Đó là chia sẻ của ông Trần Đức Hòa - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội - tại chương trình Ngày hội việc làm thanh niên thủ đô lần thứ 15, diễn ra sáng 18-5.
Ngày hội do Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội phối hợp với Trường đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội tổ chức, nhằm kết nối sinh viên đến gần doanh nghiệp, tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp.
90% các em còn ỷ lại việc tìm kiếm việc làm
Trao đổi tại chương trình, ông Trần Đức Hòa cho biết thời gian vừa qua, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng rất lớn, nhưng nếu chỉ tuyển dụng bằng cách độc lập, đi tìm kiếm trực tiếp như thông thường sẽ không đạt được chỉ tiêu và chất lượng lao động theo mong muốn.
Ngược lại, các bạn sinh viên, thanh niên có nhu cầu tìm kiếm việc làm, rất ít em mạnh dạn, tự tin làm việc trực tiếp với các nhà tuyển dụng.
"Khi chúng tôi đi tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm trực tiếp, hầu hết đến 90% các em vẫn còn ỷ lại việc tìm kiếm việc làm của bản thân cho gia đình", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, không có gì quá đặc biệt khi nói thế hệ Gen Z hay nhảy việc bởi các bạn có tuổi trẻ và nhiều cơ hội việc làm. Nơi nào các bạn cảm thấy công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo, năng lực, sở trường, phù hợp với nguyện vọng mức lương thì các bạn sẽ dừng lại ở đó.
"Để có thêm kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm công việc, các bạn có thể sẵn sàng đi làm thời gian đầu ở bất cứ doanh nghiệp nào, sau này sẽ có lựa chọn tốt hơn. Doanh nghiệp buộc phải chấp nhận điều này.
Không có cách nào giữ được người lao động nếu chế độ đãi ngộ không phù hợp, nếu vì việc này người lao động nhảy việc thì doanh nghiệp phải thay đổi", ông Hòa nói.
Ông Hòa cho rằng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trước khi đi tìm việc, các bạn trẻ nên được tập huấn các kỹ năng viết CV, kỹ năng trả lời phỏng vấn để có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, có nhiều kỹ năng kiến thức tự nhiên. Thậm chí, khái niệm "nhảy việc" của các bạn trẻ sẽ ít đi khi các bạn phát hiện bản thân thật sự cần gì, muốn gì.
Đừng bỏ học giữa chừng
Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - đại diện Công ty cổ phần phần mềm Bravo - cho biết công ty đã mang những vị trí thực tập sinh và nhân viên chính thức đến ngày hội việc làm.
Vị trí thực tập sinh dành cho sinh viên năm 3, 4 ngành công nghệ thông tin. Đối với các vị trí tuyển nhân viên chính thức có vị trí nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật triển khai, nhân viên bảo hành.
Các vị trí không giới hạn số lượng, mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường từ 12 triệu đồng/tháng.
Bà Quỳnh đánh giá ưu điểm của sinh viên hiện nay là sự năng động, chịu khó tìm hiểu thông tin, nắm bắt thông tin nhanh. Nhược điểm, vì đang còn ngồi trên ghế nhà trường nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Tuy nhiên, bà Quỳnh khẳng định với sinh viên, việc học trên lớp vẫn là quan trọng số một, ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí công việc, sức bật khi "thực chiến" tại doanh nghiệp.
"Tôi đã tiếp xúc với nhiều bạn học công nghệ thông tin, trong công ty cũng có những bạn chưa tốt nghiệp đại học nhưng đã vào làm việc. Khi sinh viên đi làm dễ bị cuốn vào các công việc và có thể không quay trở lại trường học tiếp được để lấy bằng tốt nghiệp.
Tùy từng quan điểm, nhưng theo tôi, sinh viên vẫn phải ưu tiên việc học vì học chỉ 4 năm thôi, đi làm sẽ làm cả đời, do vậy không nên bỏ học giữa chừng. Kiến thức trong trường học được đều là kiến thức cơ bản, là nền tảng để làm việc sau này", bà Quỳnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận