Thực hiện không đúng chỉ đạo, gây thiệt hại 45 tỉ
Theo viện kiểm sát, năm 2008, UBND TP.HCM phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà đất của Công ty Kho bãi TP thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco), nội dung liên quan đến 13 mặt bằng, trong đó có mặt bằng số 682 Hồng Bàng (quận 11), 299/18 Lý Thường Kiệt (quận 11).
Năm 2010, UBND TP chấp thuận chủ trương giao Resco thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Rạch Ụ Cây. Ngoài ra, UBND TP cũng chấp thuận chủ trương giao 3 mặt bằng, trong đó có mặt bằng Trung tâm thương mại Bình Đăng (quận 8) cho Resco để hoàn trả nguồn vốn đầu tư mà chủ đầu tư đã chi trả cho phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư của giai đoạn 1 dự án Rạch Ụ Cây.
Theo chỉ đạo của UBND TP, Resco phải tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt.
Đồng thời, Resco tiếp tục quản lý sử dụng để đầu tư khai thác kinh doanh đối với mặt bằng 682 Hồng Bàng và quản lý sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy định đối với mặt bằng Bình Đăng.
Tuy nhiên, sau khi được bàn giao mặt bằng, các bị cáo không thực hiện, thực hiện không đúng, đã chuyển nhượng mặt bằng 289/18 Lý Thường Kiệt và mặt bằng 682 Hồng Bàng cho các doanh nghiệp liên kết, không phải công ty thành viên như chủ trương của UBND TP; chuyển nhượng không thông qua đấu giá và chuyển nhượng khi chưa báo cáo, chưa có ý kiến đồng ý của UBND TP đối với mặt bằng Bình Đăng.
Cả 3 mặt bằng đều không thẩm định giá theo giá thị trường trước khi chuyển nhượng, gây thất thoát cho Resco tại thời điểm chuyển nhượng gần 45 tỉ đồng. Trong đó, đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt thất thoát 2 tỉ đồng, mặt bằng 682 Hồng Bàng thất thoát 1,8 tỉ đồng, mặt bằng Bình Đăng thất thoát 41 tỉ đồng.
Công ty Địa ốc 5 xin nộp toàn bộ tiền thất thoát và tiếp tục thực hiện dự án Bình Đăng
Xét các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng chưa có căn cứ xác định bản thân các bị cáo được hưởng lợi ích vật chất, có thái độ khai báo rõ ràng, thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác, thân nhân các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả...
Tại tòa, Công ty Địa ốc 5 xin nộp toàn bộ số tiền thất thoát tại Trung tâm thương mại Bình Đăng nên thiệt hại của vụ án gần như đã được khắc phục toàn bộ.
Từ đó, viện kiểm sát đề nghị mức án đối với các bị cáo như sau: Nguyễn Tín Trung (cựu chủ tịch HĐTV Resco): từ 6-7 năm tù; Nguyễn Phước Ngọc (cựu tổng giám đốc, chủ tịch HĐTV Resco): từ 5-6 năm tù; Trần Công Đức, Đỗ Văn Phúc (cùng là cựu thành viên HĐTV Resco): từ 4-5 năm tù; Võ Hữu Hải (cựu thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng (cựu phó tổng giám đốc Resco): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;
Riêng Nguyễn Đình Phú (cựu phó tổng giám đốc Resco), Nguyễn Thị Thúy Hằng (cựu thành viên HĐTV Resco): từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo Nguyễn Tín Trung, Võ Hữu Hải, Nguyễn Đình Phú và Nguyễn Thị Thúy Hằng đã nộp quá số nghĩa vụ mà các bị cáo phải nộp đối với 2 mặt bằng, nên không phải nộp thêm.
Các bị cáo Nguyễn Phước Ngọc nộp 82,9 triệu đồng, Hoàng Hải Đăng nộp 66 triệu đồng, Trần Công Đức nộp 166 triệu đồng và Đỗ Văn Phúc nộp 116 triệu đồng. Toàn bộ số tiền các bị cáo nộp, chuyển trả cho Resco để khắc phục thất thoát tài sản tại tổng công ty.
Về mặt bằng Bình Đăng, tại phiên tòa, đại diện của Công ty Địa ốc 5 đề nghị được nộp lại số tiền thất thoát theo kết quả định giá cho Resco để được tiếp tục nhận mặt bằng Bình Đăng để thực hiện dự án.
Do đó, viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Công ty Địa ốc 5, buộc Công ty Địa ốc 5 nộp số tiền 41 tỉ đồng cho Resco, tiếp tục giao mặt bằng Bình Đăng cho Công ty Địa ốc 5 thực hiện dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận