Geovane gia nhập CLB Hà Nội - Ảnh: CLB Hà Nội
Vì sao Geovane rời CLB Sài Gòn?
Câu hỏi này mỗi người biết chút thông tin sẽ giải đáp theo một cách riêng. Những ai đứng về phía CLB Sài Gòn có cái lý rất chắc để biện minh. Họ cho rằng mức đề nghị mình đưa ra không đáp ứng được yêu cầu của cầu thủ người Brazil trong khi CLB khác đưa ra đề nghị hấp dẫn hơn.
Geovane rời CLB Sài Gòn: Chuyện bình thường
Và nếu chúng ta so sánh con số lương 8.000 USD mà Geovane nhận được ở CLB Sài Gòn với mức lương 20.000 USD mà phía CLB Hà Nội sẵn sàng trả, chúng ta thừa hiểu quyết định ra đi là đúng. Tất nhiên, con số này còn kiểm chứng nhưng chắc chắn, với một chênh lệch lớn đến mức đó, chuyện một người chuyển đổi công việc cũng là bình thường.
Nhưng cũng có người lý giải theo cách khác. Đồng ý là có một mức đề xuất chênh lệch quá lớn nhưng trước đó, chuyện tranh giành giữa CLB Sài Gòn với một nhà môi giới đã đưa Geovane sang Việt Nam và đến với Sài Gòn đã ầm ĩ quá nhiều.
Thậm chí, phía Sài Gòn FC còn tố cáo nhà môi giới kia với cơ quan công quyền. Và chỉ khi có công văn của cơ quan này minh định, danh dự của nhà môi giới mới được trả lại, dù gia đình anh ta đã phải chịu quá nhiều xáo trộn từ sức ép dư luận bên ngoài.
Với mối quan hệ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ấy, chuyện Geovane sẽ rời đội sau mùa bóng cũng đã được đồn đoán bởi vài người thạo tin. Nhưng khi nó xảy ra, và với công bố chính thức về chuyện anh sẽ khoác áo CLB Hà Nội mùa tới, tất cả các tranh cãi mới ồn ào hơn nhiều lần.
Thực tế, việc CLB Hà Nội có được Geovane là một nước cờ khôn ngoan về chuyên môn. Trình độ của Geovane đủ để Hà Nội nuôi tham vọng ở đấu trường châu lục mùa tới và cũng giữ cho họ sức mạnh cạnh tranh rất lớn ở V League.
Nhưng còn vẫn đề ngoài chuyên môn, mà cụ thể ở đây là chuyện lương. Có vẻ như hợp đồng ấy sẽ mang lại rủi ro nhiều hơn cho Hà Nội FC trừ phi họ có những thay đổi mang tính toàn diện về chế độ đãi ngộ chung của toàn đội bóng.
Giới thạo tin, thạo nghề môi giới đều đánh giá nếu nhận lương 20 ngàn USD/ tháng, phí lót tay Geovane nhận được từ CLB Hà Nội có thể dao động từ 100-200 ngàn USD. Mức phí lót tay này không phải là quá lớn so với V- League suốt nhiều năm qua. Nhưng mức lương thì lại là vấn đề rất lớn. Thậm chí nó hoàn toàn có thể là một ngòi nổ ngầm.
Geovane đã có mùa bóng xuất sắc trong màu áo CLB Sài Gòn - Ảnh: NAM KHÁNH
CLB Hà Nội: đánh cược với mức lương của Geovane
Chúng ta không thể phủ nhận đóng góp của các ngoại binh cho các CLB V-League trong quá trình tranh đấu ngôi thứ (với các đội mạnh) và giành giật trụ hạng (với các đội nhóm dưới).
Việc có chuyên môn tốt, có thể hình, thể lực, thể chất, tốc độ tốt hơn rõ ràng là điểm tựa để các cầu thủ ngoại nhận lương nhiều hơn.
Nhưng không phải chỉ dựa vào ngoại binh mà các CLB V-League có thể tồn sinh được trong giải đấu lắm chiêu, nhiều trò này. Lực lượng cầu thủ Việt cũng đóng góp rất lớn, nếu không nói là lớn hơn nhiều.
Nói thẳng, các trận khán giả phải mua vé chợ đen đến sân ở V League không nhiều. Nhưng gần như toàn bộ các trận ấy là những cuộc đối đầu của những ngôi sao Việt có tầm ảnh hưởng nhất với nền bóng đá nước nhà trong thời đoạn này.
Thậm chí, nhiều cầu thủ Việt có thương hiệu cá nhân rất lớn và đủ sức giúp đẩy mạnh cả thương hiệu CLB. Đó là nói về hình ảnh và tầm ảnh hưởng công chúng. Mà tầm ảnh hưởng công chúng của cầu thủ bóng đá đa phần được xây dựng từ chính năng lực anh ta thể hiện trong màu áo các cấp đội tuyển quốc gia.
Và nếu nói về chuyên môn, nhiều cầu thủ nội có những khoảnh khắc tỏa sáng để tạo bước ngoặt cho CLB của mình ở nhiều trận then chốt tại V League. Vậy mà họ lại chỉ được nhận những đãi ngộ rất "bèo" so với các cầu thủ ngoại là đồng đội của mình.
Lương cao nhất V-League của các cầu thủ nội hiện nay hiện thuộc về một hậu vệ, với mức 50 triệu/ tháng. Còn lương thấp nhất mà một tuyển thủ quốc gia Việt Nam nhận được từ CLB là 25 triệu đồng/ tháng.
So sánh mức cao nhất kia với con số 8 ngàn USD mà Geovane nhận được ở Sài Gòn FC thôi, chúng ta đã cảm thấy nực cười thế nào rồi? Chẳng lẽ các ông chủ CLB Việt Nam vốn rất mạnh miệng, làm ăn rộng khắp với đối tác nhiều quốc tịch lại "sợ Tây" đến thế trong bóng đá sao?
Tất nhiên, sẽ có người nói rằng cầu thủ Việt Nam nhận lót tay rất cao. Điển hình là cầu thủ hậu vệ lương 50 triệu kể trên.
Anh ta đã nhận lót tay 9 tỉ đồng khi mới ký hợp đồng đầu quân cho CLB hiện thời của mình. Nhận định về chuyện lót tay khủng nên lương không cao hoàn toàn rất hợp lý ở hoàn cảnh này.
Với Geovane và lực lượng đang có, CLB Hà Nội sẽ tiếp tục là thế lực đáng sợ ở V-League 2020 - Ảnh: NAM KHÁNH
Nếu đề xuất một cầu thủ lựa chọn giữa nhận lót tay 9 tỉ, lương 50 triệu/ tháng với nhận lót tay chỉ 3 tỉ và lương 220 triệu/ tháng (hai lựa chọn xấp xỉ nhau) cho một hợp đồng 3 năm, chắc chắn khả năng cầu thủ chọn phương án thứ nhất. Nhận tiền trước ai mà chả thích. Chứ nhận tiền sau, nhỡ đá được 2 năm CLB lại giải thể thì lên trời mà đòi chắc?
Song, nói đến cái hợp lý ấy thì cũng phải nhìn vào lót tay mà cầu thủ ngoại nhận được. Thực sự, cầu thủ ngoại nhận lót tay không thua kém cầu thủ nội là bao. Rõ ràng, đây là một bất tương xứng đang tồn tại trong bóng đá Việt Nam mà thủ phạm tạo nó thành một tập quán chính là các CLB.
Chúng ta cũng có mở cửa, đóng cửa thị trường chuyển nhượng như ai. Nhưng thực chất bao nhiêu năm tồn tại, số hợp đồng CLB này mua cầu thủ của một CLB khác là cực hiếm.
Phần lớn toàn chờ đợi khi cầu thủ hết hạn hợp đồng với CLB chủ quản thì CLB mới nhảy vào đàm phán với một mức lót tay hấp dẫn hơn. Thị trường không có, bảo sao cái nhìn của bóng đá Việt Nam nó ngắn hạn và ăn xổi ở thì đến vậy.
Những chuyện cũ ở V-League
Nói chung, cái chuyện lương bổng này, chuyện một thị trường chuyển nhượng méo mó này nó là câu chuyện rất cũ ở V League rồi. Nó tồn tại dai dẳng vì đó chính là sự lựa chọn của cả các ông bầu lẫn các cầu thủ. Lựa chọn ấy chắc chắn là tự nguyện và đã tự nguyện thì chẳng nên kêu ca.
Nhưng ta không thể phủ nhận có những áp lực khác trong các cuộc thương thảo, nơi mà cầu thủ luôn sắm vai kẻ yếu thế hơn ông bầu. Ngay cả quy định cầu thủ phải cống hiến cho CLB đào tạo mình tới 25 tuổi (thậm chí có CLB còn đòi tới 28 tuổi) đã là quá lố bịch so với thông lệ trên thế giới rồi.
Và bây giờ, chúng ta quay lại với một chuyện cũ hơn. Chênh lệch lương quá cao trong một CLB dễ dẫn đến hệ lụy lắm. Cầu thủ vẫn hay rỉ tai nhau cái câu đùa "Tiền nhiều thì ít bóng" đó thôi. Lương cao "vọt xà" so với đồng đội thì sẽ không có đồng đội. Không có đồng đội thì khả năng có một tập thể mạnh là ít đi rất nhiều.
Bây giờ, nghề trung gian cầu thủ đang rất thịnh hành. Chỉ hi vọng lực lượng trung gian ấy đủ sức mạnh để tạo những áp lực dần dần với các CLB chủ quản để cầu thủ Việt có đãi ngộ tương xứng. Có như thế, họ mới chuyên tâm chơi bóng được. Nhược bằng không, đang đá chỗ này vẫn ngong ngóng chỗ nọ là chuyện bình thường.
Còn các ông bầu nếu máu thực sự, mê một cầu thủ nào đó thực sự thì cũng nên chơi quân tử với nhau. Gửi một đề nghị mua là chuyện nên làm chứ không phải rắc thính để "bắn tỉa" đội bạn bằng những món lót tay cao ngất ngưởng để thị trường chuyển nhượng V League trở thành nơi doanh thu bán cầu thủ gần như bằng 0 mà tiền lót tay mới được coi là thứ để định giá một con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận