Trong MV Để Mị nói cho mà nghe, do ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện gây sốt mạng xã hội vào năm 2019, ngoài điệu nhạc sôi động, trang phục dân tộc bắt mắt, sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật văn học..., người ta còn chú ý đến tiếng sáo réo rắt vừa vui nhộn vừa quyến rũ phủ khắp ca khúc.
Đinh Nhật Minh: Xóa bỏ định kiến âm nhạc dân tộc là cũ kỹ
Đó là tiếng sáo của tài năng trẻ Đinh Nhật Minh, người vừa nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2022.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống ba đời theo đuổi âm nhạc dân tộc, Minh là con của cặp đôi nghệ sĩ Đinh Linh - Tuyết Mai và là cháu nội của nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn.
Năm 2008 khi mới 12 tuổi, Minh được chọn sang Trung Quốc học 6 năm về nhạc. Về nước, anh tiếp tục học đại học tại Nhạc viện TP.HCM, liên tiếp đoạt huy chương vàng trong các kỳ liên hoan nhạc cụ âm nhạc dân tộc toàn quốc.
Ai quen với hình ảnh Minh đĩnh đạc trong trang phục khăn đóng áo dài ở các chương trình lễ lạt sẽ có lúc suýt... ngã ngửa khi bắt gặp anh với cái đầu nhuộm vàng, đeo khuyên tai, mặc trang phục rất trẻ trung và thổi sáo, nhún nhảy trên nền nhạc EDM.
Thời điểm Đinh Nhật Minh vừa từ Trung Quốc về, anh nhận show biểu diễn các nhà hàng để có tiền đóng học phí. Mỗi show anh thổi sáo suốt 2 tiếng mà chỉ nhận được 100.000 - 120.000 đồng/show.
Nhật Minh thật sự sốc vì cảm thấy những giai điệu dân tộc mình trân trọng, nâng niu lại không được đánh giá cao. Vậy là anh quyết tâm có "cuộc cách mạng" để xóa bỏ định kiến âm nhạc dân tộc là cũ kỹ, buồn ngủ. Anh thay đổi diện mạo trẻ trung bên ngoài, anh tham gia các gameshow để giới thiệu bản thân. Và anh cũng tính toán cho sự thay đổi về âm nhạc.
Làn điệu anh giữ nguyên nhưng thay đổi nền nhạc. Ví dụ bài Bèo dạt mây trôi với phần đệm pop hoặc ballad sẽ rất lạ lẫm và "dễ nghe", dễ thu hút với người trẻ.
Đoàn Minh Tài: Phá cách để mới mẻ
Trong khoa âm nhạc truyền thống của Nhạc viện thành phố, người ta còn bắt gặp Đoàn Minh Tài - cậu bé nhiều năm trước là học trò của ca sĩ Cẩm Ly trong chương trình The Voice Kids.
Giờ Tài đã là sinh viên năm nhất, chuyên về đàn bầu. Anh cho biết sau cuộc thi, nhạc sĩ Minh Vy (chồng ca sĩ Cẩm Ly) đã khuyên anh đi học một loại nhạc cụ để hiểu hơn cái hay cái đẹp của âm nhạc dân tộc. Nghe lời thầy, Tài chọn học đàn bầu "cho biết" và chưa hết một năm, anh đã bị đàn bầu làm cho mê mệt.
Còn đang học, Tài đã kịp xây dựng cho mình hình ảnh một chàng trai vừa chơi đàn vừa hát. Vốn đã bước vào làng nhạc từ rất sớm nên Tài thường xuyên được cô chú, anh chị trong nghề rủ rê theo các show diễn như chương trình "Tự tình quê hương" và một số minishow tại phòng trà của ca sĩ Cẩm Ly, live show ca sĩ hải ngoại Như Quỳnh.
Chưa hết, chàng trai năng động này còn cùng nhóm sáu bạn từ Nhạc viện thành phố thành lập nhóm Sài Gòn ơi (chơi các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, sáo, bầu, nhị, tỳ bà...) đi diễn show lẻ và được khá nhiều công ty ưng ý mời các show sự kiện lớn. Sài Gòn ơi của Minh Tài thường xuyên chơi những bài nhạc trẻ như See tình, Sài Gòn đẹp lắm, Chạy về khóc với anh...
Minh Tài chia sẻ: "Thầy cô trong nhạc viện rất ủng hộ chúng tôi có những phá cách để âm nhạc dân tộc mới mẻ, thu hút khán giả trẻ. Chỉ cần khán giả thích thì một ngày nào đó mình có thể mời họ đến những chương trình âm nhạc chuyên sâu hơn, thuần tiếng đàn dân tộc và lúc đó họ sẽ dần nhận ra vẻ đẹp rất riêng của âm nhạc dân tộc Việt Nam".
Nguyệt Thu, Quỳnh Lê mời gọi thêm khán giả trẻ
Cùng học đàn bầu năm nhất như Tài tại Nhạc viện thành phố là Nguyệt Thu - cô bé năm nào là quán quân chương trình Người hùng tí hon. Thời điểm đó, Thu gây chú ý khi vừa đàn vừa hát nhạc mang âm hưởng dân ca.
Giờ vào nhạc viện, Thu không chỉ học đàn bầu mà còn học đàn tranh, nhị, đàn nguyệt, sáo và piano. Được thầy giáo Lê Đại Dương chỉ dạy, cô tập chơi nhạc cụ dân tộc với những bài hit của giới trẻ như Bên trên tầng lầu.
Cũng tạo cảm tình khi sử dụng nhạc cụ dân tộc chơi những bài nhạc được yêu thích như Giấc mơ trưa, Sóng gió... là cô bé Quỳnh Lê - sinh viên năm 2 của Nhạc viện thành phố, đang theo học đàn tranh.
Khi chọn trình tấu đàn tranh với những bài nhạc trẻ, Quỳnh Lê chấp nhận kỹ thuật khó hơn vì nốt trên đàn tranh không đủ như ở đàn piano, người đàn phải nhấn dây khá cực ở những nốt thăng giáng.
Tất cả họ đều rất trẻ và bằng nhiều cách đang "chiêu dụ" khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc dân tộc.
Làm mới không làm mất chất
Đinh Nhật Minh chia sẻ: "Trong một bài hát của Đen Vâu, đang rap anh lại chen vào câu ru à ơi, xong anh lại rap trên tiếng ru đó. Hiệu ứng đem lại rất đặc biệt và nhiều người trẻ cực kỳ thích.
Tuy nhiên, vẫn có những nhạc sĩ không nghiên cứu kỹ, sử dụng âm nhạc chưa đúng cách, chưa đúng chất liệu của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay những bạn trẻ theo âm nhạc dân tộc như chúng tôi có thuận lợi là nhiều producer (nhà sản xuất) quan tâm tới âm nhạc dân tộc hơn, lượng khán giả cũng đông hơn.
Vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm để người Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ, ý thức được giá trị của âm nhạc dân tộc. Và trong quá trình tiếp cận người trẻ đòi hỏi bản lĩnh của người nghệ sĩ. Muốn đổi mới cái gì cũng phải nắm căn bản để thay đổi cho hợp lý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận