01/11/2024 14:12 GMT+7

Gặp sự cố, tàu Voyager 1 dùng thiết bị cũ từ năm 1981 để liên lạc NASA gây kinh ngạc

NASA bị mất liên lạc với tàu thăm dò Voyager 1 gần một tuần, con tàu đã gây kinh ngạc khi dùng một thiết bị cũ chưa từng được sử dụng kể từ năm 1981 để gửi tín hiệu về Trái đất.

Gặp sự cố, tàu Voyager 1 dùng thiết bị cũ từ năm 1981 để liên lạc NASA gây kinh ngạc - Ảnh 1.

Hình minh họa tàu thăm dò Voyager 1 - Ảnh: NASA

Tàu thăm dò Voyager 1 và người anh em song sinh Voyager 2 đã du hành vũ trụ 47 năm và hiện cách Trái đất hơn 24 tỉ km. Con tàu liên lạc với Trái đất bằng Mạng lưới không gian sâu - một mạng lưới ăng ten vô tuyến toàn cầu được dùng để hỗ trợ các sứ mệnh liên hành tinh. 

Phải mất hơn 22,5 giờ để gửi hoặc nhận tín hiệu giữa Trái đất và Voyager 1.

Trang LiveScience ngày 31-10 đưa tin vào ngày 16-10, các kỹ sư của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã gửi lệnh yêu cầu Voyager 1 bật một trong những máy sưởi để giữ ấm con tàu giữa không gian lạnh giá. Tuy nhiên, đến ngày 18-10, Voyager 1 vẫn không phản hồi.

Theo lý, Voyager 1 phải có đủ năng lượng để thực hiện lệnh này song thay vào đó, lệnh từ NASA đã kích hoạt hệ thống bảo vệ lỗi của con tàu. Hệ thống này sẽ tự động được kích hoạt để phản ứng với các vấn đề trên tàu, bao gồm tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt các hệ thống không cần thiết, trong đó có máy phát vô tuyến chính của tàu.

Cuối ngày 18-10, NASA bắt được tín hiệu của Voyager 1 nhưng đến ngày 19-10 thì tín hiệu này "dường như đã dừng hoàn toàn".

Theo các kỹ sư NASA, trong thời gian trên, hệ thống bảo vệ lỗi của Voyager 1 đã kích hoạt thêm 2 lần nữa. Điều này buộc con tàu phải tắt máy vô tuyến băng tần X chính và tự động chuyển sang máy phát băng tần S dự phòng.

Băng tần S cần ít năng lượng hơn, song Voyager 1 đã không sử dụng thiết bị này để liên lạc với Trái đất kể từ năm 1981 do tín hiệu phát yếu hơn. Dù không chắc chắn có thể bắt được tín hiệu băng tần S do khoảng cách quá xa giữa Trái đất và Voyager 1, các kỹ sư NASA vẫn thử gửi tín hiệu đi vào ngày 22-10 và tìm thấy tín hiệu băng tần S do tàu gửi về vào ngày 24-10.

Nhóm xác nhận máy phát băng tần S vẫn hoạt động tốt ngay cả sau ngần ấy thời gian và ở một khoảng cách đáng kinh ngạc. Hiện tại, dù đã khôi phục được liên lạc nhưng các kỹ sư vẫn cần thêm vài ngày hay vài tuần để xác định vấn đề cơ bản của tàu.

Voyager 1 và 2 được phóng vào năm 1977. Chúng vẫn là 2 tàu vũ trụ duy nhất vượt ra bên ngoài nhật quyển - nơi Mặt trời và các hành tinh của nó cư ngụ, và trở thành phương tiện du hành trong không gian giữa các vì sao (interstellear) đầu tiên và duy nhất tính đến nay của nhân loại.

Trong sự cố trước đó, NASA đã sửa thành công hệ thống truyền dữ liệu bị lỗi của con tàu già nua này từ khoảng cách hơn 24 tỉ km.

Gặp sự cố, tàu Voyager 1 dùng thiết bị cũ từ năm 1981 để liên lạc NASA gây kinh ngạc - Ảnh 3.Tàu vũ trụ đầu tiên bay ngang qua Mặt trăng - Trái đất

Tàu vũ trụ JUICE của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã thực hiện thành công chuyến bay ngang qua Mặt trăng - Trái đất đầu tiên trên thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp