Ra vẻ hút cật lực nhưng cuối cùng nhóm Đạt giở trò kê khống lừa lấy tiền của cô giáo ở cơ sở mầm non tại Bình Dương hơn 32 triệu đồng - Ảnh: cắt clip điều tra
Vẽ vời móc túi
Phản hồi sau khi đọc loạt bài "Từ dán quảng cáo bậy đến lừa đảo hút hầm cầu" đăng trên Tuổi Trẻ Online, rất nhiều bạn đọc đã kể lại câu chuyện mình cũng bị lừa khi thuê hút hầm cầu.
Bạn đọc Trần Anh Tài cho biết nhà ở thị trấn Hóc Môn, TP.HCM. Nhà anh Tài có làm hố ga, xài lâu ngày nên bị nghẹt nên nước không ra cống được. Anh gọi dịch vụ hút hầm cầu vét dọn hố ga. Loay hoay cả buổi, những người hút hầm cầu "làm đủ trò" nhưng nước vẫn không thoát rồi yêu cầu dùng máy có dây lò xo để thông.
"Nhóm này báo giá 1m3 phải chịu phí 700.000 đồng. Tôi nghĩ bể phốt của nhà cũng chỉ 4-5m3 là cùng, ước chừng cao lắm là 4 triệu đồng. Thế nhưng họ làm xong tính cho tôi 15m3 với chi phí hơn 10 triệu đồng", anh Tài viết.
Chung nỗi niềm, bạn đọc Minh Khôi kể lại bản thân cũng đã là nạn nhân. Khi nhóm hút hầm cầu vô khảo sát thì báo giá 650.000 đồng/m3. Anh Khôi đồng ý vì nghĩ hầm nhà mình xây kích thước 1m x 2m thì khoảng 3m3 là cùng. Chưa được 10 phút có 1 người ngoài xe bồn vô nói đầy xe rồi, báo 10m3.
"Tôi nghe mà choáng, may có hàng xóm làm dữ gọi cho tổ trưởng báo công an nên nhà tôi chỉ phải trả 2 triệu đồng. Nhóm người này rất hung hăng. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ rất nhiều, phải trừng trị thích đáng những kẻ lừa đảo trắng trợn này", anh Khôi đề nghị.
Một bạn đọc giấu tên cũng kể lại đã từng bị trường hợp tương tự từ năm 2020. Nhóm hút hầm cầu đến nhà và báo tính theo mét khối. Gia đình tưởng đâu hút khoảng 1-2m3 là nhiều lắm rồi. Ai ngờ hút xong họ bảo tính theo thể tích bồn trên xe, trong khi mực bồn trên xe bạn đọc không kiểm tra kỹ và chắc chắn có gian lận, họ tính đến mười mấy khối.
"Tính ra tiền tôi phải trả 16 triệu đồng, gia đình tôi đòi báo công an. Kỳ kèo mãi tôi chỉ trả họ 8 triệu đồng, cuối cùng họ đồng ý và đi", bạn đọc này vẫn còn ấm ức. Còn bạn đọc Thanh thì ngậm ngùi: "Má tôi gần 70 tuổi rồi cũng bị nhóm người hút hầm cầu lừa mất 7,5 triệu đồng!".
"Cứng cựa" hơn, bạn đọc Đinh Nhụy kể cũng đã một lần bị băng hút hầm cầu lừa nhưng kịp thời phát hiện và mắng cho một trận rồi tống cổ đi. Bạn đọc Nhụy đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những nhóm rút hầm cầu lừa đảo.
Khi phóng viên cho biết vừa thuê nhà và chủ nhà kêu hút hầm cầu cho sạch rồi dọn vào, Nguyễn Bá Đạt còn kéo phóng viên ra chỗ vắng và gợi ý "sẽ làm giá thật cao rồi chia phần trăm lại" - Ảnh: Cắt từ clip điều tra
Phải có đơn vị uy tín
Để không còn tái diễn cảnh người dân bị lừa đảo, nhiều bạn đọc cho rằng phải có một đơn vị uy tín đứng ra thực hiện công việc hút hầm cầu. Đơn vị này chịu sự giám sát của Nhà nước để không xảy ra chuyện gian lận.
Bạn đọc Khương Võ góp ý: "Mình nghĩ Công ty Môi trường đô thị TP.HCM nên thành lập thêm bộ phận chuyên hút hầm chất thải ở nhà người dân. Mình nhận thấy nguồn thu này cũng đáng kể vì nhu cầu của TP rất lớn. Có như vậy người dân, doanh nghiệp mới yên tâm và đảm bảo tất cả chất thải được qua xử lý khi ra ngoài môi trường".
Trước đó, khi trả lời chất vấn của Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết: "Cần phải hiểu rằng hiện nay pháp luật quy định đối với ngành nghề hút hầm cầu không yêu cầu bắt buộc một khung giá cố định, mà dựa trên giá thỏa thuận. Do đó không thể đặt ra khi pháp luật chưa có quy định".
Tuy nhiên từ vụ việc báo Tuổi Trẻ Online phản ánh, sở có thể căn cứ vào quá trình theo dõi hoạt động của các đơn vị hút hầm cầu gắn với các công ty xử lý chất thải. Từ đó sở sẽ cho công khai toàn bộ danh sách công ty, số điện thoại trên cổng thông tin điện tử. Trong số này sẽ lọc ra một số đơn vị có chất lượng phục vụ tốt cho người dân tham khảo và quyết định.
Với câu trả lời này, rất nhiều bạn đọc cho rằng không thỏa đáng!
Chung ý kiến, bạn đọc Ngân Lê cho rằng việc xử lý hầm cầu, thông cống nghẹt là một nhu cầu cấp thiết của người dân tại đô thị. Nhưng thực tế không có một đơn vị công ích nào hoạt động lĩnh vực này và cũng không có một khung giá xử lý chung nào được quy định. Chỉ khi hoạt động dưới sự quản lý của Nhà nước thì mới chấm dứt được việc lừa đảo, tắc trách.
Bạn đọc Phương cũng nhận định tình trạng lừa gạt ở nước ta thực sự quá nhiều do không có thông tin chính thống, cũng như hình thức xử lý thích đáng. Các quảng cáo không chỉ hiện diện ở tờ rơi nữa mà còn nhan nhản trên cái website được đầu tư bài bản, bỏ tiền ra là lên đầu tìm kiếm.
Đến khi người dân muốn tìm cơ sở uy tín cũng không biết phải tìm ở đâu và gặp ngay các đối tượng lừa đảo. Giá cả thì không được quy định, rẻ sợ gian dối, đắt thì sợ bị lừa, và hầu như mọi người khi sử dụng dịch vụ này đều trong tâm trạng sợ hãi.
"Sợ hãi vì khi có gian lận thì báo với ai, liệu cơ quan chức năng có xử lý hay chỉ qua loa? Tôi cảm thấy bức xúc vì người dân mình không được bảo vệ. Và tại sao, dân mình lại lợi dụng khó khăn của nhau để lừa gạt?", bạn đọc này trăn trở.
Bạn quan tâm, muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Chỉ nên phạt hành chính hay xử phạt thật nặng những đơn vị xả thải bậy, làm ăn gian dối này? Nhà nước có nên thành lập đơn vị hoạt động, giúp người dân trong việc vệ sinh hầm cầu, cống rãnh không?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận