
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM) vào chiều 10-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng PGS.TS Trần Hoàng Ngân xung quanh vấn đề nạp năng lượng cho nền kinh tế. Ông nói:
- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào ba trụ cột chính: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa. Nay xuất khẩu đang gặp khó, dù Mỹ hoãn thuế 90 ngày nhưng mọi việc chưa rõ ràng trong khi Trung Quốc lại có động thái trả đũa càng làm cho thương chiến thêm phức tạp.
Vì thế, bên cạnh linh hoạt đàm phán để có mức thuế hợp lý, khai thác các thị trường khác ngoài Mỹ để đưa trụ cột xuất khẩu trở lại bình thường, và ngay lúc này phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, trước mắt là mở rộng hai trụ cột tăng trưởng còn lại là đầu tư xã hội và tiêu dùng nội địa.
Đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng đất nước về nông nghiệp, du lịch và tìm ra các động lực tăng trưởng mới từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dịch vụ... để ứng phó linh hoạt với các rủi ro trong một thế giới nhiều bất định để qua đó duy trì đà tăng trưởng trước mắt là từ 8% và sau này là hai con số.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Nâng niu, trân trọng thị trường 100 triệu dân
* Hiểu đơn giản là phải nạp thêm năng lượng cho hai trụ cột tăng trưởng còn lại, nhưng bắt đầu từ đâu, giải pháp phải đủ mạnh đến mức nào, thưa ông?
- Trong tình hình hiện nay, cần có cả nạp năng lượng cho giai đoạn trước mắt khi thuế quan chưa rõ ràng và sau đó là có kế hoạch dài hạn khai thác các lợi thế mà chúng ta có được, phát huy tiềm năng của các địa phương sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, tạo lập ra các "đầu tàu" mới và không gian phát triển mới với nhiều khát vọng vươn xa.
Về giai đoạn trước mắt, phải vực dậy sức mua của thị trường nội địa. Chúng ta có một thị trường hơn 100 triệu dân mạnh mẽ trong tiêu dùng, rất đoàn kết, luôn chia sẻ trong khó khăn. Tiêu dùng nội địa đóng góp 60% GDP.
Chúng ta muốn có tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 thì tiêu dùng nội địa phải tăng 10 - 12%, trong khi các năm qua chỉ tăng khoảng 7 - 8%. Tâm lý phòng thủ, chi tiêu chặt chẽ đã xuất hiện lại được "củng cố" như trong đại dịch COVID-19 chưa cởi bỏ được nay lại thêm "vững vàng" do tác động của thương chiến thế giới.
Vì vậy, nhanh chóng có giải pháp mạnh mẽ để chia sẻ cùng người tiêu dùng, nhất là những người có nguy cơ mất thu nhập do thương chiến. Các giải pháp này cũng phải dài hơi, bao quát để đã "đột" là phải "phá" cho tan băng, không thể có giải pháp chập chờn.
* Nhưng muốn người dân mở hầu bao thì phải tăng thu nhập, tức có thêm tiền, tình hình này lấy đâu ra?
- Nhà nước phải có chính sách để chia sẻ cùng người dân. Cần phải giảm ngay thuế thu nhập cá nhân thay vì theo lộ trình đến năm 2026. Với loại thuế này, tính cấp thiết phải sửa đã quá rõ ràng, đồng thuận; nếu việc giảm thuế được thông qua, chắc chắn sẽ tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng.
Người dân hiểu Nhà nước đang đồng hành và chia sẻ. Vì vậy thời điểm giảm thuế rất quan trọng, phải đúng lúc, kịp thời, bỏ qua điểm rơi, tâm lý phòng thủ lan rộng hơn thì thay đổi rất khó.
Giải pháp mạnh, đột phá là gì? Đó là bên cạnh tăng giảm trừ gia cảnh, thu hẹp thuế suất... với thuế thu nhập cá nhân cũng phải tính thêm giảm thuế giá trị gia tăng, theo hướng giảm thêm thuế suất, mở rộng ra các mặt hàng và dịch vụ khác theo một lộ trình dài hơi hơn thay vì cứ sáu tháng một lần như những lần giảm thuế trước đây.
Tình hình nay đã khác, khó khăn nhiều hơn, cấp bách hơn, cần phải có những biện pháp và quyết sách mạnh mẽ. Chậm một ngày sẽ càng thêm chất phụ gia cho tảng bê tông thắt chặt hầu bao. Hãy nâng niu, trân trọng thị trường 100 triệu dân.
Chính thị trường này đã từng đưa nền kinh tế vượt qua những lúc khó khăn nhất, gần nhất là đại dịch COVID-19. Cũng cần nhắc lại rằng, để xảy ra suy giảm kinh tế, phải mất nhiều năm, như suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 phải 5 năm sau mới phục hồi.
Có kịch bản cho mọi mức thuế
* Nhưng như thế đã đủ, liệu cần có những kịch bản cho tình huống xấu nhất của thuế quan?
- Thuế quan còn phức tạp, vì vậy chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều kịch bản - thuế cao, thuế ở mức vừa phải và thuế như trước - để có giải pháp ứng phó phù hợp. Để không bị động, ảnh hưởng đến sức mua và đời sống người lao động ở khu vực làm hàng xuất khẩu, trước hết cần phải rà soát và lập ra danh sách các doanh nghiệp, người lao động có thể bị ảnh hưởng do thuế quan để có chính sách giảm thuế, phí, tiền thuê đất, rồi có cơ chế để ngân hàng giãn, hoãn, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp...
Về phía người lao động, cũng cần có ngay kịch bản chính sách như thời dịch COVID-19 khi doanh nghiệp phải đóng cửa do phong tỏa. Đó là các giải pháp tình thế, trước mắt để hạn chế tối đa thiệt hại của doanh nghiệp và đời sống người lao động.
Các giải pháp tìm thị trường mới, thích ứng với thuế quan mới... cũng cực kỳ quan trọng nhưng cần thời gian mới có thể tận dụng và phát huy được các lợi ích từ 17 hiệp định thương mại tự do.
* Khi đã có kịch bản ứng phó thì có nên hy vọng rằng tình hình rồi sẽ sáng hơn, lạc quan hơn?
- Chúng ta sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, nhiều phức tạp phải giải quyết nhưng cũng phải thấy rằng Mỹ áp thuế không chỉ có một vài đối tác mà là tất cả các đối tác thương mại của họ. Ta khó, các nước cũng khó, thậm chí có nước khó hơn ta nhiều.
Bạn xoay trở, ta cũng phải tìm lối ra. Nhưng người dân Mỹ không thể dừng tiêu dùng và đã quen với hàng Việt Nam 30 năm qua và cũng không chấp nhận giá cả tăng cao do thuế quan. Phải có một lối ra. Nhưng dù thế nào chúng ta cũng phải có các kịch bản để có thể trụ lại, giảm thiểu tối đa những tác động nếu có đến người dân, đến tăng trưởng kinh tế.
Theo tôi, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản ứng phó với thuế quan và thương chiến thế giới để sớm trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 trong tháng 5. Tác động của thuế quan và khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu là rất lớn, vì thế cần những thể chế và chính sách ứng phó kịp thời. Điều này đã được chứng minh trong đại dịch COVID-19.
Tăng đầu tư công, kích đầu tư tư nhân
Về trụ cột đầu tư công, hiện nợ công ở mức 37% GDP trong khi trần nợ công là 60% GDP. Như vậy Chính phủ có thể vay thêm tiền đầu tư cho các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, văn hóa...
Các khoản đầu tư này sẽ kích thích, đón đầu đầu tư từ khu vực tư nhân để tạo ra làn sóng đầu tư sau khi chúng ta hoàn thành tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại địa giới hành chính với không gian phát triển mới rộng hơn và tươi sáng hơn.
Mở máy chạy hết tốc lực, đừng vội thở phào!

Việc hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực ứng phó rủi ro - Ảnh: K.GIANG
Phản ứng từ ngành dệt may cho thấy 90 ngày hoãn áp thuế là lúc tất cả phải "chạy" hết tốc lực, chứ không phải là lúc nghỉ xả hơi.
Phản ứng từ ngành dệt may cho thấy 90 ngày hoãn áp thuế là lúc tất cả phải "chạy" hết tốc lực, chứ không phải là lúc nghỉ xả hơi.
"Chạy bốc khói" để xuất hàng
Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty may mặc Dony, cho biết các đơn hàng của đơn vị mình vốn dĩ lên kế hoạch giao vào tháng 7 nay phải hoàn thành trong cuối tháng 5.
"Thời gian vận chuyển sang Mỹ trung bình hơn một tháng, nhưng chúng tôi vẫn chủ động tính dư ra một tháng rưỡi để phòng ngừa rủi ro, hàng phải cập cảng Mỹ trước ngày 9-7 (hết 90 ngày gia hạn thuế đối ứng). Những đơn hàng đi Mỹ giờ đây phải chạy bốc khói", ông Quang Anh nói.
Để đáp ứng yêu cầu tiến độ gấp rút, doanh nghiệp dồn toàn lực để đốc thúc nhà cung cấp nguyên phụ liệu, tái phân bổ nhân sự và xin trì hoãn các đơn hàng ít cấp thiết hơn sang Trung Đông, châu Âu...
Theo ông Quang Anh, trong bối cảnh hiện tại, khả năng thích ứng nhanh là yếu tố sống còn. "Doanh nghiệp buộc phải xây dựng mô hình hoạt động linh hoạt tối đa, sẵn sàng ứng biến trong mọi kịch bản", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Quang Anh cho rằng một trong những bài học lớn từ biến động chính sách lần này là tầm quan trọng của việc chủ động nguồn cung nguyên liệu. "Trước kia, chúng ta chỉ tập trung vào đầu ra, nhưng nay đầu vào cũng vô cùng quan trọng.
Phát triển nguyên liệu nội địa chính là bước đi chiến lược của Dony trong giai đoạn tới để tăng tính chủ động và rút ngắn chuỗi cung ứng, dễ xử lý các tình huống đột xuất", ông chia sẻ.
Khoảng lặng cần thiết để chuẩn bị cho kịch bản bất lợi
Ông Phạm Văn Việt - chủ tịch Công ty Việt Thắng Jeans, phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM - cũng cho rằng việc chủ động nguyên vật liệu, đặc biệt ưu tiên nguyên vật liệu trong nước, là cấp thiết và đây cũng là chiến lược sắp tới của Việt Thắng Jeans.
Tuy nhiên, ông đồng thời cảnh báo rằng đây không phải là "cơ hội dài hạn", mà là "khoảng lặng cần thiết để chuẩn bị cho kịch bản bất lợi".
Trong ngắn hạn, tâm lý thị trường đã phần nào ổn định nhưng áp lực vẫn rất lớn, bởi các nhà mua hàng quốc tế đang âm thầm đánh giá lại chuỗi cung ứng và các rủi ro pháp lý để tái phân bổ đơn hàng trong trung và dài hạn.
"Phía sau quyết định tạm hoãn là quá trình rà soát, điều tra kỹ lưỡng hơn từ Mỹ. Nếu không có chuyển biến tích cực trong đối thoại chính sách hoặc không chứng minh được tính minh bạch, thuế hoàn toàn có thể được áp dụng sau 90 ngày", ông Việt nhấn mạnh.
Ở góc độ hiệp hội, ông Việt khuyến cáo doanh nghiệp tập trung vào ba trụ cột ứng phó để giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thích ứng với biến động trong 90 ngày tới là:
1. Minh bạch chuỗi cung ứng: Chủ động thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đến từng lô nguyên liệu. Vì thế, cần ưu tiên đầu tư vào số hóa dữ liệu chuỗi cung ứng, kiểm định độc lập và công bố minh bạch với đối tác.
2. Chủ động truyền thông với khách hàng: Nên chủ động cập nhật chứng chỉ tuân thủ quốc tế, cung cấp thông tin rõ ràng về chuỗi cung ứng và thể hiện cam kết trách nhiệm.
3. Đa dạng hóa thị trường và nâng cấp sản phẩm: Ngoài Mỹ, cần mở rộng sang Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường nội địa. Song song đó, cần đầu tư vào thiết kế, phát triển thương hiệu và chuyển dần sang mô hình ODM/OEM nhằm nâng cấp chuỗi giá trị, thích ứng với môi trường thương mại toàn cầu đầy biến động.
Với tầm nhìn dài hạn, ông Việt đề xuất chiến lược "chủ quyền chuỗi cung ứng", trong đó trọng tâm là phát triển "vành đai nguyên liệu khu vực" thông qua hợp tác công - tư để đầu tư vùng nguyên liệu bông, xơ, sợi tại các tỉnh Nam Trung Bộ, ĐBSCL hoặc liên kết với các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Indonesia. Bên cạnh đó, ngành cần thu hút dòng vốn FDI chiến lược vào các phân khúc dệt - nhuộm - hoàn tất sạch, đạt chuẩn ESG. Đây là điều kiện tiên quyết để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe, đặc biệt tại các thị trường cao cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận