23/09/2023 12:30 GMT+7

Gấp rút đào tạo nhân lực vi mạch đón đầu tư từ Mỹ

Việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành bán dẫn của Việt Nam. Trong đó, đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là rất cần thiết.

Những thành viên khóa đào tạo giảng viên (Training of Trainers - ToT) đầu tiên của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Những thành viên khóa đào tạo giảng viên (Training of Trainers - ToT) đầu tiên của Trung tâm thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Nhiều công ty đang đẩy mạnh đào tạo và hợp tác đào tạo đội ngũ nhân lực này để tận dụng cơ hội từ hợp tác này.

Nhu cầu nhân lực vi mạch tiếp tục tăng

Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Synopsys Việt Nam đã tổ chức lễ bế giảng khóa đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch Synopsys Intensive Program 2023 cho 30 học viên xuất sắc nhất từ hơn 500 hồ sơ ứng tuyển.

Các bạn sinh viên tài năng này đến từ các chuyên ngành đào tạo liên quan đến vi mạch như điện tử, viễn thông, tự động hóa, máy tính và vật lý, thuộc các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ.

Chia sẻ về chương trình, ông Nguyễn Phúc Vinh, giám đốc kỹ thuật Công ty Synopsys Việt Nam, cho biết: "Chương trình hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, Công ty Synopsys có hỗ trợ chi phí cho tất cả học viên tham dự khóa học như thực tập sinh chính thức của Synopsys Việt Nam".

Trong năm 2022, Synopsys cũng đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch, chương trình đào tạo trực tuyến với 80 học viên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Các chương trình đào tạo này đến từ hợp tác giữa Công ty Synopsys với ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) trong việc hỗ trợ đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phúc Vinh cho biết theo thông tin tổng hợp trên Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhu cầu nhân lực cho ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam hiện đang tăng cao, dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới.

Các doanh nghiệp mới vào và các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tiếp tục mở rộng và tăng cường tuyển dụng và đào tạo kỹ sư trẻ từ Việt Nam. Các doanh nghiệp ở các nước tiên tiến cũng liên tục tuyển dụng kỹ sư thiết kế vi mạch từ Việt Nam sang làm việc trong những năm gần đây.

"Trung bình một doanh nghiệp mới có nhu cầu tuyển dụng từ 50 - 100 kỹ sư thiết kế vi mạch. Từ thống kê của nhóm quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư hằng năm tăng dần từ 350 năm 2021 lên 400 năm 2022 và dự báo lên đến 500 trong năm 2023", ông Vinh cho biết.

Sự gia tăng nhu cầu trong ngành thiết kế vi mạch cũng kéo theo sự gia tăng của nhóm ngành thiết kế hệ thống nhúng, lập trình cho các phần mềm thiết kế, quản lý hệ thống máy chủ và kết nối đám mây, dễ thấy nhất là sự gia tăng ở các nhóm ngành sử dụng trực tiếp các sản phẩm vi mạch như điện tử, máy tính, viễn thông và tự động hóa.

Mong nhận đầu tư phát triển nhân lực bán dẫn từ Mỹ

Trong khi đó, tại cuộc trả lời phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ, ông Kim Huat Ooi - phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam - nhận xét: "Nếu nhìn vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam, các bạn có rất nhiều cử nhân nhưng những nhân sự ở cấp độ cao hơn như thạc sĩ hay tiến sĩ lại không nhiều. Lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng cao hơn".

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo Intel lại cho rằng "đây lại là một cơ hội tốt". Lý do, theo ông Ooi, là bởi vì dân số Việt Nam rất lớn. "Chỉ cần một lượng lớn nhân sự tập trung vào lĩnh vực chuyên biệt cũng có thể mang đến lợi ích lớn cho quốc gia cũng như các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại đây", ông Ooi chia sẻ.

Đầu tháng 9, trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vài ngày, Trường ĐH FPT công bố thành lập khoa vi mạch bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Việc Trường ĐH FPT mở khoa vi mạch bán dẫn hướng tới đào tạo đông đảo người học là nhu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quy hoạch trọng điểm nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng như chuẩn bị sẵn sàng lực lượng nhân sự bán dẫn chất lượng cao cho thị trường toàn cầu.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT, đã đề xuất Chính phủ Mỹ đầu tư đào tạo từ 30.000 - 50.000 chuyên gia bán dẫn cho Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành này.

Ông Trương Gia Bình khẳng định: "Đại diện doanh nghiệp Việt, FPT mong muốn Chính phủ Mỹ có các chính sách hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (semiconductor ecosystem). FPT đề xuất Chính phủ Mỹ kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Boeing, AT&T, Qualcomm, Intel, Ford...

Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn khoảng 30.000 - 50.000 người". 

Ông Trương Gia Bình cũng bày tỏ mong muốn Trường ĐH FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.

"Việt Nam đang có những tham vọng rất lớn. Chúng ta đã nghe câu chuyện về Thung lũng Silicon và cũng đã nghe về thiết kế chip. Đối với tôi, đây cũng sẽ là bước tiếp theo để chúng ta có thể đi tiếp và sâu hơn vào những bước cao hơn của chuỗi giá trị.

Trong tương lai, tôi nghĩ việc sản xuất thiết bị bán dẫn không còn là mong ước xa vời nữa. Đương nhiên đây cũng sẽ là những khoản đầu tư khá tốn kém. Nhưng theo thời gian, việc này vẫn sẽ khả thi".

Ông Kim Huat Ooi (phó chủ tịch phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và vận hành, kiêm tổng giám đốc Công ty Intel Products Việt Nam)

Doanh nghiệp Việt làm chip vi mạch ứng dụng vào y tế, phân phối ở Úc, NhậtDoanh nghiệp Việt làm chip vi mạch ứng dụng vào y tế, phân phối ở Úc, Nhật

TTO - Ngày 28-9, Công ty FPT Semiconductor công bố ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp