16/04/2023 09:19 GMT+7

Gấp rút giảm thuế để cứu sức mua

Doanh nghiệp, người dân vừa được Chính phủ hỗ trợ khi cho gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất năm nay.

Gấp rút giảm thuế để cứu sức mua - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty cơ khí Duy Khanh, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Tuy nhiên, vẫn cần thêm các chính sách để tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cụ thể là sớm giảm thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ từ 10% xuống 8%.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Nghị định 12 vừa được Chính phủ ban hành quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14-4. Theo đó, các doanh nghiệp đánh giá đây là giải pháp hỗ trợ kịp thời trong bối cảnh kinh doanh đang hết sức khó khăn.

Thời gian gia hạn 3 - 6 tháng tùy theo khoản tiền thuế.

Đối tượng được hưởng chính sách gia hạn trong năm nay như năm 2022, trừ ngành ngân hàng.

Cụ thể, Chính phủ gia hạn tiền thuế và thuê đất trong năm nay đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm...

Bộ Tài chính ước tính tổng số tiền và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn trong năm nay là 110.000 tỉ đồng, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Thực hiện nghị định này, Tổng cục Thuế kịp thời có văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương hướng dẫn người nộp thuế triển khai chính sách này.

Cần sớm giảm thuế giá trị gia tăng cứu sức mua

Song đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh sức mua giảm, giải pháp cần tăng cường kịp thời là kích cầu, hỗ trợ cho người tiêu dùng. Thông tin từ Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2023 với hai phương án.

Phương án 1 là giảm 2% mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% còn 8%.

Phương án 2 là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50.200 tỉ đồng đã hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp và người dân.

Đánh giá về các giải pháp tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam - bình luận về cơ bản các giải pháp giãn, giảm thuế của Bộ Tài chính như áp dụng trong năm 2022.

Để tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính sớm đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ có thuế suất 10%.

"Nghị quyết 50 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu cả việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và có hiệu ứng tốt nhất trong các giải pháp, một giải pháp nhưng đạt được nhiều mục đích", bà Cúc nhận định.

Bởi, theo phân tích của bà Cúc, tại thời điểm này chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên...

Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.

Bởi lẽ thuế giá trị gia tăng nằm trong giá, khi giảm 2% thuế giá trị gia tăng sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất.

Ưu đãi nhưng đừng "hành" doanh nghiệp

Ông Chung Thành Tiến - giám đốc Công ty TNHH DV kế toán Đồng Hưng - cho rằng trong hai phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng năm 2023 mà Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đưa ra thì phương án 1 ổn và dễ thực hiện hơn.

Vì theo phương án này sẽ là giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% còn 8%.

Theo ông Tiến, nhìn chung việc giảm 2% mức thuế suất giá trị gia tăng là rất nên làm trong bối cảnh hiện tại khi mà sức mua giảm sút, từ đó sẽ kích cầu mua sắm, giải phóng hàng tồn...

Nhưng chính sách cần đơn giản nhất có thể, vì đối tượng trực tiếp được hưởng ưu đãi giảm 2% giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Nhưng với chính sách như năm ngoái thì người bị hành lại là doanh nghiệp", ông Tiến nói.

"Nhưng trên thực tế văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế chỉ chung chung, do vậy việc phân biệt sản phẩm nào được giảm thuế, sản phẩm nào không là cả một vấn đề. Từ đó dẫn đến việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% của năm 2022 rối như tơ vò. Nội chuyện phải đi lại, làm văn bản hỏi cũng... hết hơi.

Có trường hợp nản quá xin vẫn áp dụng 10% không cần nhận ưu đãi cũng không được. Doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng đã khó, vậy mà đến việc xuất hóa đơn thôi cũng khổ, như vậy thà không cho ưu đãi còn hơn", ông Tiến nêu lên thực trạng của năm ngoái.

Bà Cúc cũng đề nghị cần giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho toàn bộ các mặt hàng, dịch vụ có thuế suất từ 10% xuống 8%. Mục đích là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chợ du lịch, ngành hàng thực phẩm "đuối" vì ế

Vắng khách, hiện nhiều sạp tại chợ Bến Thành vẫn còn nghỉ, treo biển cho thuê - Ảnh: N.TRÍ

Vắng khách, hiện nhiều sạp tại chợ Bến Thành vẫn còn nghỉ, treo biển cho thuê - Ảnh: N.TRÍ

Đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) cho biết dù lượng khách đã tăng mạnh so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với trước dịch. Trong 1.490 sạp thì hiện vẫn còn hơn 322 sạp tạm ngưng hoạt động, phần lớn thuộc các ngành hàng trang sức, lưu niệm.

"Lượng khách đến chợ thời điểm này đạt 4.000 - 6.000 khách/ngày, chỉ bằng khoảng 60% so với trước dịch COVID-19. Ngoài lượng giảm, mức độ chi tiêu của mỗi khách cũng thấp, chỉ bằng 50 - 60% so với lúc ổn định", vị này thông tin.

Theo bà Huỳnh Thị Trang - một tiểu thương kinh doanh hàng vải tại chợ Bến Thành, trước dịch COVID-19 lượng khách Malaysia, Indonesia, Myanmar... qua mua vải, quần áo khá nhiều, chiếm khoảng 70% nguồn khách của ngành hàng. Tuy nhiên, sau dịch đến nay lượng khách này phục hồi rất chậm.

"Khách nước ngoài chiếm 70 - 80% khách đến chợ nên việc sụt giảm lượng khách này khiến nhiều tiểu thương chưa dám bán lại. Nhà nước xem có chính sách miễn, giảm thuế phí cho tiểu thương giai đoạn khó khăn này", bà Trang nói.

Trong khi đó, dù là kinh doanh thực phẩm thiết yếu với hệ thống phân phối rộng khắp, nhưng nhiều doanh nghiệp lớn cũng ghi nhận sức mua giảm mạnh.

Theo bà Phạm Thị Huân - chủ tịch HĐQT Công ty Ba Huân (TP.HCM), sức mua đang giảm khoảng 20% so với mức ổn định khoảng 1 triệu quả trứng/ngày vào các năm trước. Với sản phẩm thịt tươi sống, đại diện Công ty Vissan (TP.HCM) cho biết nhiều tháng qua sức mua thường xuyên giảm 30 - 40% so với mức ổn định khoảng trên dưới 60 tấn/ngày trước đó.

"Đơn vị liên tục áp dụng các chính sách khuyến mãi để kích cầu nhưng sức mua vẫn khá chậm. Với lượng và giá bán thời điểm này, nhiều lúc chúng tôi phải chịu lỗ", đại diện đơn vị này than.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo bình ổn, hàng gia vị, rau củ... giá bán đang ở mức thấp, thậm chí giảm nhiều so với năm ngoái. Do đó, việc ế ẩm hiện nay chủ yếu đến từ việc người dân bị giảm thu nhập nên thắt chặt chi tiêu.

NGUYỄN TRÍ - CÔNG TRUNG

Cần gỡ ách tắc hoàn thuế giá trị gia tăng

Không chỉ hỗ trợ cho người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, một trong những điểm cần tháo gỡ để vực dậy doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay là tháo gỡ khâu hoàn thuế giá trị gia tăng. Hơn một năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không được hoàn thuế giá trị gia tăng vì rất nhiều lý do, trong đó có "nỗi sợ rủi ro" của ngành thuế.

Ông Chung Thành Tiến - giám đốc Công ty TNHH DV kế toán Đồng Hưng - cho hay có nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp nước ngoài dù nộp đầy đủ hồ sơ nhưng cơ quan thuế viện đủ lý do để không hoàn thuế, như yêu cầu thêm chứng từ chứng minh, rồi chuyển từ hoàn thuế trước kiểm tra sau sang kiểm tra trước hoàn thuế sau để kéo dài thời gian hoàn thuế.

Nhưng, sau khi kiểm tra xong lại đưa ra thêm các yêu cầu, đòi hỏi vô lý, thậm chí thà chấp nhận viết thư xin lỗi doanh nghiệp chứ không giải quyết cho hoàn thuế. Đáng lưu ý, tình trạng này đã lan ra cục thuế nhiều tỉnh thành, làm xấu đi môi trường kinh doanh.

"Cứ kéo dài tình trạng này thì doanh nghiệp kiệt quệ vì bị đọng vốn, có doanh nghiệp đọng đến vài chục đến hàng trăm tỉ đồng, vậy thì lấy vốn đâu mà sản xuất kinh doanh.

Rồi doanh nghiệp không có vốn lại nợ bảo hiểm xã hội, phải vay nợ ngân hàng để duy trì hoạt động, trong khi vốn của họ lại không lấy ra được. Nợ dây chuyền. Do vậy kiến nghị Bộ Tài chính cần có giải pháp để tháo gỡ chứ nếu cứ kéo dài thì các biện pháp hỗ trợ sẽ khó phát huy được tối đa tác dụng", ông Tiến nói.

Cần tiếp tục giảm 2% thuế VATCần tiếp tục giảm 2% thuế VAT

Kinh tế khó khăn, hơn 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhưng thu ngân sách quý 1-2023 ước đạt 491.500 tỉ đồng, đã bằng 30,3% dự toán năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp