18/01/2019 11:54 GMT+7

'Gap year' để bạn trẻ tìm lại chính mình

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Trong chương trình 'Gap year - Thanh xuân của tôi' diễn ra tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ SIHUB (quận 3, TP.HCM), gần 100 khán giả đã có dịp lắng nghe câu chuyện gap year từ những người trẻ.

Gap year để bạn trẻ tìm lại chính mình - Ảnh 1.

Thảo Vy chia sẻ tại chương trình '"Gap year - Thanh xuân của tôi" - Ảnh: HUỲNH LONG

Dù khác nhau về mục đích và xuất phát điểm nhưng ở họ đều có một điểm chung: đã có những ngày tháng hoang mang về sự lựa chọn của bản thân mình, đã sống thật vui với một khoảng trời bình yên và tự tại, rồi trở về với một cái "tôi" nhìn cuộc đời khác hơn, ý nghĩa hơn, đáng sống hơn.

Gap year là khoảng thời gian mà một người trẻ chọn ngưng việc học tạm thời để nghỉ ngơi, đi du lịch hoặc làm một số việc theo ý thích của mình.

Chạy tung mọi ngóc ngách mà không thấy lối ra

Vũ Lê Minh Thư (21 tuổi) mở đầu chia sẻ với tâm sự "dù đã qua rồi nhưng lâu lâu mình vẫn nhớ về thời gian đó, cảm thấy muốn bỏ hết để lại được chu du".

Năm ấy, Thư là sinh viên năm 3 khoa quan hệ quốc tế (Đại học KHXH&NV). Cuộc sống của Thư như bao bạn bè khác. Mọi thứ diễn ra như một vòng quay đến nhàm chán, mà Thư miêu tả rằng "tôi thấy mình như một con chuột cứ chạy quanh quẩn trong cái hộp. Tôi chạy tung hết tất cả mọi ngóc ngách nhưng không tìm thấy lối ra".

Cô bạn quyết định tạm dừng việc học để tìm kiếm "một điều gì đó" mới mẻ hơn, thèm nghỉ ngơi sau chặng đường dài mệt mỏi.

Suốt một năm sau đó, Thư làm rất nhiều việc. Cô góp vốn mở quán cà phê cùng người bạn. Có những ngày hai đứa chở nhau đi khắp Sài Gòn, buổi tối dựng lều ngủ trong quán. Cạnh lều, Thư đặt một tủ sách thật to để sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên cô có thể làm là chạm tay vào sách. 

Thư tổ chức chiến dịch khuyến khích mọi người làm những điều khiến họ hạnh phúc hơn, cùng bạn bè lên tận những vùng xa xôi ở Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) dạy học cho trẻ em, sơn lại trường tiểu học, lắp đường dây điện mới.

"Đêm hôm đó đẹp vô cùng. Ở một vùng hoang vắng, sương mây giăng giăng, phía trên đầu trăng treo sáng vằng vặc, cả đám chúng tôi ngồi lại nói về những giấc mơ của mỗi người" - Thư nhớ lại.

Những tháng cuối cùng của năm gap year, Thư đi rất nhiều nơi. Cô gặp nhiều người và có những phút giây thật ý nghĩa. Thư nói cô chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình.

"Nhiều người từng nhìn tôi và nghĩ tôi làm chủ một quán cà phê. Tôi tự do. Tôi có mọi thứ. Nhưng sao tôi không thấy hạnh phúc? Về sau này tôi mới biết hạnh phúc chính là "sản phẩm" của sự bình an và những điều ý nghĩa mà mỗi người làm trong cuộc đời họ" - Thư tâm sự.

Làm gì đó mới mẻ đi

Hãy tự tin lên và dẹp bỏ những định kiến. Cơ hội luôn ở đó, nhưng chỉ dành cho những người có đủ năng lực và sự tự tin.

ĐẶNG THỤY THẢO VY

Trong số những người đến chương trình, Đặng Thụy Thảo Vy là cô gái nhỏ tuổi nhất. 18 tuổi, Vy chưa có nhiều cơ hội để thực hiện kế hoạch gap year trong thời gian dài. Bù lại, cô bạn lại tự mình tìm kiếm những chuyến đi ngắn hạn vừa để "làm mới" mình, vừa trau dồi thêm kinh nghiệm.

Hành trình của Vy chỉ bắt đầu từ khi một đàn anh khuyên cô "Hãy làm gì đó mới mẻ đi. Hồ sơ cá nhân của em nhìn chán quá".

"Tôi đăng ký tham dự Trường hè khoa học Việt Nam tại Quy Nhơn và bất ngờ được chọn. Lúc ấy, tôi là một trong số ít các học sinh cấp III có mặt trong chương trình" - Vy kể. Cũng từ đó, Vy trở về và bắt đầu tham gia các cuộc thi về khoa học.

"Mọi người nói tôi làm không được vì học lớp chuyên văn, vì tôi là con gái. Nhưng tôi nói mình làm được. Sau này tôi phát hiện rằng không chỉ mọi người xung quanh mà chính bản thân mỗi người cũng tự áp đặt rất nhiều định kiến cho mình. Điều đó khiến bạn không thể khai phá tiềm năng bản thân" - Thảo Vy chia sẻ.

Đến nay, những chuyến đi ngắn hạn này đã mang về cho Vy một số "quả ngọt" như top 3 dự án xuất sắc của Việt Nam, đại diện tham dự vòng châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore trong cuộc thi Thử thách thương mại quốc tế FEDEX 2018, JA Asian; tình nguyện viên chương trình Trao đổi văn hóa Tokyo Sugar tại Nhật Bản; giải nhất cuộc thi Dấn thân vào khoa học năm 2018 do Trường hè khoa học Sài Gòn tổ chức...

Năm 2018, cô cũng được tuyển thẳng vào Trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) và là một trong số 12 gương mặt được Hội đồng Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP.HCM trao bảo trợ.

'Gap year', nên hay không?

TT - Tạm dừng những hoạt động đời thường trong khoảng thời gian dài nhất định để tập trung tham gia một dự án mới mẻ, nhấn nút “F5” với bản thân hoặc đắm mình trong những sở thích một thời... đó là “gap year”-một hoạt động phổ biến với giới trẻ thế giới và đang thu hút không ít bạn trẻ Việt.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp