10/01/2016 12:32 GMT+7

Gặp nhà cải cách của bóng đá Thái

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG ([email protected])

TT - Cách đây chừng 10 năm, hàng loạt ngôi sao bóng đá của Thái Lan như Kiatisuk, Dusit, Thonglao... vẫn còn đổ bộ đến V-League thi đấu, nhưng hiện tại điều đó đã không còn nữa.

Ông Ong Arj Kosinkar trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ
- Ảnh: H.Đ.
Ông Ong Arj Kosinkar trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ - Ảnh: H.Đ.

Điều này bắt nguồn từ cuộc cách mạng của nền bóng đá Thái Lan vào khoảng những năm 2007-2008, giúp giải bóng đá Thái vươn mình trở thành một giải đấu tầm cỡ châu lục.

Để tìm hiểu về những thay đổi kỳ diệu của nền bóng đá Thái Lan, chúng tôi đã được gặp một nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Ong Arj Kosinkar - chủ tịch Thai-League, và cũng là tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT), người được ví như là tổng công trình sư của cuộc cải cách bóng đá nước này.

Thay đổi từ những chuyện nhỏ nhặt

Trong số các quan chức bóng đá Thái Lan nhiều năm gần đây, ông Kosinkar được nhiều nhà báo thể thao Thái Lan nhắc đến như một trong những người có công lớn tạo ra sự thay đổi cho các giải bóng đá Thái.

Vị chủ tịch từng là cầu thủ bóng đá này sở hữu hai tấm bằng thạc sĩ ở các lĩnh vực quản lý thể thao và kinh tế, nhưng nổi bật nhất là tinh thần cầu tiến, chịu khó học hỏi những cường quốc bóng đá ở châu Âu.

Từng thi đấu chuyên nghiệp cho CLB Rapracha, ông Kosinkar được cử sang tập huấn tại Đức thời còn là một cầu thủ trẻ vào những năm thập niên 1970.

“Khi đó tôi chỉ cho rằng các giải bóng đá châu Âu, cụ thể ở đây là Đức, đông vui hơn, cuồng nhiệt và giàu có hơn chúng tôi chỉ vì chuyên môn họ vượt trội. Nhưng càng về sau tôi nhận ra không hẳn là vậy. Bóng đá châu Âu thu hút khán giả hơn vì họ tính toán từng chi tiết trong việc sử dụng công nghệ, những thủ thuật trên sân bóng sao cho hiệu quả nhất” - ông Kosinkar nói.

Khi đã giải nghệ nghiệp quần đùi áo số, ông Kosinkar bắt đầu những cuộc “du học” khác. Song song với các lớp học ở trường đại học về kinh tế và quản lý thể thao, ông Kosinkar trở lại châu Âu nhiều lần nữa để tìm hiểu về cách thức làm bóng đá của những người Anh, người Đức...

“Trước khi đi tôi mang theo đầy đủ các tài liệu về bóng đá Thái Lan, bao gồm cả hình ảnh của từng chi tiết trên sân vận động để đối chiếu với nước ngoài” - ông nói thêm.

Những khác biệt của bóng đá châu Âu so với “vùng trũng” Đông Nam Á được vị tổng thư ký FAT nhanh chóng ghi nhận.

Ông Kosinkar nói: “Nhiều năm trước đó bóng đá Thái Lan cũng từng cố tạo ra nhiều thay đổi. Nhưng chúng tôi ban đầu chỉ nghĩ đơn giản rằng để nền bóng đá được hùng mạnh, cần phải phát triển đào tạo cầu thủ trẻ, cần mời được những HLV danh tiếng.

Nhưng không chỉ vậy. Muốn phát triển chuyên môn cần phải có tiền, nền bóng đá phải tự tạo ra lợi nhuận cho mình.

Và điều này phụ thuộc vào cách làm sao thu hút được nhiều CĐV. Khi có một lượng đông đảo người hâm mộ gắn bó với đội bóng, thương hiệu mới được nâng lên và các nhà tài trợ mới vào cuộc. Mọi chuyện bắt đầu từ CĐV, phải làm sao để họ luôn thấy yêu thích khi đến sân bóng”.

Những thay đổi bắt đầu sau đó, vào giai đoạn năm 2007-2008. FAT liên tục tổ chức các cuộc họp với ban lãnh đạo của những đội bóng hàng đầu Thai Premier League, nội dung xoay quanh việc chỉnh trang sân đấu, xây dựng các hội CĐV.

Và sau đó, những CLB lớn như MuangThong, Buriram, Nakhon Ratchasima bắt đầu cải cách, bắt đầu từ những việc nhỏ: những hàng ghế, từng bức tường một được sơn phết lại theo màu truyền thống của đội bóng cho bắt mắt, đèn sân được gắn thêm nhiều, các MC được mời đến giúp vui cho trận đấu...

“Tất nhiên ban đầu cũng cần bỏ vốn để làm mới nhiều thứ, nhưng chi tiền hợp lý là một vấn đề. Chúng tôi nhận ra rằng xây một sân vận động to lớn 40.000 chỗ ngồi nhưng chỉ thu hút được khoảng 10.000 khán giả vừa gây lãng phí, vừa làm mất hình ảnh trên sân. Các khán đài khi đó sẽ bị loãng ra và hiệu ứng sôi động rất thấp.

Thay vào đó, các CLB của Thái Lan được khuyến khích xây sân chỉ tầm 10.000 - 20.000 chỗ ngồi nhưng sử dụng loại khán đài có thể nới rộng hơn trong tương lai. Chúng tôi tập trung vào việc làm sao cho 10.000 khán giả đó thật sôi động” - ông Kosinkar giải thích.

Cách đây năm năm, lượng khán giả trung bình mỗi trận của Thai-League chỉ khoảng 4.000 nhưng hiện đã tăng lên đến hơn 7.000.

Các cổ động viên chụp ảnh trên sân bóng - Ảnh: H.Đ.
Các cổ động viên chụp ảnh trên sân bóng - Ảnh: H.Đ.

Lợi nhuận bậc nhất châu Á

Nhiều năm sau cuộc cách mạng bóng đá này, bóng đá Thái Lan thay đổi như thế nào? Ông Kosinkar đưa cho chúng tôi xem những số liệu về các khoản thu chi trong năm vừa qua và thời gian tới của Thai-League.

Năm 2014 là một năm mang tính bước ngoặt của bóng đá Thái Lan. Từ hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 1,8 tỉ baht (khoảng 1.125 tỉ đồng, tương đương 50 triệu USD) được ký với Tập đoàn truyền thông TrueVisions trong giai đoạn 2014-2016, các CLB ở Thai Premier League được ban tổ chức giải đấu chia một khoản tiền trị giá lên đến 21 triệu baht (khoảng 13 tỉ đồng)/mùa.

Con số này với mỗi đội bóng ở Giải hạng nhất Thái Lan là 3 triệu baht (khoảng 1,9 tỉ đồng)/mùa và các đội Giải hạng nhì là 1 triệu baht (khoảng 625 triệu đồng)/mùa.

Nhưng những con số này còn tăng vọt hơn nữa khi TrueVisions mới ký bản hợp đồng truyền hình với Thai-League trị giá đến 4,2 tỉ baht (khoảng 2.625 tỉ đồng, tương đương 116 triệu USD) giai đoạn 2017-2020, tức 656 tỉ đồng mỗi mùa giải.

Điều này giúp thu nhập từ việc được chia bản quyền truyền hình của mỗi CLB ở Thai Premier League tăng hơn gấp đôi, dự kiến vào khoảng 50 triệu baht (khoảng 31 tỉ đồng)/mùa.

Những con số nói trên thật sự gây choáng với các nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á.

Khoản thu nhập lớn từ bản quyền truyền hình giúp các CLB Thái Lan có tình hình tài chính cực kỳ ổn định, qua đó tăng đều quỹ lương cho các cầu thủ.

Theo tiết lộ của ông Kan Jarat - tổng giám đốc của CLB MuangThong United, mức lương của các ngôi sao bóng đá Thái Lan tầm cỡ Teerasil Dangda, Datsakorn Thonglao... vào khoảng 10-12 triệu baht (6-8 tỉ đồng)/năm, tương đương 5.000-7.000 USD/tuần.

Đây là mức lương có thể sánh ngang với các cầu thủ tầm trung thi đấu ở Giải hạng nhất Anh hoặc các giải vô địch Hà Lan, Bồ Đào Nha... Thật dễ hiểu vì sao các ngôi sao Thái giờ đây chẳng còn mặn mà với V-League.

Nhưng FAT cũng không muốn các CLB mải mê “phá tiền” qua việc tăng lương vô tội vạ cho cầu thủ. FAT buộc các CLB ký một cam kết phải sử dụng số tiền được chia vào các mục đích khác nhằm phục vụ khán giả tốt hơn.

Tất cả trở thành một vòng tuần hoàn: càng nhiều khán giả, bóng đá Thái càng dễ thu hút tài trợ, bản quyền truyền hình và tiền thu được lại sử dụng cho mục đích hút khán giả.

Sánh với các đại gia châu Á

Thu nhập từ bản quyền truyền hình của Thai Premier League thật sự có thể sánh được với các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.

Điển hình như Giải vô địch bóng đá Úc một năm nhận khoảng 27 triệu USD tiền bản quyền truyền hình (Thai Premier League bắt đầu từ năm 2017 nhận 29 triệu USD/năm). Ở Giải vô địch Nhật Bản, con số này là 41 triệu USD/năm, theo thống kê của tờ Japan Times.

Chưa hết, nguồn tiền bạc của Thai Premier League mùa giải tới còn tăng mạnh hơn với gói tài trợ của Toyota tăng từ 200 triệu baht giai đoạn 2013-2015 lên 300 triệu baht (khoảng 188 tỉ đồng) giai đoạn 2016-2018.

__________

Kỳ tới: Một giờ với Kiatisuk

HUY ĐĂNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp