều thánh mẫu linh thiêng, trong đó có Bà Thủy. Đây là điểm đặc trưng trong văn hóa tâm linh của người dân Nam Bộ.

Bến Bình Đông (quận 8)

Mỗi mùa xuân về, bến Bình Đông ngập tràn hoa mai, vàng rực một đoạn sông dài, họp thành chợ hoa - Ảnh: VÕ LINH

Mỗi mùa xuân về, bến Bình Đông ngập tràn hoa mai, vàng rực một đoạn sông dài, họp thành chợ hoa - Ảnh: VÕ LINH

Không đâu rực rỡ và tươi vui như bến Bình Đông mỗi sáng sớm, các tàu bè chở đầy hoa trái ngọt ở các tỉnh tập trung về TP.HCM buôn bán, giao thương tấp nập, đặc biệt là dịp cận Tết Nguyên đán.

Cuộc sống đời thường miền sông nước Nam Bộ được tái hiện một phần ở bến Bình Đông. Đó cũng là lý do khách du lịch trong nước và quốc tế rất hiếu kỳ, muốn đến tìm hiểu về nơi này.

Còn rất nhiều điểm đến khác đang ẩn mình hai bên bờ sông Sài Gòn. Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những trải nghiệm du lịch của bạn bằng đường sông về địa chỉ email [email protected].

Đến năm 2025, khai thác du lịch trên tất cả tuyến sông Sài GònĐến năm 2025, khai thác du lịch trên tất cả tuyến sông Sài Gòn

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp