21/09/2019 10:57 GMT+7

Gạt nước mắt vào trường đại học

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - "Mẹ ơi, mẹ ở nhà với các dì, các cậu mẹ nhé. Chào mẹ, con đi học đây", tân sinh viên Hoàng Thị Ngọc Diễm gạt nước mắt trước bàn thờ mẹ...

Gạt nước mắt vào trường đại học - Ảnh 1.

Diễm và các dì thuê máy bóc mấy bao bắp tươi để bán, lấy lộ phí đi học - Ảnh: TRUNG TÂN

Chiếc xe khách đã bấm còi lần thứ ba trước cổng nhà, nữ tân sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn vẫn đứng khấn, khuôn mặt ngấn lệ trước bàn thờ mẹ như không muốn rời đi. Hồi lâu, cô gạt nước mắt thì thầm: "Mẹ ơi, mẹ ở nhà với các dì, các cậu mẹ nhé. Chào mẹ, con đi học đây".

Tối 22-8, đúng 18 ngày sau khi bà Sầm Thị Phượng, người mẹ xấu số qua đời đột ngột, tân sinh viên Hoàng Thị Ngọc Diễm (thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, Buôn Đôn, Đắk Lắk) phải gạt nước mắt lên xe đi làm thủ tục nhập học.

"Lúc mẹ mất, mình và chị gái đang đi làm thuê ở Sài Gòn. Tin mẹ ra đi vĩnh viễn đã khiến mọi dự định của mình hoàn toàn sụp đổ. Nhưng bây giờ khi đã bình tâm, phải tạm gác lại chuyện đau đớn để tiếp tục một hành trình mới" - Diễm bộc bạch.

Thu hoạch cả mùa được hơn chục bao bắp, cháu nó bán tươi luôn để lấy tiền làm lộ phí. Tội mấy đứa nhỏ, cha mẹ qua đời đột ngột, côi cút nuôi nhau nhưng ngoan ngoãn, học giỏi lắm.

Bà HOA (một người hàng xóm của Diễm)

Tang thương trước ngưỡng cửa cuộc đời

Hơn 10 năm trước, sau một cơn bạo bệnh, cha của Diễm đột ngột qua đời, để lại bốn mẹ con nuốt lệ nuôi nhau. Cả gia đình từ ngoài Bắc chuyển vào Buôn Đôn chỉ với hai bàn tay trắng nên khi cha Diễm qua đời, tài sản chỉ có căn nhà nhỏ mới xây chưa kịp khô sơn và hai sào đất cằn cỗi bởi nắng gió vùng biên giới.

Dù rất vất vả, mẹ Diễm vẫn động viên các con phải ăn học để thoát cảnh lam lũ, khổ cực của gia đình. Một nách ba con, bà Phượng bươn chải hết đồng này sang ruộng nọ, ai thuê gì cũng làm, miễn là có tiền cho các con ăn học. Những ngày tháng lam lũ đó cũng khiến bao bệnh tật đổ dồn lên cơ thể người mẹ khó nhọc này.

"Em ấy nay ốm mai đau. Nhưng cứ uống vài viên thuốc lại gượng dậy đi làm. Ngày thường đi cắt lúa, phát cỏ cho người ta. Ngày lễ tết lên chợ bán hàng thuê kiếm thêm thu nhập. Được cái cả ba cháu đều ngoan ngoãn, chăm chỉ, lúc rảnh rỗi cũng theo mẹ đi làm, bán hàng thuê. Mấy đứa lại học giỏi nên em tôi rất vui. Thế mà trời không thương, lại bắt vạ lên em..." - bà Sầm Thị Loan, dì cả của Diễm, đau xót.

Bà Loan kể ngày 3-8, bà Phượng lên cơn sốt cao và được đưa vào bệnh viện điều trị. Và biến cố ập đến bất ngờ khi bà Phượng tử vong vào ngày 4-8. 

"Em tôi ra đi đột ngột nên không trăng trối được lời nào. Lúc đó hai cháu gái đang đi làm thuê ở TP.HCM không hay biết, cháu út cũng đang nằm viện. Cả nhà tôi hoang mang trước biến cố kinh hoàng. Các cháu còn quá nhỏ đã mất bố, nay mồ côi thêm mẹ nữa thật quá đáng thương" - bà Loan ngậm ngùi.

Nhận tin chấn động từ quê nhà khi hai chị em Diễm đang làm thuê ở một nhà hàng tiệc cưới (ở TP.HCM). "Hai chị em chỉ biết ôm nhau mà khóc. Bao năm mẹ vất vả nhưng khi ra đi lại quá đột ngột, không một lời dặn dò, trăng trối" - Diễm đau khổ.

Ngay đêm đó, trên chuyến xe đò ngược núi, hai chị em Diễm lại khóc vì thương người mẹ xấu số và lo lắng cho tương lai phía trước của gia đình. An táng cho mẹ xong, ngày 10-8, giấy báo từ Trường ĐH Quy Nhơn được người đưa thư mang đến cổng ngôi nhà đang tang gia bối rối. 

Dòng thông báo ngắn gọn: thí sinh Hoàng Thị Ngọc Diễm đã đủ điều kiện trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh. Dòng thông tin khiến cô nữ sinh tuổi 18 rối bời cảm xúc. 

"Lúc đó tâm trạng mình rất hoang mang. Rất vui vì thành quả học tập đã có kết quả nhưng nỗi buồn quá lớn từ mất mát của gia đình khiến mình hẫng hụt. Lúc đó mình đã có suy nghĩ sẽ ở nhà để lo nhang khói cho mẹ, lo cho em trai mới học lớp 7 vì chị gái đi làm ăn xa" - Diễm nhớ lại.

Cuộc triệu tập của ông ngoại

Trong khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn đó, ông ngoại đã "triệu tập" một cuộc họp với mục tiêu bằng mọi giá phải để Diễm đi học. Tất cả sau đó đã thống nhất bằng "nghị quyết": mỗi người trong gia đình góp một chút để Diễm được đi học. 

"Chúng tôi mỗi người một lời góp ý, động viên cháu phải nén nỗi đau lại để bước tiếp, như vậy mới là báo hiếu cho mong ước của bố mẹ. Lúc đó cháu nó rối bời nhưng rồi cũng nghe ra" - bà Loan kể.

Lúc "tạm biệt" mẹ để ra xe, Diễm vẫn tần ngần đứng ở thềm chào các dì, các cậu. Dì thứ hai sẽ thay mẹ cùng Diễm đến trường nhập học để đỡ tủi thân những ngày đầu. 

"Cháu nó bán mấy bao bắp, mọi người thương cho mỗi người một ít cũng tạm đủ kinh phí ban đầu. Cháu rất muốn đi học nhưng cứ lo lắng sẽ không ai nhang khói trong 49 ngày cho mẹ. Tôi phải động viên mãi" - bà Loan nói.

Bà Loan kể thêm hôm mẹ mới mất, chị gái Diễm định nghỉ việc ở TP.HCM để ở nhà lo nhang khói cho mẹ và em gái yên tâm đi học. "Rồi cả nhà lại bàn: gia cảnh đang khó khăn, em gái sắp đi học mà mất việc thì còn khổ hơn. Hôm lên xe cháu gái đầu khóc nức nở nhưng rồi cũng phải gạt nước mắt mà đi" - bà Loan ngậm ngùi.

Trong nhiều lần nói chuyện với người viết, nữ tân sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn nói rằng mong ước lớn nhất của mình là thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Diễm nói ngày mẹ còn sống luôn dặn ba chị em phải ráng học hành, khổ mấy cũng phải vượt qua.

Tin sẽ làm được

"Mấy năm trước chị mình học giỏi lắm, dù đậu đại học nhưng chị chọn cách nghỉ ngang để học nghề, nhường suất học cho các em. Nay mẹ mất, em trai về ở với ông bà ngoại, nhà đã có các dì trông nom. Mình cũng yên tâm hơn để thực hiện ước mơ, thực hiện lời hứa sẽ nên người bằng con chữ, để mẹ vui" - Diễm tâm sự.

Diễm nói đã đăng ký thủ tục nhập học, ở ký túc xá tại ĐH Quy Nhơn nên không lo lắm về việc ăn học ban đầu. "Hồi còn học phổ thông, mình với chị cũng lựa lúc rảnh đi làm thêm phụ thêm thu nhập với mẹ. Nên khi đã ổn định việc học, chỗ ở, mình sẽ xin đi làm bưng bê ở các quán. Mình tin sẽ làm được và đủ tiền chi tiêu một phần. Khi có thêm kiến thức, kinh nghiệm, mình sẽ xin dạy thêm hoặc làm các việc có thu nhập tốt hơn" - Diễm tự tin.

Tiếp sức đến trường: Đặt niềm tin vào sự tử tế! Tiếp sức đến trường: Đặt niềm tin vào sự tử tế!

TTO - 'Dù còn nhiều khó khăn nhưng mong các em đừng bao giờ chùn bước, đừng bao giờ từ bỏ mà hãy nuôi dưỡng khát vọng, đặc biệt là niềm tin vào sự tử tế', nhà báo Bùi Thanh nhắn nhủ với các sinh viên được trao học bổng Tiếp sức đến trường.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp