Tráng Tráng trong một bữa tiệc thịnh soạn được sở thú Chiang Mai tổ chức cho nó - Ảnh: AFP
Trước cái chết không rõ nguyên nhân của gấu trúc Tráng Tráng hồi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã cử một đội điều tra tức tốc lên đường tới Thái Lan.
Kết quả chi tiết được công bố trong tuần này cho thấy chú gấu trúc đực 19 tuổi tên Tráng Tráng chết do suy tim. Nhờ đó bác bỏ các suy đoán nói rằng có người đã đánh đập và bỏ đói nó.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng không tìm thấy vết thương nào bên ngoài hay vật thể lạ bên trong.
Gấu trúc thường sống từ 14 đến 20 năm trong tự nhiên nhưng có thể lên tới 30 năm trong điều kiện nuôi nhốt tốt.
Do đó, cái chết "khi còn quá trẻ" của Tráng Tráng khiến cộng đồng mạng Trung Quốc tức giận. Các hashtag đổ lỗi cho chính quyền và sở thú Thái Lan đã được sử dụng hơn 250 triệu lần trên mạng xã hội Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters.
"Các người phải chăm sóc bảo vật quốc gia của chúng tôi chứ, Thái Lan", một cư dân mạng Trung Quốc tỏ ra bức xúc.
"Gấu trúc chết rồi, giờ các người nói gì cũng vô ích. Nếu các người nhắm không chăm sóc được nó thì đừng mở miệng ra mượn chúng tôi ngay từ đầu", một người khác bắt bẻ.
Các nhân viên sở thú Chiang Mai đặt hoa trước tượng gấu trúc Tráng Tráng sau khi nó qua đời - Ảnh: REUTERS
Dù đã được minh oan nhưng sở thú Chiang Mai, nơi nuôi Tráng Tráng, xác nhận sẽ phải bồi thường một số tiền không tiết lộ theo thỏa thuận cho mượn ban đầu với Trung Quốc năm 2003. Mỗi con gấu trúc được sở thú mua bảo hiểm với giá lên tới 15 triệu baht (khoảng 11,4 tỉ đồng VN).
Tráng Tráng nổi tiếng ở Thái Lan không chỉ vì nó là gấu trúc mà còn bởi nó rất lười "duy trì nòi giống". Sau "đám cưới" do sở thú Chiang Mai tổ chức năm 2005, Tráng Tráng tỏ ra lạnh nhạt với "vợ". Các nhân viên sở thú đã nghĩ đủ cách để giúp nó tìm lại ham muốn, thậm chí cho nó xem các video giao phối của những cặp gấu trúc khác, nhưng vô dụng.
Cuối cùng, "vợ" của Tráng Tráng cũng mang thai nhưng không phải nhờ nó mà là do phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Thống kê của tạp chí Diplomat cho thấy gấu trúc đã xuất hiện tại hơn 25 sở thú trên khắp thế giới dưới hình thức "quà hữu nghị" của chính phủ Trung Quốc đến nước tiếp nhận. "Ngoại giao gấu trúc" đã được Bắc Kinh tiến hành từ những năm 1950, không lâu sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
"Món quà" của Trung Quốc thường được trao tặng theo cặp. Nổi tiếng nhất là hai con gấu trúc Linh Linh và Hưng Hưng tặng cho Mỹ sau chuyến "ngoại giao bóng bàn" năm 1972 của Tổng thống Richard Nixon.
Mặc dù thường được gọi là "quà tặng" nhưng gấu trúc đôi khi bị báo chí phương tây gọi là "sự trừng phạt" của Trung Quốc với nước tiếp nhận vì phải chăm sóc chúng thật kỹ, đảm bảo chúng luôn khỏe mạnh nếu không muốn làm phật lòng Bắc Kinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận