Dự án "Gậy thông minh" giành giải nhất - Ảnh: HÀ QUÂN
Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) từ tài trợ của Chính phủ Nhật Bản tổ chức.
Lễ trao giải Startup Kite 2021 diễn ra chiều 26-11 tại Hà Nội.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp
Chung cuộc, ban tổ chức cuộc thi Startup Kite 2021 đã trao giải nhất cho nhóm sinh viên Trường cao đẳng Việt - Đức Nghệ An với dự án "Gậy thông minh".
Giải nhì được trao cho hai dự án "Tích hợp đèn UVC vào trong máy lạnh để diệt virus và vi khuẩn" của sinh viên Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM và "Thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Lâm Bình" của Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang. Ban tổ chức cuộc thi cũng trao 3 giải ba cho các đội sinh viên xuất sắc khác.
Ghi nhận chất lượng của các dự án trong cuộc thi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh cuộc thi đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Thông qua cuộc thi, có thể thấy nhiều học sinh, sinh viên rất chủ động, năng động, sáng tạo tìm tòi các ý tưởng sản xuất, kinh doanh gắn với lợi ích cộng đồng, bảo vệ môi trường, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông Dũng, cuộc thi diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… phải cách ly, giãn cách do COVID-19.
Tuy vậy, Startup Kite 2021 vẫn thu hút sự tham gia của 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu 207 ý tưởng tham gia dự thi ở vòng bán kết. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí, công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hóa...
Đã có đơn hàng ngay khi đoạt giải
Chiếc gậy thông minh có thể gập gọn lại trong tay - Ảnh: NVCC
Bên lề cuộc thi, Nguyễn Hồng Phúc - sinh viên khoa điện, Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An (đại diện nhóm giành giải nhất Startup Kite 2021) - chia sẻ: "Dự án gậy thông minh xuất phát từ chính cuộc sống khi người cao tuổi, người khuyết tật rất khó khăn khi di chuyển".
Theo Phúc, gậy thông minh có cảm biến vật cản với khoảng cách từ 0,5 - 2m kèm bộ xác định vị trí (GPS) để người thân có thể giúp đỡ, quản lý người cao tuổi, người khuyết tật từ xa. Gậy còn có đèn LED chiếu sáng, chân gậy thiết kế phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật. Thực tế, gậy có thể vừa là máy cảm biến, máy xác định vị trí, đèn LED ban đêm.
Bên cạnh đó, gậy thông minh có giá chưa đến 1 triệu đồng so với mức 10 triệu đồng của sản phẩm tương tự khi nhập khẩu. Nguyễn Hồng Phúc tự hào ý tưởng gậy thông minh đã có những đơn đặt hàng đầu tiên, có lô hàng ít nhất 50 cái.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Phú Thái Holding và Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền về việc triển khai đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" nhằm phối hợp đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho học sinh, sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận