07/02/2015 09:12 GMT+7

Vụ Tân Hiệp Phát: Gặp nạn vì đòi bồi thường thiệt hại

HÀ MI - H.ĐIỆP
HÀ MI - H.ĐIỆP

TT - Một chủ quán ăn uống ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị bắt khi đòi Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Tân Hiệp Phát bồi thường các sản phẩm kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà gặp nạn vì đòi bồi thường - Ảnh: Hà Mi

Ngồi trong một căn nhà nhỏ ở P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Thu Hà cầm trên tay nhiều văn bản, tài liệu để nói về sự việc của mình sau nhiều năm theo đuổi kiện Công ty Tân Hiệp Phát.

Không quan tâm tới khách hàng

Bà Hà kể đầu tháng 3-2009, quán Thác Vàng đang kinh doanh ăn uống bình thường thì khách phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Nhân viên của bà báo cho Công ty Tân Hiệp Phát nhưng không ai đến giải quyết.

Tiếp sau đó, bà Hà về quán chứng kiến thêm bốn chai sữa đậu nành Soya hiệu Number One còn thời hạn sử dụng, còn đậy nắp nhưng dưới đáy có cặn. Bà báo cho công ty nhưng nhân viên chăm sóc khách hàng vẫn không giải quyết đến nơi đến chốn. Bức xúc bà Hà làm đơn tố cáo.

Đầu tháng 11-2011, bà Hà được Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai mời đến làm việc với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cùng đại diện các sở ngành.

Tại đây, ông Nguyễn An - giám đốc marketing của Công ty Tân Hiệp Phát - xác nhận vào biên bản “chai sữa đậu nành và chai nước tăng lực Number One mà bà Hà khiếu nại là các sản phẩm mang thương hiệu của công ty, còn nguyên chưa khui”.

Tuy nhiên, theo biên bản, ông An vẫn cho rằng chưa xác định chính xác là sản phẩm của công ty hay không nhưng “xin thu hồi lại sản phẩm bị lỗi và hỗ trợ cho người tiêu dùng bằng hiện vật là năm thùng trà xanh”. 

Bà Hà cho biết thời điểm đó bà yêu cầu hỗ trợ bảy tháng làm ăn thua lỗ tổng cộng 49 triệu đồng (mỗi tháng 7 triệu đồng), vì tin đồn quán bà bán nước ngọt kém chất lượng khiến bà mất khách, doanh thu giảm. Phía đại diện công ty yêu cầu bà Hà muốn bồi thường thiệt hại thì cần có cơ sở chứng minh mất thu nhập. Bà Hà không đồng ý với cách giải quyết của công ty.

Lần giở từng giấy tờ còn lưu lại, bà Hà nói thêm: “Tôi đã ủy quyền vụ việc cho một văn phòng luật sư ở TP.HCM nhưng khi luật sư gặp thì Tân Hiệp Phát nói đã thỏa thuận được với tôi. Tôi biết họ không trung thực nên gọi điện yêu cầu họ phải hỗ trợ 49 triệu đồng. Nếu không sẽ tố cáo vụ việc đến các cơ quan báo chí”.

Theo bà Hà, sau đó ông Phạm Long Minh - đại diện Công ty Tân Hiệp Phát - và bà phải đàm phán ba lần mới đạt được số tiền 49 triệu đồng.

Bị bắt khi đang nhận tiền

Bà Hà cho biết sau khi thỏa thuận xong, trưa 16-12-2011 ông Phạm Long Minh hẹn bà đến một quán cà phê để giao 49 triệu đồng, đồng thời thu lại năm chai nước (một chai nước tăng lực Number One, bốn chai sữa đậu nành Soya hiệu Number One) bị lỗi.

Khi bà Hà đang đếm tiền thì một tốp thanh niên mặc thường phục tự xưng Công an TP Biên Hòa ập đến còng tay, thu giữ 49 triệu đồng cùng năm chai nước giải khát bị lỗi.

“Về đến Công an TP Biên Hòa, công an xác minh phía Công ty Tân Hiệp Phát có biên bản thỏa thuận với tôi nên thả tôi ra trong ngày” - bà Hà kể.

Tuy nhiên, mãi tới ngày 10-1-2013 Công an TP Biên Hòa mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời xác định bà Hà nhận 49 triệu đồng từ Công ty Tân Hiệp Phát là do hai bên đã “gặp nhau nhiều lần để thương lượng, có sự đồng ý của công ty”.

Bà Hà khẳng định đến nay bà vẫn chưa dừng lại việc theo đuổi vụ này. Bà đã khởi kiện ra TAND thị xã Thuận An (Bình Dương), yêu cầu bồi thường tổn thất kinh doanh do quán phải đóng cửa nhiều năm, chi phí đi lại với số tiền tổng cộng 400 triệu đồng.

“Tòa có mời hòa giải nhiều lần nhưng phía công ty chưa chịu bồi thường” - bà Hà nói. Hiện bà Hà đang giữ năm chai nước mà công an trả lại cho bà sau khi tịch thu.

Theo biên bản trả lại tài sản thu giữ ngày 22-4-2013, Công an TP Biên Hòa ghi nhận: “Bốn chai sữa đậu nành Soya nắp chưa khui. Bên trong bốn chai có dung dịch màu trắng đục có rất nhiều cục meo mốc màu trắng, đen”.

Riêng chai nước tăng lực Number One thì được ghi: “Chưa khui. Trong chai có dung dịch màu vàng. Trong dung dịch có một ống hút nước bằng nhựa màu trắng sọc xanh”.

Trong văn bản trả lời bà Nguyễn Thị Thu Hà, Công an TP Biên Hòa cho biết ngày 2-11-2011, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Tân Hiệp Phát làm đơn gửi Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Đồng Nai tố cáo bà Hà đe dọa tống tiền công ty 49 triệu đồng.

11g ngày 16-12-2011, PC45 phối hợp với Công an TP Biên Hòa bắt quả tang bà Hà đang nhận tiền từ ông Phạm Long Minh - đại diện Công ty Tân Hiệp Phát. Việc PC45 còng tay khi thực hiện bắt bà Hà là đúng quy trình để giao cho Công an TP Biên Hòa điều tra.

Đề cập vụ việc này, đại tá Bùi Hữu Danh (nguyên trưởng Công an TP Biên Hòa, nay là phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, người ký quyết định không khởi tố vụ án) cho hay: “Vụ việc này khi đó PC45 bắt rồi giao Công an TP Biên Hòa làm. Tuy nhiên sau khi xác minh, chúng tôi thấy có thỏa thuận giữa hai bên, đây là tranh chấp dân sự nên không khởi tố vụ án”.

Vụ bà Hà khác vụ ông Minh ở Tiền Giang?

Chiều 6-2, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) không khởi tố vụ bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận 49 triệu đồng bồi thường của Công ty Tân Hiệp Phát vào tháng 12-2011, bà Nguyễn Thị Ánh (phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Tiền Giang) cho biết giữa vụ bà Hà và vụ ông Võ Văn Minh ở Tiền Giang có những tình tiết, tính chất khác nhau.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Ánh, bà Hà bị thiệt hại rõ ràng từ việc khách hàng tẩy chay quán sau khi phát hiện sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát không đảm bảo chất lượng.

Bà Hà có yêu cầu các cơ quan chức năng và Công ty Tân Hiệp Phát bồi thường nhưng công ty lại báo công an bắt bà Hà. Sau đó công an thấy bà Hà không có tội nên trả tự do. Còn với ông Võ Văn Minh thì khác, ông này phát hiện chai Number One có ruồi và thông báo cho công ty, đồng thời ra giá cụ thể để đổi sự im lặng.

Thiệt hại của ông Minh chưa xảy ra, ông Minh cũng chưa thông báo cho các cơ quan chức năng yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Khi xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tôi xem rất kỹ hồ sơ và rất cân nhắc về việc có cần thiết phải tạm giam hay không. Tuy nhiên, số tiền bị can nhận khá lớn, lọt vào quy định không thể cho tại ngoại được. Tôi cũng theo dõi thông tin báo chí trong những ngày qua, từ đó chỉ đạo cho anh em phải kiểm sát thật kỹ quá trình điều tra. Cá nhân tôi cũng sẽ chú ý xem xét đặc biệt hồ sơ vụ án này” - bà Ánh nói.

Trả lời về việc chưa có kết luận trưng cầu giám định con ruồi có trong chai Number One trước hay do anh Minh đưa vào nhưng cơ quan điều tra đã vội khởi tố, bà Ánh chỉ nói nếu con ruồi xuất phát từ nhà máy và có trong chai trước khi đến tay anh Minh thì Công ty Tân Hiệp Phát có thể bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự. “Tất nhiên còn phải chờ kết quả giám định mới biết xử lý thế nào” - bà Ánh nhấn mạnh.

V.TR.

 

Chưa đủ cơ sở để khởi tố ông Võ Văn Minh

Trong trường hợp của ông Võ Văn Minh ở Tiền Giang, nếu ông này cố tình bỏ ruồi vào chai nước để tống tiền Công ty Tân Hiệp Phát thì mới bị coi là hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Còn nếu con ruồi trong chai nước không phải ông Minh bỏ vào, mà đúng là do lỗi của Tân Hiệp Phát thì việc ông Minh yêu cầu bồi thường không bao giờ là tội phạm cả.

Ông Minh yêu cầu bồi thường 1 tỉ hay 10 tỉ đồng đi nữa là chuyện của ông Minh. Tân Hiệp Phát cử người đàm phán với ông Minh, hứa trả 500 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng cũng là chuyện thỏa thuận giữa hai bên.

Điều này còn có thể hiểu là Tân Hiệp Phát ngầm thừa nhận sản phẩm của mình có vấn đề. Nếu Tân Hiệp Phát báo cho công an bắt ông Minh thì rõ ràng là Tân Hiệp Phát vi phạm thỏa thuận.

Đừng nghĩ rằng 500 triệu hay 1 tỉ đồng là lớn. Trên thế giới không hiếm những vụ khách hàng phát hiện dị vật trong thức ăn, nước uống, sau đó kiện nhà hàng đòi hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD.

Việc đại diện Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng là một thỏa thuận dân sự. Giả sử ông Minh không báo cho Tân Hiệp Phát mà cung cấp chai nước có ruồi cho công an hoặc cho báo chí thì sự việc sẽ ra sao?

Chưa chừng thiệt hại còn lớn hơn số tiền 500 triệu đồng mà Tân Hiệp Phát đã thỏa thuận đưa cho ông Minh.

Theo tôi, nếu Tân Hiệp Phát thấy rằng ông Minh là kẻ hám lợi, không thể chấp nhận những đòi hỏi quá đáng thì hai bên kiện nhau ra tòa án để giải quyết. Còn như báo công an để bắt ông Minh là không ổn cả về mặt pháp luật lẫn đạo đức kinh doanh.

Ở đây, Tân Hiệp Phát đồng ý trả cho ông Minh 500 triệu đồng, ông Minh cũng đồng ý với số tiền đó. Vậy thì làm gì có dấu hiệu của tội phạm? Chúng ta có thể chê trách ông Minh là người tham lam, nhưng cơ chế thị trường là vậy. Lòng tham của ông Minh bị xã hội lên án.

Việc còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là không biết trong chai nước có ruồi do quá trình sản xuất hay do ông Minh cố tình bỏ vào, còn phải chờ điều tra làm rõ, nhưng cơ quan chức năng đã bắt tạm giam, khởi tố ông Minh về tội “cưỡng đoạt tài sản”, theo tôi là chưa đủ cơ sở, còn quá vội vàng.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

 

HÀ MI - H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp