Doanh thu của nhiều tiểu thương ở chợ Đà Nẵng giảm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: T.Lực
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho rằng dịch bệnh này khiến nhiều khách vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
926.000 tỉ đồng có nguy cơ thành nợ xấu
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua báo cáo sơ bộ của 23 tổ chức tín dụng, có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch này.
Trong đó, một số ngành bị ảnh hưởng lớn gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục...
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, theo Ngân hàng Nhà nước, trong vòng 3 tuần qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho trên 44.000 khách vay với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, lãnh đạo của nhiều ngân hàng cho rằng lợi nhuận của chính ngân hàng cũng bị giảm trong năm nay bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi.
Chính vì vậy, ngân hàng cũng gặp khó khăn và là ảnh hưởng dây chuyền. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, ngân hàng phải chung tay, chia sẻ với khách hàng, đồng thời cũng chính là để cứu mình.
Ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Sớm có quy định cơ cấu nợ cụ thể
Ông Lê Ngọc Lâm - tổng giám đốc BIDV - cho biết qua đánh giá ban đầu, số khách hàng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh này có tổng dư nợ khoảng 140.000 tỉ đồng, xấp xỉ 13% dư nợ cho vay của BIDV.
Dù BIDV cũng như nhiều ngân hàng đã kịp thời giảm lãi, khoanh nợ... cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chí đánh giá mức độ thiệt hại do dịch COVID-19 và đối tượng nào sẽ được hỗ trợ để các ngân hàng thực hiện.
"Điều quan trọng là phải đưa ra được những tiêu chí đánh giá rất cụ thể. Chẳng hạn, doanh thu bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, so với quý trước, tháng trước... trên cơ sở đó, đánh giá mức thiệt hại và hỗ trợ cho khách hàng" - ông Lâm kiến nghị.
Cùng chung đề xuất cơ quan quản lý sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện khoanh nợ, giảm lãi vay... cho khách hàng, ông Lưu Trung Thái - tổng giám đốc MB - kiến nghị nên kéo dài thời hạn trả nợ.
Cụ thể, với những nhóm khách vay bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, lưu trú, vận tải nên kéo dài 12 tháng đối với ngắn hạn, còn vay trung hạn là 24 tháng. Bởi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào dừng và chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp như du lịch, vận tải sẽ còn khó khăn kéo dài.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tiết Văn Thành - tổng giám đốc Agribank - thừa nhận hiện nay nhiều doanh nghiệp gặp khó do không có doanh thu, nên không có dòng tiền để trả nợ.
Ông Thành cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank sẽ áp dụng thêm các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra sẽ cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh. "Nói chung ngân hàng sẽ làm hết các biện pháp theo quy định để gỡ khó không chỉ cho doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân" - ông Thành cho biết.
Cũng liên quan đến giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - cho hay tuần trước Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết nhằm tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng thực hiện, tránh lạm dụng làm sai lệch chất lượng tín dụng.
"Về phía ngân hàng, sẽ căn cứ vào hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước để cơ cấu lại nợ, cho phép doanh nghiệp trả nợ theo dòng tiền, giãn nợ.
Song song đó, việc cho vay theo các gói lãi suất ưu đãi cũng cần thiết. Các doanh nhân sẽ tìm cách xoay trở để tìm thị trường mới, vì thế họ vẫn cần nguồn vốn để trang trải các chi phí và phía ngân hàng sẽ sẵn sàng hỗ trợ nếu phương án khả thi", ông Tùng nói.
Chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 - Ảnh: Chí Quốc
Cá nhân vay trả góp cũng "liêu xiêu"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số ngân hàng khác cũng cho hay từ sau tết, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm hẳn so với cùng kỳ các năm trước, không như kỳ vọng.
Một số ngành tăng trưởng tín dụng còn âm do doanh nghiệp có xu hướng co cụm lại vì lo ngại rủi ro do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM nêu ý kiến rằng ngoài hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, các cá nhân làm trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, khách sạn... có vay mua nhà và gặp khó do dịch bệnh cũng nên có chính sách hỗ trợ họ.
"Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân thì cũng nên có chính sách hỗ trợ người lao động, công nhân trong các công xưởng bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc... có vay ngân hàng và gặp khó khăn trong việc trả nợ", vị lãnh đạo này nói.
Trên thực tế, khá nhiều cá nhân vay vốn để mua nhà, vay tiêu dùng cũng đang gặp nhiều khó khăn do không có nguồn thu nhập để trả nợ hằng tháng cho ngân hàng. Như trường hợp của cô giáo T. ở quận 4 vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp trong 20 năm.
Hằng tháng cô phải trả nợ ngân hàng 12 triệu đồng, nguồn thu để trả nợ chủ yếu từ hoạt động dạy thêm của 2 chị em. Nhưng từ sau tết đến nay, các lớp dạy thêm cũng phải dừng lại theo lịch nghỉ chung của thành phố, hai chị em chật vật chạy vạy để có tiền trả góp. Tình hình này kéo dài sẽ không biết xoay trở thế nào.
Theo nhiều ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cần có tiêu chí cụ thể nhưng chặt chẽ về cơ cấu lại nợ nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách gỡ khó mùa dịch để lẩn vào đó các trường hợp nợ xấu do các nguyên nhân khác, làm méo mó bức tranh tổng thể về nợ xấu.
* Ông Đinh Văn Nhã (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):
Ưu tiên khôi phục sản xuất
Đã có nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đề xuất Chính phủ xem xét giảm 50% thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập của năm 2020 để tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Luật ngân sách năm 2015, thẩm quyền quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế này là thuộc Quốc hội; còn giãn, hoãn hai loại thuế này thẩm quyền của Chính phủ.
Theo quy định với thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là tạm nộp, và ngày 31-3 năm sau mới là hạn cuối cùng để quyết toán thuế này. Còn thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp nộp thay người tiêu dùng và nộp theo doanh thu thực tế phát sinh. Nếu doanh thu giảm, thậm chí không có doanh thu thì không phải nộp loại thuế này.
Do vậy, trước mắt, giải pháp quan trọng nhất là cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh, bởi không có doanh thu lấy đâu ra tiền để doanh nghiệp trả lãi vay và nợ gốc.
Đồng thời Chính phủ cũng sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu sản xuất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Đây cũng là một giải pháp quan trọng để những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 có thể vượt khó.
Chính phủ cũng nên gia hạn chậm nộp thuế đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là ưu tiên cho nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Thời hạn chậm nộp thuế này là 3 tháng, thậm chí là 6 hoặc 9 tháng thay vì phải nộp ngay trước khi thông quan. Việc cho chậm nộp tiền thuế nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu sẽ giải quyết khó khăn tài chính, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về đề xuất của doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn giảm 50% thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng cũng nên tính đến.
Giải pháp này có lợi cho doanh nghiệp và người dân. Khi thuế giá trị gia tăng giảm, giá tour, giá thuê phòng... giảm, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Khi đó, doanh thu tăng sẽ hỗ trợ được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này bớt khó khăn hơn.
L.THANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận