Ông Jeb Bush (phải) và anh trai George W. Bush - Ảnh: wordpress.com |
Động thái này của Jeb Bush được cho là một cách để gây áp lực lên ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và các đối thủ trong phe Cộng hòa của ông yêu cầu họ phải công khai tài chính cá nhân.
Theo các hồ sơ mà ông Jeb Bush công bố ngày 30-6, tổng tài sản của ông là từ 19-22 triệu USD.
Thu nhập của ông Jeb Bush, con trai của cựu tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) và em trai của cựu tổng thống George W. Bush (Bush con) nhiều hơn hẳn sau khi ông rời ghế thống đốc Florida năm 2007, theo hồ sơ.
Thu nhập của ông trong năm 2006, năm cuối cùng ông làm thống đốc, là 260.580 USD. Trong khi đó năm 2013, ông kiếm được 7,4 triệu USD.
Toàn bộ tập hồ sơ gồm 1.150 tài liệu khác nhau, bắt đầu từ ngày ông còn làm môi giới bất động sản ở Miami năm 1981.
“Việc công bố này sẽ cho các cử tri thấy tôi đã kiếm sống ra sao trong ba thập kỷ và tôi đã đóng góp lại cho đất nước bao nhiêu”, ông Jeb Bush nói.
Ông đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân hơn 40% vào năm 2013. Tỉ lệ đóng thuế thu nhập cá nhân trung bình của người Mỹ năm 2010 chỉ là 18,1% và 1% số người đóng cao nhất chỉ là 29,4%, theo số liệu từ Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ.
Bush kiếm được nhiều tiền nhất từ năm 2007 thông qua công ty tư vấn của ông, Jeb Bush & Associates, cũng như qua công ty liên doanh Britton Hills, chuyên về đầu tư tài chính. |
Một cách không chính thức, hồ sơ thuế 33 năm của ông J.Bush là một kỷ lục mới trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Kỷ lục trước đó thuộc về Bob Dole, ứng viên thất cử của phe Cộng hòa năm 1996, với hồ sơ thuế 30 năm.
Ông J.Bush (62 tuổi) cho biết ông hy vọng tập hồ sơ này “sẽ cho mọi người thấy tôi là người như thế nào”.
Ông cũng có thêm thu nhập trung bình 1,1 triệu USD mỗi năm nhờ diễn thuyết từ năm 2007, với mức phí giao động từ 40.000 tới 75.000 USD cho mỗi lần phát biểu.
“Nhưng khoản này thì tôi kém cả Chelsea Clinton”, Bush đùa khi ám chỉ khoản phí diễn thuyết 65.000 USD của con gái nhà Clinton.
Bà và chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ các hoạt động diễn thuyết. Hồi tháng 5, họ nói họ kiếm được hơn 25 triệu USD nhờ 104 lần diễn thuyết kể từ đầu năm 2014.
Nhưng Bush cũng không đóng thuế các năm 1985 và 1986 do công ty của ông làm ăn thua lỗ.
3.000 email của cựu ngoại trưởng Mỹ Clinton
Liên quan tới bà Hillary Clinton, ứng viên số một của phe Dân chủ, ngày 30-6, Bộ ngoại giao Mỹ đã công bố khoảng 3.000 trang các thư điện tử gửi bằng tài khoản cá nhân của bà năm 2009, năm đầu tiên bà làm bộ trưởng ngoại giao Mỹ.
Bà Clinton, niềm hy vọng của phe Dân chủ trong cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ 2016, chịu nhiều chỉ trích vì dùng tài khoản cá nhân để liên lạc các việc công của bộ trưởng ngoại giao.
Các thư điện tử cũng cho thấy cựu tổng thống Bill Clinton, chồng bà Clinton, đồng ý trở thành đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc ở Haiti mà không báo với bà.
“William Jefferson Clinton nói ông sẽ gọi cho Hillary Rodham Clinton nhưng chưa có thời gian”, một thư điện tử do nhân viên của bà Clinton gửi nói.
Các thư điện tử được công bố có thời gian từ tháng 3 tới tháng 12-2009. Một thẩm phán liên bang Mỹ đã yêu cầu công bố các thư này trong vòng 30 ngày.
Bà Clinton nói bà vui mừng vì mọi việc đã rõ ràng.
Thống đốc New Jersey tranh cử
Một diễn biến khác trong cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ, Thống đốc bang New Jersey của phe Cộng hòa Chris Christie ngày 30-6 cũng đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử.
Phát biểu ở trường cấp ba cũ của mình ở Livingston, New Jersey, ông Christie nói: “Giờ tôi đã sẵn sàng tranh đấu cho người dân Mỹ”. Ông sẽ là ứng viên thứ 14 trong vòng sơ loại của phe Cộng hòa.
Ông là thống đốc bang New Jersey từ năm 2010 và là chưởng lý bang này giai đoạn 2002-2010.
Dù khá nổi tiếng trên chính trường Mỹ, ông Christie không được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò dư luận.
Một cuộc thăm dò của CNN hồi tháng 5 cho thấy chỉ có 4% những cử tri Cộng hòa ủng hộ ông. Ở bang New Hampshire, nơi sẽ diễn ra bầu cử đầu tiên, ông Christie có 5%, so với 15% của Jeb Bush.
Ông Christie, 52 tuổi, cũng là chủ tịch Hiệp hội các thống đốc Cộng hòa và là người có quan điểm bảo thủ điển hình ở Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận