Tác giả Thích Phước An (thứ 2 từ trái) cùng trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn (thứ 2 từ phải qua) - Ảnh: L.ĐIỀN |
Nhưng việc ra mắt sách chỉ là cái cớ, bởi bản thân dòng thông tin ngắn gọn rằng nhà sư Thích Phước An từ đồi Trại Thủy (Nha Trang) vào Sài Gòn đã có một sức quyến rũ đặc biệt đối với bạn bè, người đồng đạo và giới quan tâm.
Quyến rũ bởi tính cho đến nay, sư ông Thích Phước An là người còn lại của nhóm tao nhân mặc khách - những trí thức một thời lừng lẫy của miền nam trước kia với tên tuổi vẫn còn được nhiều bạn trẻ hiện nay tìm đọc như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Quách Tấn, Tuệ Sỹ...
Về đường đạo, những vị này ít nhiều gắn bó với Hòa thượng Thích Trí Thủ như một lớp môn đệ.
Còn trong không gian sinh hoạt trí thức thời bấy giờ, những tên tuổi này không chỉ tiêu biểu cho những con người tiên phong trong khám phá và trải nghiệm chân lý, mà còn rất mực tài hoa trong sáng tác và nghiêm cẩn trong hành trình nghiên cứu, khảo nghiệm các giá trị văn, triết giao thoa giữa bản sắc Việt Nam và tinh hoa Đông Tây.
Nay, những tên tuổi một thời hầu hết đều quá vãng, câu thơ “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ cây khế đồi cao trổ hết bông” của Phạm Công Thiện có còn gợi cho ai nhớ đến tên đồi Trại Thủy - nơi tọa lạc ngôi chùa Hải Đức nổi tiếng một thời không?
Hay đọc bài thơ của Quách Tấn “Chùa ẩn non mây trắng/ Bóng in hồ liễu xanh/ Mai chiều chuông đã tạnh/ Vòng sóng còn long lanh”, hẳn khách yêu thơ sẽ lại bồi hồi liên tưởng đến mái chùa Hải Đức một thời là điểm hẹn của nguồn thơ...
Sách do NXB Hồng Đức cấp phép xuất bản, phát hành trên cả nước từ ngày 26-11 - Ảnh: L.ĐIỀN |
Và rồi mừng rằng sư thầy Thích Phước An vẫn còn khỏe mạnh.
Mừng rằng giữa Sài Gòn oi ả ồn ào vẫn còn một khoảng không gian để mọi người đến và nghe vị sư già kể chuyện nhà thơ Trần Nhân Tông vào năm 1308 từ Yên Tử trở về kinh đô thăm người chị bị bệnh, thăm xong, trên đường về lại núi, ông ghé nghỉ lại một ngôi chùa ở làng Hương Cổ Châu.
Sáng hôm sau trước khi rời chùa ông vua Trần ghi lại một bài thơ trên vách tường mà trong đó có câu “khi cung ma bị quản chặt/ thì cõi Phật xuân không kể xiết”, thật là ý vị.
Cái ý vị của chuyện xưa dường như được nối liền với những người hôm nay.
Chính một nhóm bạn trẻ có lòng với văn hóa Việt, với lòng hâm mộ đạo Phật nghìn năm in đậm ở Việt Nam, đã chung tay in lại tác phẩm Đường về núi cũ chùa xưa như một cách kêu gọi mọi người hãy chung tay gầy dựng lại những mối giềng trong đạo lý và cách sống của người Việt mình, bắt đầu từ những bài học mềm mại của Phật giáo.
Và thật đáng quý làm sao, những người có mặt tại buổi gặp nhau đều cho rằng: điều này cần thiết lắm.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kêu gọi mọi người hãy cùng nhau sống và viết theo tinh thần Phật giáo, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn còn gợi mở thêm rằng mỗi chúng ta hôm nay nên nghĩ đến việc tự mình góp phần vào công cuộc phục hưng văn hóa dân tộc, chứ không nên giới hạn ở một tôn giáo nào.
Và rằng trong quá trình gọi nhau hãy làm điều gì đó có ích cho văn hóa Việt Nam hôm nay, còn phải nhìn rộng ra để học thêm từ phương Tây, từ những kinh nghiệm và thành tựu của thế giới văn minh, “chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay nhau để hồi sinh sức mạnh của dân tộc” - ông bày tỏ niềm tin tưởng.
Xin cảm ơn nhà sư Thích Phước An, cảm ơn tập sách mang nhiều bài học về Phật giáo Việt Nam, những câu chuyện, những tồn nghi, những giá trị một thời... mà nếu không nhắc lại, không xới lên, không chia sẻ bằng tinh thần gợi mở hẳn nó sẽ chìm vào quên lãng trong đáng tiếc.
Ông ngồi đó, kể chuyện và nghe những bạn đọc trẻ tâm sự, nghe những chuyện vui buồn đang ngày ngày diễn ra rất xa mà cũng rất gần với ngọn đồi Trại Thủy bấy nay ông gắn bó.
Ông bảo, "sắp tới tôi sẽ ra tiếp quyển sách Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng, viết về những người bạn bè văn thơ xưa, những nhận vật một thời quen thuộc với mọi người và ít nhiều đều có giao tình với tôi...".
Vậy là chúng ta vẫn còn có thể chờ tin bút mực từ đồi Trại Thủy, chẳng phải vui sao!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận