Anh Ngô Đức Lợi (trái) trong ngày gặp lại anh Thuận. Anh Lợi rất vui vì tâm nguyện của mình đã được bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ và cuộc đời của mẹ con anh Thuận từ nay sẽ bớt khổ - Ảnh: QUỐC NAM
Đây là số tiền bạn đọc Tuổi Trẻ nhờ chuyển đến để chia sẻ với anh Thuận. Cùng thăm anh lần này có một người đặc biệt, đó là anh Ngô Đức Lợi - phóng viên báo Quảng Bình, người báo tin cho phóng viên Tuổi Trẻ về câu chuyện của Thuận và được Tuổi Trẻ chọn trao giải Làm báo cùng Tuổi Trẻ.
Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi sáng ở quán cà phê vỉa hè tại TP Đồng Hới (Quảng Bình). Anh Lợi gặp một phụ nữ lớn tuổi đi bộ vào. Mái tóc bạc trắng của bà khiến anh chú ý.
Bà đưa anh xem tập giấy photocopy một số bài báo. Anh đọc được ở đó hình ảnh và câu chuyện về Phạm Văn Thuận - người từng giữa đêm khuya bơi qua dòng nước xiết cứu 8 người đang mắc kẹt trong lũ năm 2010. Và có cả hình ảnh anh nằm cấp cứu trong bệnh viện với tình trạng liệt nửa người...
Người phụ nữ ấy là bà Ngô Thị Vinh, mẹ của anh Phạm Văn Thuận. Bà Vinh đang đi xin tiền mua thuốc cho Thuận. Cứ mỗi cuối tháng, con hết thuốc, bà lại lang thang khắp nơi như thế.
"Tôi nhìn người phụ nữ tóc bạc ấy. Rồi lại nhìn người thanh niên trong ảnh. Tôi chợt lặng người", anh Lợi nhớ lại. "Nghĩ mãi về chuyện người thanh niên từng xả thân cứu người giờ phải nằm một chỗ để mẹ phải đi xin nuôi anh..., tôi định đưa câu chuyện lên báo Quảng Bình. Nhưng muốn câu chuyện này cần được lan tỏa rộng hơn, tôi nghĩ đến Tuổi Trẻ vì biết Tuổi Trẻ đã từng làm cầu nối chia sẻ với rất nhiều cuộc đời bất hạnh".
Đón nhận tình cảm của nhiều người, Thuận nói anh như được hồi sinh: "Khi bị nạn nằm một chỗ, tui coi như cuộc đời mình đã 'hết'. Nhưng khi chuyện của tui được đưa lên báo, tôi thấy mình vẫn còn có ý nghĩa với đời".
Bạn đọc cả nước gọi điện, nhắn tin động viên. Nhà Thuận giờ đã được sửa, có tivi, tủ lạnh, quạt hơi nước do bạn đọc Tuổi Trẻ tặng; phòng anh nằm đã được ốp đá dưới sàn và xung quanh, trần nhà đóng la-phông chống nóng.
Quẩn quanh ở góc giường nhưng anh cũng đã nối mạng để đọc báo, nhìn ra thế giới. Đọc được trên Tuổi Trẻ câu chuyện về em học sinh lớp 10 Trần Văn Nam lặn sông cứu người trên đường đi phụ hồ, anh Thuận nhìn thấy mình trong Nam.
Tình cờ là Nam ở cách nhà anh chỉ khoảng vài cây số. Qua người quen, anh Thuận biết hoàn cảnh của Nam cũng nghèo khó.
Nhận tiền bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỗ trợ, anh rút ra 10 triệu đồng, nhờ người chở đến tận nhà Nam để trao tặng lại. Một thanh niên ở làng bị tai nạn nặng, anh cũng nhờ mẹ đưa đến giúp 1 triệu đồng.
"Trước đây khi gặp khó khăn, mẹ con tui từng được nhiều người chia sẻ từng đồng để sống. Nay tui được nhiều người giúp đỡ, cuộc sống có đỡ hơn thì tui phải chia sẻ lại cho người khó hơn. Tui nghĩ những người giúp tui cũng đồng ý" - Thuận giản dị nói về cách anh san sẻ với cuộc đời.
Giải thưởng Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 6-2019 được báo Tuổi Trẻ trao cho các bạn đọc: Ngô Đức Lợi (Quảng Bình), Phan Tấn Đạt (Lâm Đồng), T.P.C. (Bình Dương) và một bạn đọc đã cung cấp thông tin có giá trị cho Tuổi Trẻ.
Bạn đọc hỗ trợ Thuận hơn 1,7 tỉ đồng
Sau khi câu chuyện về anh Phạm Văn Thuận được đăng tải, bạn đọc cả trong và ngoài nước đã cùng góp tay san sẻ khó khăn với "người hùng" này. Qua báo Tuổi Trẻ, bạn đọc đã đóng góp tổng số tiền hơn 830 triệu đồng.
Thuận tặng lại em Trần Văn Nam 10 triệu đồng từ tiền ủng hộ anh của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Quốc Nam
Trong đó, đợt một có 443 triệu đồng (gửi qua tòa soạn Tuổi Trẻ 351 triệu đồng và gửi qua phóng viên báo Tuổi Trẻ 92 triệu đồng), đợt hai là hơn 390 triệu đồng. Ngoài ra, cũng từ bài báo trên Tuổi Trẻ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã đến tận nhà thăm và tặng Thuận 60 triệu đồng, hai doanh nghiệp đi cùng tặng Thuận 200 triệu đồng. Một nhóm thiện nguyện tại Hà Nội cũng đã quyên góp được hơn 600 triệu đồng tặng anh.
Tổng số tiền mà bạn đọc hỗ trợ Thuận là hơn 1,7 tỉ đồng. Hiện mẹ con Thuận đã mở một số sổ tiết kiệm để lấy lãi chi tiêu hằng tháng. Số tiền còn lại Thuận dùng sửa lại ngôi nhà đang ở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận