Bảng thông báo về việc chính phủ đóng cửa ở Mỹ - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà trắng Kevin Hassett cho biết với việc chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa, GDP cả nước trong quý I-2019 sẽ giảm 10%.
"Theo tính toán của chúng tôi, GDP có thể giảm đến 0,1% mỗi hai tuần nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa trong vài tuần tới", ông Kevin Hassett - Chủ tịch Hội đồng cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA), dẫn ra con số cụ thể.
Dù chưa rõ ông Hassett đã lấy số liệu GDP cụ thể của năm nào để so sánh nhưng dự báo của ông cũng trùng khớp với dự báo từ các chuyên gia độc lập khác.
Vào đầu tuần này, công ty nghiên cứu độc lập Macroeconomic Advisers đã hạ dự báo cho quý I và quý IV-2019 xuống 0,1% mỗi quý trong trường hợp chính phủ Mỹ đóng cửa trong ba tuần.
Các nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan Chase còn đưa ra ước tính có phần nghiêm trọng hơn khi cho rằng cứ mỗi tuần mà chính phủ Mỹ đóng cửa, GDP sẽ giảm 0,1% - 0,2%, và tình trạng này sẽ tiếp tục cho đến khi chính phủ tái hoạt động.
"Tôi thực sự không mong đợi việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế vì tôi cho rằng chính phủ sẽ sớm mở cửa trở lại", ông Hasset bày tỏ.
Chính phủ Liên bang Mỹ chính thức đóng cửa từ ngày 22-12-2018 sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định không ký vào dự thảo ngân sách vì không có khoản chi 5 tỉ USD để xây bức tường biên giới với Mexico như ông yêu cầu.
Theo lời cố vấn Kellyanne Conway, "bức tường (như cách ông Trump yêu cầu) chỉ là một cách diễn đạt cho biện pháp bảo vệ an ninh biên giới. Nó có thể là bất cứ thứ gì, một bức tường, hoặc chỉ là hàng rào thép".
Thế nhưng trong bối cảnh đảng Dân chủ đã nắm Hạ viện từ ngày 3-1, cuộc đối đầu vẫn tiếp tục căng thẳng.
Ngày 4-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sĩ cấp cao đảng Dân chủ đã một lần nữa không đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần hiện hiện đã bước sang ngày thứ 14 liên tiếp.
Dự kiến Phó Tổng thống Mike Pence sẽ dẫn đầu một nhóm quan chức chính phủ có cuộc gặp với các nghị sĩ trong cuối tuần này để tìm cách phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận