TS Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực của trí thức, kiều bào Việt Nam hỗ trợ cho khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo” ngày 16-7-2021 - Ảnh: Bộ Khoa học và công nghệ
Chứng kiến sự phát triển thần tốc của công nghệ giải mã gene trong chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, TS Cao Anh Tuấn - doanh nhân người Việt ở Mỹ - nuôi chí gây dựng doanh nghiệp trong lĩnh vực này tập trung vào giải mã hệ gene của người châu Á, nhất là người Việt.
Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2018, nhưng 4 năm phát triển của một doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát triển công nghệ giải mã gene như Công ty Genetica đã là một chặng đường dài.
Tháng 3-2021, Genetica được rót 2,5 triệu USD từ vòng gọi vốn pre-Series A sau khi có được hơn 10.000 người dùng trong 12 tháng đầu tiên giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Kiểu gene châu Á tương thích với vắc xin ngừa COVID-19
Quan sát hành trình phát triển của ngành công nghệ giải mã gene ở Mỹ từ giai đoạn giới hạn cho tới mở rộng, từ 4.000 USD/lần cho tới khi trở thành bộ kit giá vài chục USD, TS Cao Anh Tuấn tin sẽ tới một ngày châu Á và Việt Nam cũng có một thị trường tương tự.
Tuy nhiên, ngay những ngày đầu tiên mày mò nghiên cứu, ông Tuấn đã nhận thấy có những khác biệt rõ ràng trong hệ gene của người phương Tây và người châu Á. Do đó, bất kể việc nở rộ của công nghệ này, việc ứng dụng với người châu Á, cụ thể là người Việt, sẽ không thể cho hiệu quả tối ưu.
“Khoảng trống” châu Á chính là nơi Genetica tập trung nguồn lực giải quyết. Sản phẩm nổi bật nhất là gói giải mã gene “Hiểu hệ miễn dịch G-Immunity” - giúp trả lời ba câu hỏi lớn liên quan nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp:
Thứ nhất, nguy cơ mắc các bệnh cúm mùa như thế nào?
Thứ hai, nguy cơ mắc các bệnh do các virus cùng họ với SARS-CoV-2 (họ virus corona) và các loại cúm A (H5N1, H1N1) ra sao?
Thứ ba, nếu lỡ mắc các bệnh này rồi thì nguy cơ biến chứng nặng sẽ ra sao?
Với nền tảng dữ liệu lớn trong phát triển gói giải mã gene G-Immunity, khi dịch COVID-19 xảy ra, không ngạc nhiên khi chỉ trong vòng 6 tháng, Genetica đã bổ sung thêm phần dự báo nguy cơ liên quan SARS-CoV-2.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về các dự án nghiên cứu của Genetica, ông Tuấn cho biết tới lúc này công ty đã và đang nghiên cứu các vấn đề liên quan tới dịch bệnh COVID-19.
Trước hết, dựa trên hàng chục nghìn người Việt Nam đã xét nghiệm gene, hệ thống máy học của Genetica đã tính toán được các dự báo về nguy cơ nhiễm COVID-19 dẫn đến biến chứng Suy hô hấp cấp tính (ARDS) là cao hay thấp của một người.
Song song đó, Genetica đang hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để tìm hiểu: liệu hệ gene của người Việt có chứa đặc điểm riêng biệt nào không, mà cho tới nay tỉ lệ số ca mắc COVID-19 bị biến chứng nặng hay tử vong ở Việt Nam thuộc nhóm thấp hơn cả trên toàn thế giới.
Và trong tương lai, một trong những dự án sẽ triển khai là đánh giá sự tương thích và cho kết quả tối ưu giữa từng kiểu gene với các vắc xin ngừa COVID-19.
Một thế giới - Một tiêu chuẩn
Ngoài trụ sở chính và phòng lab lớn nhất tại San Francisco (Mỹ), Genetica đang mở rộng hợp tác với các phòng lab đạt tiêu chuẩn tại Đông Nam Á, kế hoạch trước mắt là tập trung vào Singapore và Việt Nam.
Các phòng lab thuộc hệ thống của Genetica phải thỏa mãn các chứng chỉ CLIA, CAP - là những chứng chỉ nghiêm ngặt bậc nhất tại Mỹ về tiêu chuẩn của phòng xét nghiệm gene.
Họ cũng hợp tác với hai tổ chức giải mã gene hàng đầu thế giới là Illumina và Thermo Fisher để tạo ra chip giải mã đa gene dành cho người châu Á được Illumina công nhận về độ chính xác hơn 99,99%.
Phát biểu tại hội thảo “Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài”, lãnh đạo Genetica tự hào khẳng định phòng lab sắp tới tại Việt Nam của họ đạt tiêu chuẩn CLIA đầu tiên trong nước và là một trong số ít phòng lab đạt tiêu chuẩn này tại Đông Nam Á.
Hiện tại chỉ có hai phòng lab đạt tiêu chuẩn CLIA trong khu vực Đông Nam Á, lần lượt đặt tại Singapore và Malaysia.
Tiêu chuẩn CLIA ở đây không chỉ là về máy móc, công nghệ, nhân lực, mà bao gồm cả những nguyên tắc nghiêm ngặt về điều kiện cung cấp dịch vụ. Trong đó đáng chú ý là tiêu chuẩn bảo mật HIPAA về quyền riêng tư với dữ liệu khách hàng.
“Khẩu hiệu của công ty là người dùng của Genetica dù ở bất cứ đâu cũng có cùng một trải nghiệm”, ông Tuấn khẳng định. “Chúng tôi không muốn có những cái gọi là “linh hoạt” vì không muốn tạo điều kiện nảy sinh những “cửa sau” để lách hay hạ mức tiêu chuẩn chất lượng vì bất cứ lý do gì”, ông nói thêm.
Hiện tại Genetica có thể phân tích giải mã gene cho người châu Á để hỗ trợ việc lập kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, cá nhân hóa kế hoạch dinh dưỡng, tập luyện cũng như phòng ngừa những căn bệnh tiềm ẩn, trong đó có 18 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và châu Á.
Ông Cao Anh Tuấn là tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại ĐH Cornell, đồng sáng lập và tổng giám đốc (CEO) của Genetica. Ông phụ trách công nghệ máy học độc quyền cho công ty.
Trước khi thành lập Genetica, ông Tuấn là nhà khoa học nghiên cứu chính tại Công ty phần mềm Datometry (San Francisco, Mỹ), xây dựng nền tảng ảo hóa cơ sở dữ liệu đầu tiên của ngành, giúp định hình cảnh quan cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu thế giới.
Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí kỹ thuật cấp cao tại Google USA về mảng dữ liệu lớn (Big Data) và AI.
Thương hiệu Việt về giải mã gene
TS Cao Anh Tuấn nhớ mãi lần ở Singapore, khi có người hỏi ông “Vì sao chỉ thấy người Việt Nam sang Singapore khám chữa bệnh mà không phải ngược lại?”.
Việc mở phòng lab tại Việt Nam của Genetica và áp dụng chính sách “mưa dầm thấm lâu” để thuyết phục khách hàng về chất lượng tương đương với Mỹ, Singapore là những bước đi cụ thể để công ty này xây dựng thương hiệu Việt trong lĩnh vực của mình.
“Chất lượng dịch vụ là như nhau giữa các phòng lab, nhưng nếu gửi mẫu tới phòng lab Việt Nam thì sẽ tiết kiệm thời gian và giảm chi phí đến 30%”, ông Tuấn cho biết.
Mục tiêu mong muốn của Genetica là tới năm 2022, khoảng 50% số mẫu gene của khách hàng Đông Á sẽ được xử lý ở phòng lab chuẩn CLIA lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam. Genetica đã được cấp phép triển khai dịch vụ tại 10 quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận