Bạn có thấy hình ảnh này "thân quen" với mình? - Ảnh: C.NHẬT
"Có giãn cách hay không thì cũng như vậy thôi, con tôi cũng chỉ dán mắt suốt vào điện thoại ngay cả khi ăn cơm cùng gia đình. Cả hai đứa đều vậy", chị N.T.Quỳnh (38 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) không nén được tiếng thở dài trong buổi cà phê họp lớp nhóm bạn thời phổ thông.
Tâm trạng của chị nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Theo một khảo sát của người viết với 98 bạn Gen Z (những cá nhân sinh trong giai đoạn 1995 - 2010), gần 80% số được hỏi thừa nhận thời gian dành cho MXH nhiều hơn cho gia đình.
Cha mẹ và mình là những thế hệ khác nhau nên đôi khi tôi cũng chẳng biết chia sẻ gì nhiều. Tôi cũng thấy kỳ khi ăn cơm với gia đình mà vẫn cầm điện thoại, nhưng giờ nó như là một thói quen rồi, không bỏ được nữa.
HỮU TOÀN (25 tuổi, quận 1, TP.HCM)
Chúc mừng sinh nhật... trên Facebook!
Có hai đứa con đều đang là học sinh, chị Quỳnh cho biết lịch học của con rất dày đặc nên trước đây thời gian cả gia đình quây quần trò chuyện cùng nhau thường là thông qua bữa cơm tối. Lúc con còn nhỏ, những bữa cơm với chị thật sự vui vì con tíu tít với cha mẹ cả buổi, có cái gì lạ hay học được điều gì mới đều khoe. Nhưng từ khi cả hai được sắm điện thoại thì thời gian thật sự dành cho gia đình gần như "tuột dốc không phanh!".
"Tôi không rõ các con dành thời gian bao nhiêu cho MXH, nhưng chắc chắn là thời gian chúng lướt net rất nhiều. Và đôi khi tôi chạnh lòng khi thấy con rất hoạt ngôn trên trang cá nhân, trả lời các bình luận của bạn bè nhanh và nhiều hơn là trò chuyện với mình. Đứa con gái đang độ tuổi dậy thì cũng đăng dòng tâm trạng đầy trên mạng nhưng với mình thì con bộc bạch rất ít", chị Quỳnh chia sẻ.
Một số phụ huynh khác thì nói hiện nỗi lo về việc con dành thời gian nhiều cho MXH còn lớn hơn nỗi lo "con nghiện game" trước đây.
"Một ngày, tôi giật mình khi buổi sáng bước xuống nhà thì đứa con nói chúc mừng sinh nhật mẹ dù đó không phải là ngày sinh thật của tôi. Hóa ra thông tin tôi khai cho có trên MXH lúc tạo tài khoản thì con lại nghĩ ngày đó là chính xác và quên mất ngày sinh thật của mẹ mình. Rồi hết đăng hình ảnh "ngầu" trên Facebook thì con lại múa may quay cuồng trên TikTok.
Tôi và chồng thật sự thấy khoảng cách giữa chúng tôi và con ngày càng rộng. Chúng tôi chỉ có thể cấm con chơi game nhưng không thể cấm con dùng điện thoại hay MXH vì chúng đều cần nhu cầu giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa, nhất là khi trường học chưa thật sự mở cửa lại" - chị Phương Anh (40 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) thở dài trước "bài toán" nan giải.
Tết vui, bữa cơm ngon hay không do... số like quyết định!
Khảo sát được người viết thực hiện vào tháng 12-2021 với sự tham gia của sinh viên các trường đại học HUTECH, Tài chính - marketing, Khoa học xã hội và nhân văn, Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)... đã chỉ ra nếu chỉ tính riêng thời gian cho MXH thì Gen Z dành trung bình khoảng 3,5 tiếng mỗi ngày. Thời điểm giãn cách xã hội thì khoảng thời gian này vọt lên... 6 tiếng mỗi ngày! Với những bạn trẻ "nghiện" công nghệ hoặc khao khát nổi tiếng trên thế giới mạng thì việc dành đến 8 - 12 tiếng mỗi ngày cho MXH là "bình thường như cân đường, hộp sữa".
Một khảo sát toàn cầu do hai tổ chức lớn công bố vào đầu tháng 1-2021 trong đó có nhắc đến Việt Nam. Cụ thể, khoảng 70% dân số Việt đang dùng Internet thông qua các nền tảng, ứng dụng MXH khác nhau với thời gian trung bình là 6 tiếng 47 phút. Và số lượng người dùng MXH tại Việt Nam tăng với tốc độ chóng mặt so với những năm trước đó. Một điểm đáng lưu ý là trong khi thế hệ Millenials (hay còn gọi là Gen Y, chỉ những cá nhân sinh từ 1980 - 1994) dùng chủ yếu các MXH như Facebook, YouTube, WhatsApp thì Gen Z lại dành phần lớn thời gian cho các ứng dụng MXH TikTok, Instagram... Tuy nhiên, con số trên hiện có thể đã thay đổi đáng kể vì Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt vào giữa và cuối năm 2021.
Còn theo một báo cáo được đăng trên chuyên trang nghiên cứu về giới trẻ tại Hoa Kỳ - YPulse - thì Gen Z hiện dành nhiều thời gian cho MXH hơn hẳn các thế hệ trước (và trên các nền tảng cũng khác những thế hệ trước). Cụ thể, các bạn trẻ Gen Z trong báo cáo cho biết họ... dành trung bình 4,5 tiếng mỗi ngày cho MXH!
Không thể rời mắt
COVID-19 gián tiếp trở thành "thủ phạm" khiến nhiều Gen Z bị cuốn sâu thêm vào MXH (do ở nhà thời gian dài, hạn chế tiếp xúc với người khác) và khó thể trở về nhịp sống đời thường ngay cả khi xã hội không còn giãn cách.
Vậy Gen Z nói gì? Bạn Xuân Khoa (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết MXH rất "hiểu" bạn, giúp cho bạn luôn thấy thoải mái, vui vẻ mỗi khi vào nên việc giới trẻ dành nhiều thời gian cho nó là điều bình thường. Bạn chia sẻ giai đoạn Sài Gòn giãn cách nghiêm ngặt, có những ngày bạn dành đến hơn 12 tiếng cho công nghệ (trong đó khoảng phân nửa là cho MXH).
"Tôi không hiểu sao mỗi khi vào điện thoại hay laptop thì YouTube, TikTok... đều gợi ý đúng cái tôi cực kỳ thích xem, khiến bản thân không thể rời mắt. Lúc đầu chỉ định lướt vài phút mà nào ngờ sau đó lại thấy "bay" mất cả buổi", Xuân Khoa chia sẻ. Sửa soạn cho Tết sắp đến, bạn cho biết đã "chuẩn bị" sẵn lịch đăng các trang MXH và nội dung đăng các mùng trong Tết. "Tết giờ không còn đông vui như Tết xưa, nên tôi lấy số like (lượt thích) làm niềm vui cho mình", Xuân Khoa giải thích.
Còn bạn Ngọc Vân (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) thừa nhận trong một số ngày nhất định, bữa cơm có ngon miệng hay không phụ thuộc vào clip trên TikTok hay hình ảnh của mình trên Facebook có nhiều lượt thích, chia sẻ hay không...
Mời bạn tham gia diễn đàn
Bạn có thấy hình bóng bản thân hoặc của người thân, bạn bè trong những câu chuyện tương tự? Bạn có góc nhìn phản biện hoặc chia sẻ gì khác về việc giới trẻ đang dành quá nhiều thời gian cho MXH, hay bạn có những giải pháp gợi ý cho câu chuyện trên?
Bạn có thể viết bài (trong 900 chữ kèm thông tin cá nhân, số điện thoại) và gửi về tham gia diễn đàn thông qua email: [email protected] hoặc [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận