Gặp 'Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị' giữa TP.HCM: Có đồng đội tôi chết đến mấy lần

VŨ TUẤN
và 1 tác giả khác

Sau hơn 50 năm, người lính thông tin Lê Xuân Chinh với nụ cười tươi rói - biểu tượng chiến thắng trong bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị - đến TP.HCM.

nụ cười - Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Chinh bên xe tăng 390 ở hội trường Thống Nhất tháng 4-2025 - Ảnh: V.TUẤN

Vẫn nụ cười ấy nhưng không phải niềm vui "còn sống" như ông chia sẻ ngày nào mà nay là niềm vui giữa đất nước đổi mới, thanh bình và phát triển.

Ông Lê Xuân Chinh, cựu chiến binh trong bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị của nhà báo Đoàn Công Tính chụp cuối tháng 8-1972, đang ở TP.HCM.

Ông đi theo đoàn cựu chiến binh tỉnh Điện Biên thăm lại những địa chỉ đỏ trước ngày thống nhất.

Vẫn dáng người gầy gò, đôi mắt hiền và nụ cười tươi tắn ở tuổi ngoài 70, người cựu chiến binh khoe mới lên chức cụ, sớm nhất trong số đồng đội cùng đơn vị còn trở về sau thống nhất đất nước.

Ở cái tuổi này rồi, niềm vui chính là gặp lại đồng đội. Hỏi thăm nhau xem ai còn, ai mất. Vài hôm nữa tôi lại được đồng đội mời về Thành cổ Quảng Trị.

Ông Lê Xuân Chinh

Không dám xem chứng tích chiến tranh vì "giống cháu mình"

Ngày đầu tiên ở TP.HCM, ông Chinh cùng các thành viên khác của đoàn thăm lại bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và hội trường Thống Nhất.

Bước qua cánh cửa phòng trưng bày về chất độc da cam, ông Chinh rớm nước mắt quay trở ra. Người lính can trường năm ấy mỗi ngày vượt qua bao trận mưa bom trên đầu, giờ đây không đủ can đảm nhìn những bức ảnh nạn nhân chất độc da cam.

Ông bước ra ngồi một góc, đôi mắt rơm rớm nhìn dòng xe vùn vụt qua ngoài đường: "Vì… quá giống cháu tôi…" - ông chùng giọng tâm sự.

Rồi ông kể những ngày ở chiến trường Quảng Trị, ông là một trong số những người lính may mắn thần kỳ. Ngày nào cũng vài đại đội vào, rồi ngày nào cũng đưa thương binh ra. Bom đạn gào thét suốt ngày đêm.

Ông Chinh ngày ấy là lính thông tin. Liên lạc bị đứt phải vào chiến trường rồi quay ra chuyển tin tức, mệnh lệnh. Ngày nào cũng trườn dưới làn đạn vài lượt.

Thế nhưng vừa nhìn thấy những tấm thân không nguyên vẹn vì chất độc da cam, những ánh mắt ám ảnh, ông không cầm nổi lòng mình. Chiến tranh khốc liệt để lại hậu quả bi thảm.

Ít người biết anh chiến sĩ thông tin có nụ cười tươi rói giữa đổ nát chiến tranh ở Thành cổ Quảng Trị năm nào trở về quê hương lại tiếp tục hiến dâng cuộc đời cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

Ông Chinh phục viên vì sức khỏe yếu được hơn một năm, lại theo những người cựu binh lên Tây Bắc làm kinh tế mới. Hiện giờ gia đình ông ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).

Ông có hai người con, đứa cháu nội duy nhất chịu di chứng chất độc da cam. Người cháu ấy bị bệnh tật hành hạ suốt 13 năm và mới mất cách đây chưa đầy hai năm.

Chuyến thăm TP.HCM đúng dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất lần này, ông Chinh cũng mong gặp lại những đồng đội của mình.

"Ở cái tuổi này rồi, niềm vui chính là gặp lại đồng đội. Hỏi thăm nhau xem ai còn, ai mất. Vài hôm nữa tôi lại được đồng đội mời về Thành cổ Quảng Trị" - ông Chinh cười, vẫn nụ cười trong trẻo, hiền hậu vô tư trong bức ảnh ở Thành cổ Quảng Trị ngày nào.

nụ cười - Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Chinh trong bức ảnh Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

Nụ cười tươi rói vì… "gia đình sẽ biết mình còn sống"

Ông kể ngày ở chiến trường Quảng Trị, ông là lính thông tin. Hôm ấy có phóng viên chiến trường đến, gặp những người chiến sĩ đang nghỉ ngơi. Ông Chinh được đề nghị chụp ảnh, ông ôm khẩu B40 cười tươi vì "chắc gia đình sẽ biết mình còn sống".

Ông cũng không ngờ bức ảnh đó, nụ cười đó của ông đã trở thành biểu tượng cho niềm vui chiến thắng của những người lính chốt giữ thành cổ ngày ấy.

Thế rồi chính tác giả bức ảnh, nhà báo Đoàn Công Tính, nhận được tin ông đã hy sinh. 30 năm sau, một cựu binh đến thăm Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, thấy bức ảnh trong bảo tàng ông khẳng định đồng đội vẫn còn sống.

Trong những ngày cuối của 81 ngày đêm chốt giữ thành cổ, đồng đội đưa ông rời chiến trường trên một chiếc cáng. Ông thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội khác vì bây giờ vẫn được kể lại những câu chuyện thời chiến. Đồng đội ông phần lớn đã hy sinh.

"Có đồng đội tôi còn chết đến mấy lần… - ông Chinh run run xúc động - Chúng tôi an táng đồng đội ngay tại trận địa, hôm sau bom lại cày lên. Nửa đêm lại ra tìm lại thi thể, chôn xuống. Hôm sau đạn pháo lại cày lên…".

Đi qua bom đạn ngày ấy, đứng giữa TP.HCM ngày nay, ông Chinh tâm sự ký ức chiến tranh không làm ông ám ảnh mà chỉ là kỷ niệm của tuổi trẻ. "Chiến tranh mà, đôi bên đều có sống có chết, bên nào cũng đau thương" - ông trải lòng mình.

Cống hiến cho "mặt trận kinh tế mới"

Ông Chinh phục viên vì sức khỏe yếu năm 1980, trở về quê ở Thái Bình một thời gian rồi lên Điện Biên "khai hoang" làm kinh tế mới.

Căn nhà hiện tại của ông bây giờ nằm ngay bên cánh đồng Mường Thanh ở đội 4, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Gia đình ông cũng như hàng ngàn gia đình lính khác hết chiến tranh lại vác cuốc lên Điện Biên vỡ đất trồng lúa.

"Ngày ấy đất đai ruộng vườn bỏ hoang, có người đến làm là được cấp luôn. Tôi được phân cho 3 sào ruộng với một ít vườn" - ông Chinh kể.

Lớp ông lên sau, không còn những thửa "bờ xôi ruộng mật" như người đi trước. Chỗ nào dân không làm được thì sức và ý chí lính làm, chỗ nào ít nước, đất cằn thì lính đến cải tạo. Cánh đồng Mường Thanh phần lớn được những người từng cầm súng bước qua bom đạn chiến tranh trở lại dỡ mìn, dọn thép gai làm ruộng.

Hai vợ chồng người lính ở Thành cổ Quảng Trị năm ấy có một căn nhà nhỏ, một mảnh ruộng, vài khoảnh đồi, sống bình dị như những người nông dân siêng năng, hiền lành ở Điện Biên.

Tuy nhiên khó khăn vẫn chưa buông tha cho những người lính trở về. Sức khỏe ông Chinh không tốt vì vết thương cũ tái phát. Đứa cháu nội chịu di chứng của chất độc da cam.

Kinh tế gia đình ông chẳng dư dả gì, chỉ có tinh thần lạc quan, bất khuất của người lính vẫn tươi mới như ngày nào.

Gặp 'Nụ cười chiến thắng bênThành cổ Quảng Trị' giữa TP.HCM - Ảnh 3.

Ông Chinh (trái) cùng đồng đội thăm chiến trường Củ Chi

Người cựu binh kiên cường ở Quảng Trị năm ấy hôm nay nhẹ nhàng nhìn ngắm những hàng sao đen cao vút bên đường ở TP.HCM. Với ông, chiến tranh đã qua hơn nửa đời người. Kể từ ngày ông phải rời chiến trường trên chiếc cáng thương ấy đến giờ đã 53 năm, còn đất nước vừa tròn nửa thế kỷ thống nhất.

Ông Chinh vui vì thế hệ trẻ sau này đang làm cho đất nước mạnh mẽ từng ngày. Năm nào ông cũng được mời đi tham quan ở nhiều nơi, kể lại những kỷ niệm thời gian khó của chiến tranh.

Ông xúc động trải lòng niềm vui lớn nhất là gặp lại đồng đội và trong lòng thấy tự hào vì lớp trẻ bây giờ vẫn nhớ đến thế hệ hào hùng của cha ông.

Gặp 'Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị' giữa TP.HCM - Ảnh 4.Phượng hồng rực rỡ, sen thơm ngát ở Thành cổ Quảng Trị

Những ngày đầu hè, những cây phượng lâu năm trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị nở đỏ rực làm di tích này bừng sáng như thay áo mới, khiến nhiều du khách thích thú.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp